Vui buồn những giấc mơ dang dở

23/09/2008 00:00:00

Không phải chỉ những em đang học ở học viện là giỏi. Cũng có những mảnh đời không có cơ hội dù kỳ tuyển sinh các em đạt điểm rất cao. Cũng có những em “lọt sàng xuống nia” và khẳng định mình rất nhanh…

Cậu bé người Ê Đê với vai trò hoạt náo viên.


Trở lại Hàm Rồng sau hơn một năm học viện HA.Gia Lai – Arsenal JMG và lớp năng khiếu của CLB HA.Gia Lai ra đời, chúng tôi chợt bắt gặp Y-Chưn Mlô, cậu bé người dân tộc Ê Đê đã bị loại trước đợt tuyển chọn chung kết của học viện, nay đang tập bóng đá cùng lớp năng khiếu. Hỏi ra mới biết, vì yêu mến vẻ hồn nhiên, ngây thơ cùng cái chất chẳng sợ ai khi bước ra sân bóng của cậu nhóc này, dù nhỏ tuổi (sinh 1997), thấp bé và nhẹ cân nhất đội, mà “già” Vinh đã nhất quyết tuyển em lên lớp năng khiếu.


Vẫn cái giọng líu lo quen thuộc, Y-Chưn hồn nhiên: “Tối tối, khi học bài xong, con thường biểu diễn tài đánh đàn cho các bạn. Con không biết đánh đàn điện tử, mà bạ đâu đánh đó, nồi, niêu, xong, chảo, bàn ghế gì con cũng gõ ra nhạc được hết”. Nó vẫn như thế, vẫn cái vẻ thoăn thoát như con chim sáo, chuyên pha trò cho mọi người. Vẫn cái ánh mắt ngây thơ dù cách chơi bóng thì đã được chau chuốt hơn trước.


Thi đậu nhưng vẫn ở nhà chăn bò

Bé Lãm với giấc mơ dang dở dù đã đủ chuẩn vào trường. Em phải ở nhà chăn bò phụ cha mẹ lo việc đồng áng

Mừng cho Y-Chưn Mlô bao nhiêu, tôi lại càng thương cho Nguyễn Văn Lãm bấy nhiêu. Ngày tuyển sinh vòng sơ loại ở Buôn Ma Thuột, chính Lãm là đứa được đánh giá cao nhất, cậu bé ấy loại Y-Chưn để được lên Pleiku thi chung kết. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, Lãm phải ở nhà chăn bò, nuôi em, dù HA.Gia Lai rồi cả các HLV chuyên trách bóng đá trẻ ở Đắk Lắk liên tục về nhà cậu bé, thuyết phục em đi đá bóng.


Nguyễn Văn Lãm không có cơ hội đổi đời qua bóng đá vì một lẽ đơn giản là nhà nó quá nghèo, nghèo đến mức mà nếu Lãm bỏ đi đá bóng, sẽ chẳng còn ai ở nhà chăn bò phụ mẹ nuôi em.


Lại nhớ chuyện cách đây hơn một năm, sau khi rời khỏi nhà Y-Thuyn Mlô, chúng tôi lại vượt một quãng đường dài nữa để đến nhà của Nguyễn Văn Lãm, một khu đất cát cách Buôn Ma Thuột gần 50km. Cũng bởi ở đây là khu đất cát nên người ta không thể trồng trọt như những vùng đất đỏ khác của tỉnh Đắk Lắk, khiến người nghèo càng nghèo thêm. Gia đình Lãm nghèo như thế.

Lãm và các em

Trong căn nhà tranh vách đất chật hẹp, nheo nhóc 7 miệng ăn (2 vợ chồng, 5 đứa con), mà mỗi ngày chỉ tiêu trên 20.000 đồng. Lãm lại con cả nên nó có nhiệm vụ phải trông em lẫn chăn bò cho người ta kiếm thêm tiền giúp mẹ. Cha nó mất sớm, phải sống với bố dượng, nên cậu bé ấy như càng già trước cái lứa tuổi 12 của mình. Chẳng biết có phải thế không mà nó thương em nó ghê gớm, chẳng muốn rời 3 đứa em, dù là để được tìm đến một tương lai tươi sáng hơn.


Nhìn ra bãi cỏ mà Lãm thường chăn bò phía sau nhà, nơi ấy, cậu bé từng bộc lộ tài năng bóng đá. Và cũng ở nơi ấy, giờ này nó phải gắn chặt cuộc đời với vùng quê nghèo khó. Càng đau lòng hơn khi tôi được các thầy của Lãm ở ngành TDTT Đắk Lắk cho biết rằng từ ngày nó nhất quyết ở nhà đến nay, chẳng biết chuyện học hành của nó đến đâu nữa…


Giấc mơ vạn dặm tìm thầy thành sự thật


Để được sinh hoạt trong cái học viện và cái lớp năng khiếu ấy, hầu hết các em phải lặn lội đường xa lên phố Núi, phải vượt qua bao khó khăn. Như Lê Vũ Quốc Nhật nhảy phốc lên xe chú, rồi 2 chú cháu đèo nhau bằng xe máy từ Quảng Nam lên phố Núi cách nay hơn 1 năm để tuyển sinh, mà Nhật chẳng hề than một câu nhớ nhà, nhớ mẹ. Hay như anh em Tiến Đạt, Tiến Hoài cùng dự thi chung kết để cuối cùng chỉ có thằng em Tiến Hoài được ở lại, còn Tiến Đạt đành ngậm ngùi chia tay Hàm Rồng vì đã lớn tuổi.

Mừng con về thăm gia đình trong những ngày nghỉ hiếm hoi cuối năm

Các em từ mọi miền đất nước đổ về Pleiku, nên những chuyến xe ngày về quê của các em trong các dịp nghỉ Hè, nghỉ Tết chính là những chuyến xe vui nhất, mang nhiều kỷ niệm nhất. Trong mỗi dịp ấy, xe của học viện, của CLB lại xuất hiện trên khắp các ngã đường từ Sông Cầu – Phú Yên vào đến Đồng Nai, rồi ngược lên Kon Tum, tạt ngang Quảng Nam, Quảng Bình, trước khi Bắc du đến tận Thái Nguyên, Thái Bình, trả về cho các phụ huynh những niềm hy vọng bé nhỏ của họ. Mà có giao con cũng phải giao cho đúng người, các tài xế, bảo mẫu thấy người nhận quen mặt mới cho các em rời khỏi mình, “Bằng không chúng tôi kiên quyết chở về lại học viện, đến khi nào phụ huynh ra đón mới thôi. Chứ cứ giao cho người nhận hộ, biết người đó như thế nào?”.


Xa gia đình, xa cha, mẹ, anh chị em, học viện trở thành mái nhà chung, gia đình chung của các cậu bé đá bóng giỏi ấy. Ở học viện, các em được sinh hoạt chung, học tập chung, xem TV, ăn uống chung. Tất cả là sự công bằng, không hề có sự thiên vị, không hề có sự phân biệt về chế độ giữa học viện HA.Gia Lai – Arsenal JMG hay chế độ cho lớp năng khiếu của CLB. Chính những tình cảm ấy của người lớn giúp các em nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, vơi bớt nỗi mệt nhọc vì tập luyện và học tập căng thẳng mà các em phải chịu mỗi ngày.


Đổi đời từ đôi chân trần…


Có thể mai này, khi đã trưởng thành, mỗi em sẽ mỗi ngả. Nhưng mái nhà chung ấy, những chuyến xe nghĩa tình mang nhiều kỷ niệm ấy sẽ là thứ mà mỗi người trong số các em chẳng thể nào quên.


Bước sang cuộc sống mới

Có thể các em sẽ trở thành người nổi tiếng, thực hiện được giấc mơ khoác áo nhiều đội bóng lớn của mình, cũng có thể không. Nhưng điều quan trọng chẳng phải là các em sẽ nổi tiếng trong sự nghiệp cầu thủ hay không, mà điều quan trọng chính là các em được phát triển toàn diện, đủ sức chống chọi với những sóng gió của cuộc sống. Đấy mới chính là tiêu chí phát triển cao nhất của học viện HA.Gia Lai – Arsenal JMG, mà chuyên gia Jean Marc Guillou – GĐ toàn cầu của học viện – từng bộc bạch.

Chưa vội nói đến tương lai, vì ngay thời điểm hiện tại, giấc mơ vạn dặm tìm thầy, tìm đến nơi có cuộc sống tốt, giáo dục tốt của các em, của gia đình các em đã thành sự thật. Bởi chắc gì ở những miền quê nghèo, các em được hưởng những chế độ như thế.

Nói đến đây lại thấy cay cay nơi sống mũi, khi chợt nhớ đến chuyện của Nguyễn Văn Lãm. Lẽ ra, giờ này, em phải được vui như các bạn…

 

Nguồn: Theo Thể thao và cuộc sống