Trần Công Minh với con đường trở thành HLV chuyên nghiệp

Việc HLV 37 tuổi Trần Công Minh được ĐT.LA ký hợp đồng làm trợ lý cho ông Calisto không làm ai ngạc nhiên. Ở anh hội tụ đủ những phẩm chất của một HLV triển vọng.

16/03/2008 00:00:00

Việc HLV 37 tuổi Trần Công Minh được ĐT.LA ký hợp đồng làm trợ lý cho ông Calisto không làm ai ngạc nhiên. Ở anh hội tụ đủ những phẩm chất của một HLV triển vọng.


Đời cầu thủ- Tấm gương phấn đấu của các VĐV trẻ

Trần Công Minh là VĐV có một bảng thành tích chuyên môn rất đáng nể. Anh có tất cả những vinh quang mà các cầu thủ trẻ mơ ước: hai chức VĐQG với đội Đồng Tháp; 2 HCB, 1 HCĐ SEA Games, 1 HCB; 1 HCĐ Tiger Cup; Quả bóng Bạc Việt Nam 1996, Quả bóng Vàng Việt Nam 1999, Quả bóng Đồng Việt Nam các năm 1997, 1998; được chọn vào Đội tuyển các ngôi sao châu Á thi đấu với ĐTQG Iran; Huân chương lao động hạng 3.

Suốt 16 năm có mặt trên sân cỏ VN, Trần Công Minh luôn là cầu thủ có lối chơi fair – play, không hề có 1 tai tiếng gì trên sân cỏ cũng như ngoài đời, là cầu thủ chưa bao giờ bị thẻ đỏ, thẻ vàng rất ít mà nếu có cũng không phải do cố ý gây thương tích cho đối phương.

Công Minh là đội trưởng ĐTVN từ năm 1998 đến khi giải nghệ.

Anh có lối chơi thông minh, đẹp mắt, rất kỹ thuật, có thể chơi trung vệ, tiền vệ, hậu vệ biên nhưng hậu vệ biên mới là vị trí khiến anh trở thành niềm mơ ước của các cầu thủ trẻ. Anh là hậu vệ biên hay nhất Việt Nam với khả năng tham gia tấn công cao và rất hiệu quả.

Nhiều nhà chuyên môn vẫn lấy anh làm thước đo để so sánh các hậu vệ biên của Việt Nam và đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có ai sánh ngang chứ chưa nói vượt anh.

Những ngày Trần Công Minh làm cầu thủ, BĐVN chưa chuyên nghiệp hoá nhưng anh đã có đầy đủ những phẩm chất của 1 VĐV chuyên nghiệp. Chính vì thế anh luôn được đối thủ tôn trọng, đồng đội tin yêu và nhiều khán giả trẻ coi là thần tượng, khán giả có tuổi thì yêu mến.


“Tôi đến ĐTQG là để học nghề của thầy Riedl”

Sau khi giã từ sân cỏ, anh trở thành HLV “gõ đầu trẻ” ở ngành TDTT Đồng Tháp, trung tâm bóng đá Thành Long (TP.HCM), nửa mùa làm HLV trưởng đội chuyên nghiệp Đồng Tháp. Tuy đội Đồng Tháp xuống hạng nhưng đúng là “luận anh hùng không kể chuyện thắng thua”, LĐBĐVN đã mời anh làm trợ lý HLV ở ĐTVN năm 2006.

Ngày đầu tiên lên tuyển làm Trợ lý HLV, anh đã nói về sự kiện này như sau: “Mình đến ĐTQG để học nghề với thầy Riedl.

Chia tay thầy Riedl, Công Minh chuyển sang thụ giáo thầy Calisto.

Ngày còn là VĐV, mình đã học được rất nhiều ở “ổng” nhưng lúc đó, mình nhìn công việc của “ổng” dưới con mắt của một VĐV, không phân tích, không nhận xét các bài tập, các phương pháp, thời điểm thay người của “ổng”…

Nói tóm lại là khá hời hợt.

Bây giờ thì khác, mình vẫn là học trò của “ổng” nhưng là người học nghề để làm thầy. Tuy mình có bằng Trung cấp sư phạm TDTT nhưng như thế chưa thể đủ nếu muốn một ngày nào đó sẽ ngồi trên ghế của 1 HLV 1 đội bóng chuyên nghiệp.

Mình sẽ làm tất cả những gì được phân công, sẽ ghi chép tỉ mỉ các bài tập, các nhận xét về phương pháp huấn luyện, tổ chức huấn luyện của ông… Nói tóm lại mình sẽ là một học trò chăm chỉ, nghiêm túc”.

Trước ngày lên tuyển, anh đã theo học các lớp đào tạo HLV do LĐBĐVN tổ chức. Anh nói: “Tôi xác định HLV bóng đá là nghiệp của mình nên đã không bỏ bất cứ cơ hội học tập nghiệp vụ nào và càng học càng thấy mình còn rất nhiều điều chưa biết hoặc biết lơ mơ”.

Lên tuyển, anh được LĐBĐVN trao nhiệm vụ phụ trách đội dự tuyển Olimpic VN khi HLV trưởng bận làm việc với ĐTQG. Anh cùng các nhà chuyên môn của LĐBĐVN theo dõi, phát hiện những tài năng ở VCK U-21 toàn quốc và trực tiếp “khai hoang” khi họ tập trung tại Trung tâm HLTTQG 1.

Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện để khi HLV trưởng chính thức đến có thể triển khai các phương án thi đấu vòng sơ loại với Olympic Afganistan.

Được “chuyên canh” ở đội tuyển Olympic, đội tuyển U-23 tham gia vòng loại Olympic Bắc Kinh, SEA Games 24, anh đã thu nhặt được nhiều kinh nghiệm quý (hay và chưa hay) ở ông thầy qua 2 cuộc thi đấu quốc tế quan trọng này.


Đất lành chim đậu

Việc ký hợp đồng của anh với ĐT.LA rất chóng vánh chứng tỏ phía đối tác đã nghiên cứu anh rất kỹ. Ông thầy cũ Calisto đã “ok” ngay khi được các nhà lãnh đạo hỏi ý kiến.

Có thể nói Trần Công Minh là HLV rất may mắn khi được 2 HLV có chuyên môn tốt là Riedl và Calisto kèm cặp. Một người ở cấp ĐTQG, một người ở cấp CLB, hai luồng kiến thức thực tế này hợp làm một sẽ giúp Trần Công Minh khôn ngoan hơn trong nghề nghiệp.

Một ngày kia, nếu khi ông Calisto ra đi (hợp đồng mới của ông với ĐT.LA có thời hạn 3 năm), chắc chắn anh đã đủ lông, đủ cánh để cáng đáng công việc của đội bóng giàu thành tích, giàu cá tính như ĐT.LA.

Trần Công Minh đến với ĐT.LA như một mối lương duyên. Cách làm bóng đá rất đặc trưng, khá chuyên nghiệp ở đội bóng doanh nghiệp này rất trùng hợp với cá tính và con người Trần Công Minh.


Số phận đưa đẩy không cho anh được sống gần nhà nhưng lại luôn mỉm cười với anh, những địa điểm như Trung tâm bóng đá Thành Long (TP.HCM), ĐTQG và bây giờ là ĐT.LA, toàn những nơi “đất lành” để “chim đậu.


Vấn đề còn lại là “người xê dịch” Công Minh thể hiện được những gì…


Theo VTC