Nữ sinh viên quần đùi áo số

16/03/2008 00:00:00

(Pháp luật TP.HCM) Lẫn lộn giữa đám sinh viên nam khoa bóng đá có ba “tóc đuôi gà” cũng tả xông hữu đột, nào có chịu thua ai. Bóng hồng dắt rồi chuyền và tung ra cú sút điệu đàng…


HLV Trịnh Đình Dương cho biết đấy là buổi học thực tế trên sân cỏ của lớp bóng đá K30 thuộc Trường đại học Thể dục thể thao II. Và nếu gộp chung cả lớp giáo dục thể chất vào lớp HLV bóng đá của khóa K30, cả khóa tổng cộng 58 sinh viên và đặc biệt có năm nữ cũng bình đẳng như nam.


Con gái học làm thầy môn bóng đá


Nếu tính hết các khóa đang theo học tại trường, các nữ sinh viên khoa bóng đá gom lại thì đủ một đội bóng nữ.


Sinh viên Phạm Thị Phượng quê ở Hà Tĩnh khoe: “Tôi từng thi khoa sư phạm Hà Tây. Học được một năm nhưng vẫn không thấy thích. Vậy là thuyết phục cha mẹ cho khăn gói vào Nam dự thi vào Trường đại học Thể dục thể thao mà phải là khoa có đá bóng mới OK, còn không thì về. Thấy con gái “máu” quá, cuối cùng cha mẹ cũng gật”. Nguyễn Thị Ái, cô sinh viên quê ở Phú Yên kể lại chiến tích: “Từ hồi học cấp ba tôi đã mê đá bóng. Đội của trường từng đoạt giải khuyến khích Hội khỏe Phù Đổng 2004 đấy và tôi cũng từng là tuyển thủ Phú Yên trước khi là sinh viên…”. Ái còn kể nghe nói sinh viên nữ khoa bóng đá ai cũng ngạc nhiên nhưng nói thật, mấy anh nam sinh viên nhìn dữ dằn vậy chứ vào bóng thấy phái nữ là nhường bóng ngay thôi (cười).


Con gái mau nước mắt


Một bóng hồng của lớp giáo dục thể chất bẽn lẽn: “Nhập học được năm tháng, hôm nay hòa nhập với mấy anh là mừng lắm rồi! Những ngày đầu mới lên, toàn bị trêu đến khóc mãi và chỉ muốn bỏ học về nhà thôi…”.


HLV bóng đá đồng thời cũng là nhà quản lý tương lai – Nguyễn Thị Ái duyên dáng kể nguyên nhân tại sao chiếc áo mà mình đang khoác có số… 50: “Tại mấy anh tranh hết thứ tự, đến lượt em thì giành được số 50/58 người. Tức lắm, vì cứ bị trêu “làm gì có cầu thủ số 50!”. Góp chuyện, Hoài Thanh tự hào kể về trường hợp “dương thịnh âm suy”: “Lớp bóng đá có 31 sinh viên nhưng vỏn vẹn chỉ ba nữ, chẳng khác nào “hoa lạc rừng gươm”. Hở ra là bị bọn họ ỷ đông ăn hiếp. Tức quá, bọn em bày trò trả đũa, thách mấy chàng ra thi đá phạt đền, bên nào thua chịu tiền ăn sáng. Thua vài lần, mấy anh trai nể ngay. Qua những lần ấy, đám nữ ngộ ra nếu tính điểm năng khiếu, mình đâu có kém nam” (các nàng kể thế nhưng đâu biết là vì “thi đấu” với nữ, lại số ít nên các sinh viên nam khoa bóng đá ga-lăng nhường).


Ngày ngày ở Trường đại học TDTT II, các sinh viên nữ khoa bóng đá cứ đầy đủ những giáo án chẳng thua gì nam. Nghe nói một năm họ chỉ được ưu tiên có một ngày và ngày đó tuần tới mới diễn ra: ngày 8-3.

– Nữ sinh viên Giang Thị Hoài Thanh, quê Bình Phước khẳng định chắc nịch: “Từng là cầu thủ của Trường phổ thông trung học Bình Long, chuyên môn không đến nỗi nào. Tôi tin nếu cố gắng hoặc sẽ thành cầu thủ hoặc làm HLV thôi. Tỉnh nhà đang khuyết bóng đá nữ mà!”.

– Cô sinh viên tên Phượng tâm sự: “Đại học thể thao đã là khó chứ đừng nói chi đến học bóng đá! Ba là bác sĩ. Mẹ là kế toán trưởng, trong khi anh trai là kỹ sư điện. Con gái “rượu” bị cha mẹ buộc vào sư phạm. Vậy mà trót mê bóng đá nên theo luôn, giờ chẳng ai cấm cản cả!

Nguồn: Theo Pháp luật TP.HCM