Đằng sau chức vô địch của SHB Đà Nẵng: Làm bóng đá từ gốc

SHB Đà Nẵng không phải là một Chelsea theo kiểu Bình Dương hay một số đội bóng khác, với một dàn sao đưa về từ lắm nguồn. Đa số cầu thủ nội binh của họ là người địa phương, được đào tạo bài bản. Đó là một sắc thái riêng của đội tân vô địch năm nay. Chính điều đó, người Đà Nẵng càng tự hào như họ đã từng có cách đây 17 năm, thời của một thế hệ vàng mà đội QN-ĐN có được.

07/08/2009 00:00:00
SHB Đà Nẵng không phải là một Chelsea theo kiểu Bình Dương hay một số đội bóng khác, với một dàn sao đưa về từ lắm nguồn. Đa số cầu thủ nội binh của họ là người địa phương, được đào tạo bài bản. Đó là một sắc thái riêng của đội tân vô địch năm nay. Chính điều đó, người Đà Nẵng càng tự hào như họ đã từng có cách đây 17 năm, thời của một thế hệ vàng mà đội QN-ĐN có được.

Tiếp bước thế hệ đàn anh

17 năm trước,  đội Công nhân Quảng Nam-Đà Nẵng có những Phan Thanh Hùng, Trần Minh Toàn, Phan Công Thìn, Lê Văn Sinh, Bùi Thông Tân, Trương Văn Lợi…mà bây giờ cựu HLV Vũ Văn Tư vẫn nói là “muốn thắng ai là thắng”! Kết quả giành được chức vô địch quốc gia năm 1992 thực ra đã được “ươm mầm” từ những năm 1980 khi Đà Nẵng sớm tạo được “thương hiệu” trong công tác đào tạo trẻ…Thế nhưng, chẳng ai nghĩ rằng bóng đá nơi đây lại bước vào giai đoạn thoái trào chóng vánh đến thế.

Những cầu thủ này đều xuất thân từ lò đào tạo trẻ của Đà Nẵng

Sau chức VĐQG năm 1992 và Cúp Quốc gia năm 1993, một vụ “nổi loạn” bất thành tại giải Vô địch quốc gia 1995 đã sớm đẩy bóng đá Đà Nẵng vào bế tắc, kéo theo sự chểnh mảng trong công tác đào tạo các tuyến dưới cho đến khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương vào năm 1997. Những hạt giống từ những năm 1998 về sau như Quang Cường, Nguyễn Đức Nam hay Phan Thanh Phúc, Quang Tuấn, Hữu Hùng, Đặng Trọng Tâm…từng “chinh chiến” ở các giải trẻ rồi hạng Nhất và V-League đã từng bước khẳng định được khả năng chuyên môn, đồng thời cho thấy đào tạo các tài năng bóng đá trẻ là ưu tiên hàng đầu của mỗi câu lạc bộ. Nhưng trong cơ chế “bóng đá quốc doanh”, đó còn là một nỗ lực vượt trội của những người lãnh đạo có “máu thể thao”!

Năm 2003, bóng đá trẻ Đà Nẵng được khẳng định giá trị của mình với ngôi vô địch bóng đá U-21 báo Thanh Niên dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Morton và HLV Phan Công Thìn. Những gương mặt như Phước Vĩnh,Quốc Anh, Thanh Phúc… lần đầu tiên được nhìn nhận như những tài năng trẻ. Đến năm 2008, dưới bàn tay của Phan Thanh Hùng, bóng đá Trẻ Đà Nẵng lại có thêm một danh hiệu vô địch tại giải U-21 báo Thanh Niên. Và những Nguyên Sa, Cao Cường, Thanh Hưng, Văn Học, Văn Mẹo, Hoàng Quãng…, lứa cầu thủ từng trưởng thành từ sân chơi quốc gia lứa tuổi U.13, U.15 và U.21 với công lao đầu tiên của những cựu cầu thủ như Lê Văn Minh, Công Thìn, Thanh Hùng, Kim Tuấn… đã đủ “lớn” để góp phần quan trọng đưa SHB Đà Nẵng trở thành “tân Vương” của V-League năm nay.

Giữ vững bản sắc địa phương

Theo Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá Trẻ Đà Nẵng Nguyễn Văn Mùi: “Chúng tôi mong muốn các em được đào tạo theo đúng quy trình, thời gian để bảo đảm khi chuyển lên tuyến trên, các em đủ trình độ, khả năng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thi đấu đỉnh cao, thay cho lối đào tạo đốt giai đoạn vừa qua”. Và khi “ra lò” (qua các giải U.21 báo Thanh Niên hoặc tham gia giải hạng Nhất), các hạt giống ấy lại tiếp tục được những Trần Vũ, Phan Thanh Hùng mạnh dạn đưa vào đội hình chính để thử lửa.

Cho dù trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp và bị chi phối bởi một thị trường chuyển nhượng cầu thủ đang hình thành, nhưng các HLV này không chạy theo một đội hình nhiều sao kiểu Chelsea và tâm niệm cần phải giữ được bản sắc địa phương trên cơ sở sử dụng các cầu thủ trẻ đang trưởng thành. HLV Phan Thanh Hùng có lẽ là người thực hiện điều này khá kiên trì. Cả lúc ông Lê Thụy Hải về Đà Nẵng, nguồn lực do đào tạo tại chỗ khá phong phú vẫn được nhìn nhận như là một cái vốn quý ít nơi nào có được. Chính vì vậy những Thanh Phúc, Quang Tuấn, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Đức Cường và sau này là Văn Học, Văn Mẹo, Nguyên Sa đã có nhiều cơ hội cạnh tranh nhau hơn để được ra sân trong màu áo CLB Đà Nẵng rồi sau đó ALF SHB Đà Nẵng. HLV Lê Huỳnh Đức đã may mắn kế thừa một gia tài có sẵn đó để “gột nên hồ” theo cách của anh. 

Theo đánh giá của cựu tuyển thủ Trần Minh Toàn: “Bóng đá Đà Nẵng liên tục có một lực lượng trẻ tại chỗ khá hùng hậu và đồng đều. Họ may mắn được các HLV đặt trọn niềm tin, tạo cơ hội để thử thách và dần trưởng thành. HLV Lê Huỳnh Đức với cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng lắng nghe sự góp ý từ nhiều phía là người đã “khai thác” những cầu thủ này ở mức cao nhất để tạo nên chiến thắng”. Với một thành phần còn khá trẻ (Quốc Anh, Thanh Phúc, Phước Vĩnh chỉ mới 24 tuổi và chưa một ai trong số Thanh Hưng, Văn Mẹo, Nguyên Sa, Văn Học, Hoàng Quảng, Cao Cường quá tuổi 22), người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng yên tâm rằng những “đứa con” của họ sẽ còn vươn tới những đỉnh cao mới để mang lại vinh quang cho quê nhà.

Nguồn: Theo Thanh Niên