Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh: "Giờ chỉ làm bóng đá, không làm… đá bóng nữa"

ờTừ mùa bóng 2002, hình ảnh một "thế lực mới" của bóng đá Việt Nam – đội HAGL – đã xuất hiện và đi cùng chuỗi thành công như mơ.

21/10/2007 00:00:00

(Thanh Niên) Từ mùa bóng 2002, hình ảnh một “thế lực mới” của bóng đá Việt Nam – đội HAGL – đã xuất hiện và đi cùng chuỗi thành công như mơ. Trong đó luôn hiện diện những nhân tố chủ yếu làm nên một thương hiệu bóng đá, đó là bầu Đức, cầu thủ số 1 Đông Nam Á Kiatisak và HLV Nguyễn Văn Vinh.


Mùa bóng 2007 không còn Zico Thái, bầu Đức cũng bận rộn nhiều hơn với công việc kinh doanh, và cũng ít khi thấy vị Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Vinh trên băng ghế BHL đội bóng. Ông âm thầm rong ruổi từ Nam ra Bắc, ngược lên Cao Bằng, Lạng Sơn… để tìm kiếm những tài năng trẻ.

* Trong một phát biểu gần đây, ông ghi nhận sự tiến bộ đáng kể về thể lực của các tuyển thủ, đặc biệt là các cầu thủ trong đội hình Olympic Việt Nam. Phải hiểu đúng về sự tiến bộ ấy như thế nào khi mà thể trạng, tố chất các cầu thủ bây giờ chẳng khác gì lứa cầu thủ cha chú, đàn anh, thậm chí nhiều cầu thủ còn thấp bé hơn…

– Ông Nguyễn Văn Vinh: Vấn đề thể lực không phải chỉ là tố chất, là cơ bắp, là yếu tố đơn lẻ của từng cầu thủ một, mà là mặt bằng trình độ kỹ thuật xử lý bóng, là cách thức tổ chức lối chơi, di chuyển đội hình phục vụ cho tấn công hay phòng thủ… tất cả đã được nâng lên một cách hiện đại hơn.

So sánh các thông số kiểm tra thể lực, các bài vận động theo cùng một phương pháp, giữa các cầu thủ ngày trước và bây giờ thì vẫn vậy thôi. Nhưng nói như cách nói của các nhà sản xuất công nghiệp thì độ hợp lý trong phương cách xử lý cho ta hiệu suất cao hơn, “nhiên liệu” ít hao tốn hơn, và vì thế mà hiện giờ các cầu thủ Olympic Việt Nam luôn đủ sức để chơi tốt cả 90 phút trước các đối thủ châu lục.

* Nhưng cái “cấu trúc vận hành hợp lý” của một đội bóng ấy sẽ tồn tại như thế nào trước một đối thủ có trình độ vận hành cao cấp hơn, hiện đại hơn? Ví dụ như trận đấu giữa Olympic VN và Olympic Nhật Bản trên đất Nhật⬦

– Khi quyền kiểm soát bóng nằm trong chân đối phương thì anh phải là người rượt đuổi chạy theo quả bóng, hùng hục chạy để… phá bóng, năng lượng của anh phải đốt cháy gấp 2, hay 3 lần người ta. Chưa kể cái tinh thần căng thẳng mệt mỏi của kẻ yếm thế nó cũng làm hại thể lực của anh.

* ~ tuổi 65, dường như ông đã mệt mỏi, nhưng nhiều người bất ngờ thấy ông chợt trẻ trung, sôi nổi hơn khi lên đường suốt 2 tháng, qua 21 tỉnh thành cùng các HLV ngoại của Học viện HAGL – Asenal đi tìm tài năng trẻ⬦

– Tôi đã thực sự mệt mỏi với vòng quay đá bóng (V-League) và với những gì nhiễu nhương xung quanh nó… Giờ thì tôi chỉ làm bóng đá mà không làm đá bóng nữa! Làm bóng đá là mình làm đào tạo trẻ. Chính những bài tuyển chọn của các tuyển trạch Học viện Bóng đá HAGL-Asenal làm tôi nhớ lại, ngày xưa chúng tôi vất vả nhẫn nại tập đi tập lại trong vòng 30 phút chỉ để hoàn thiện một động tác vung chân, một động tác đá mu… Thầy Ngô Xuân Quýnh rất nhẹ nhàng mà cũng rất nghiêm khắc. Thời ấy được huấn luyện bởi các chuyên gia Liên Xô, anh nào mà không đá được cả hai chân thì khỏi lên tuyển… Chính vì thế bây giờ mình lại muốn làm. Học viện thì đã tuyển đủ 18 em, còn lại 16 em của đợt cuối cùng, toàn giỏi cả (tuyển chọn từ 7.000 em lứa tuổi 10-11 trên cả nước), tôi bàn với anh Đức tìm cách giữ lại đào tạo cho CLB, anh ấy hoàn toàn đồng tình, thế là liên kết cùng trường Đại học TDTT T.Ư 2 ra đời thêm một lớp đào tạo trẻ nữa. Học viện là liên doanh hướng đến đào tạo cầu thủ để tung ra thị trường cầu thủ quốc tế. Còn lớp ở Thủ Đức này mục tiêu gần hơn, làm bài bản cung cấp cầu thủ cho đội HAGL. Tôi lại tìm thấy niềm vui và động lực. 

Theo Thanh Niên