Bóng đá lên biên giới

Trên khoảng đất bằng phẳng cạnh đường trong thôn Bù Du Nga, hơn 20 chú nhóc hăm hở bên quả bóng cùng với "thầy" hướng dẫn. Khác với một tuần trước, thấy bóng là cả đám túm tụm lại tranh giành.

05/09/2007 00:00:00

(TN.O) Buổi chiều, lớp học ôn tập hè do những sinh viên tình nguyện (SVTN) trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tổ chức vừa tan, đám trẻ con thôn Bù Du Nga, xã Đăk Ơ, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước nhanh nhẹn gấp sách vở không phải ra về mà để ra… sân. Cũng giống như nhiều buổi chiều khác, hôm nay tại xã miền núi này, bọn trẻ được học bài mới về kỹ thuật chuyền bóng do những “thầy, cô” SV chỉ dạy.


Nằm cách biên giới Campuchia 15 km, Đăk Ơ là một xã nghèo, bà con dân tộc Stiêng chiếm 50% dân số, tuy vậy phong trào thể thao tại xã được coi là mạnh nhất toàn huyện Phước Long. Trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm nay, ngoài việc giúp bà con sửa chữa nhà ở, làm đường giao thông, tổ chức các lớp ôn tập hè, tuyên truyền… SVTN trường ĐH Công nghiệp còn có thêm một đội hình dạy bóng đá cho thiếu nhi.

Trên khoảng đất bằng phẳng cạnh đường trong thôn Bù Du Nga, hơn 20 chú nhóc hăm hở bên quả bóng cùng với “thầy” hướng dẫn. Khác với một tuần trước, thấy bóng là cả đám túm tụm lại tranh giành. Hôm nay nhờ đã được học qua mấy buổi về kỹ thuật nên từng đứa đã chơi chuyên nghiệp hơn. Điểu Siêng (11 tuổi, người Stiêng) say mê lừa bóng vượt qua 3, 4 đứa bạn, nó rướn mình băng lên sút mạnh vào khung thành. Bên kia, Điểu Danh nhanh nhẹn bắt gọn quả bóng trước sự ngạc nhiên lẫn tiếc nuối của cậu bạn. “Thằng Điểu Siêng đá hay nhất đám đó cô, thường ngày nó chẳng chịu thua đứa nào, nhưng bữa nay phải lên đồi trồng cao su suốt buổi sáng chắc nó mệt đá không được đó thôi”, cậu bé Thành đứng trong nhóm “dự bị” nhanh nhảu khoe với chúng tôi.

Trước khi đội SVTN lên xã, cứ chiều chiều đám trẻ con trong bản lại rủ nhau ra những bãi đất trống trong vườn điều để đá bóng. Nay chúng đã được tập luyện trong những sân bóng đẹp của xã, được hướng dẫn về kỹ thuật đá và tổ chức thi đấu có sự cổ vũ của trưởng thôn, phụ huynh. Đặc biệt được đá bằng quả bóng da đàng hoàng thay cho bóng nhựa như mọi khi. “Bây giờ tụi em biết luật chơi hết rồi, không còn… gây lộn như trước nữa, đứa nào chơi xấu phạm luật là bị đuổi ra khỏi sân ngay!”, bé Danh, 13 tuổi, vui vẻ tâm sự.

Hằng ngày, ngoài thời gian lên rẫy với cha mẹ, những cậu bé trong thôn ít khi chơi thể thao. Từ khi SVTN tổ chức dạy bóng đá, chiều nào các em cũng rủ nhau đi tập. Không chỉ đoàn kết trên sân mà sau những lúc tập bóng, các em đã cùng nhau chơi nhiều trò chơi khác. Những hôm trời tạnh ráo, chỉ cần một lời của “thầy” gọi ra sân, vài phút sau cả đám đã có mặt đầy đủ. Nếu trời mưa, sân trơn không tập được thì các em lại tụ tập ở nhà Cộng đồng để nghe “thầy, cô” giảng về luật bóng đá như các lỗi vi phạm: việt vị, penalty, thẻ vàng, thẻ đỏ…

Theo SVTN Nguyễn Minh Khoa (khoa Điện tử) – 1 trong 4 “huấn luyện viên” của các em – thì: “Thiếu nhi ở xã rất mê đá bóng nên em nào cũng hăng say luyện tập. Tụi mình dạy cho các em những kỹ thuật cơ bản như sút xa, chuyền bóng, giữ bóng, cách tấn công, phòng ngự… nhất là dạy các em về tinh thần đồng đội trong khi chơi”. Cũng theo Khoa, khó khăn nhất khi dạy bóng là vấn đề ngôn ngữ với các em người dân tộc, phải nói chậm kết hợp cùng động tác mới có kết quả.

Đôi bàn chân ngày ngày lội suối, leo rẫy băng băng là thế, đến khi ra sân tập cũng lại khéo léo, uyển chuyển lạ lùng. Ngọc Thiện (14 tuổi, học lớp 8) vốn là một học sinh khá giỏi, nhất là môn tiếng Anh. Nhưng đam mê lớn nhất của em lại là lớn lên sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá, được vào đội tuyển quốc gia để thi đấu. Hằng ngày, sau những lúc phụ giúp việc nhà cho bố mẹ, Thiện thường ôm quả bóng nhựa ra sân tập đá, hôm nào trời mưa không rủ được các bạn, em tập bóng một mình. 

“Mục đích  dạy bóng đá cho thiếu nhi tại xã không chỉ để giúp các em có một sân chơi lành mạnh sau những giờ làm việc, học tập mà hơn cả là để thiếu niên các thôn có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Những lúc cùng nhau chơi bóng trên sân sẽ giúp các em xích lại gần nhau hơn. Dự kiến năm sau bọn mình sẽ đề nghị với trường xây dựng một đội hình chuyên để dạy bóng đá cho các em”, bạn Trần Thị Bích Ngân (Chỉ huy phó chiến dịch Mùa hè xanh trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tại huyện Phước Long) cho biết. 

Theo Thanh Niên