Tìm hiểu bóng đá nữ Việt Nam và thế giới

Nếu phụ nữ Trung Quốc tự hào mình là những người “khai sinh” môn bóng đá nữ trên thế giới thì các cô gái Việt Nam cũng có quyền tự hào mình là những người đầu…

Theo tài liệu cũ, phụ nữ chơi “bóng đá” từ thời xa xưa. Một số bức họa, bút tích ghi chép lại chuyện các cô gái Trung Hoa từ đời nhà Hán, họ không chơi với nam giới, mà chia thành các đội rồi thi đá với nhau, gọi là trò chơi “Tsu-Chu”. Lúc đầu họ chơi một cách tự do, không xác định bàn thắng, chỉ điều khiển bóng biểu diễn cho vui.


Sau đó, môn chơi này lên đến cực thịnh, với quả bóng được thổi hơi vào bên trong như quả bóng ngày nay và một khung thành duy nhất nằm ở… giữa sân (?). Sách sử ghi lại trong một trận đấu, đội gồm các cô gái 17 tuổi đã thắng đội gồm các chiến binh nam, mà không biết cánh đàn ông có “nhường bước” theo kiểu “ga-lăng” hay không. Bóng đá thời cổ xưa lan từ Trung Quốc sang Hàn Quốc, rồi Nhật Bản. Mặc dù các cô gái xứ sở kim chi và hoa anh đào vốn thẹn thùng, e ấp, nhưng trước sức quyến rũ của quả bóng mang từ Trung Quốc họ cũng “cầm lòng không đậu” liều bước ra sân.


Nếu phụ nữ Trung Quốc tự hào mình là những người “khai sinh” môn bóng đá nữ trên thế giới thì các cô gái Việt Nam cũng có quyền tự hào mình là những người đầu tiên du nhập môn chơi vốn bị xem là “vật sở hữu riêng” của đàn ông vào Đông Nam Á. Tài liệu trong cuốn “Những đường bóng Việt Nam ở thế kỷ 20” cho bài viết về “Đội nữ Cái Vồn”, với đoạn mở đầu thật hay: “Năm 1933, một đội bóng đá nữ ra đời thật là một chuyện khó tưởng”.


Đội nữ ấy tại “Cái Vồn” được tuyển chọn từ học sinh nữ ở các trường ở Cần Thơ và một số chị em “tá điền”, tức làm ruộng mướn có thể lực tốt, tuổi từ 18 đến 20. Sau khi tập hợp được đủ quân số, “ông bầu” liền mời một cầu thủ nam sang làm huấn luyện viên. Đội trưởng là cô Marguerite trông nhỏ con, nhưng đá rất hay trên hàng tiền đạo.


Tại Sài Gòn, đội Paul Bert vô địch giải hạng nhì đánh bạo mời đội nữ Cái Vồn lên đá giao hữu. Thư từ qua lại đôi ba bận, đội nữ Cái Vồn nhận lời với điều kiện đội được hưởng 60% tiền thu vé vào cửa. Hôm đón đội nữ Cái Vồn tại Sài Gòn long trọng không thua gì đón nguyên thủ. Đội từ Cần Thơ lên Sài Gòn lúc 13 giờ trưa, đội nam Paul Bert đón tại Phú Lâm (quận 6 ngày nay). Một đoàn xe gồm 5 chiếc chạy vòng quanh thành phố cho bà con chiêm ngưỡng các cô gái đá bóng. Mọi người đứng chật hai bên đường như ngày hội. Trận đấu dự định bắt đầu lúc 16 giờ 30, nhưng mới 14 giờ thì sân đông kín, vé bán sạch trơn. Sau vài phút hội ý, người ta xé cả “cùi vé” (phần kiểm soát) ra bán luôn vẫn không đủ. Cửa đóng lại thì đám đông bên ngoài la hét vang trời, đòi phá tường xông vào (?). Ban tổ chức thấy nguy, sợ vỡ trận, đành mở cửa cho làn sóng người hiếu kỳ tràn vào và trận đấu buộc phải đá sớm hơn 30 phút.


Đội nữ Cái Vồn ra sân trong trang phục áo trắng, quần đen, giày bố trắng và đội mũ trắng. Lúc chụp ảnh lưu niệm, mấy anh chàng đội Paul Bert trốn biệt không dám ra. Trận đấu diễn ra vào tháng 7 mưa dầm, sân đọng nước, cầu thủ hai đội té lên, té xuống, té cả lên người nhau, khán giả cười rần rần. Cầu thủ nữ tụt giày chạy chân không cho chắc ăn. Trận đấu chỉ diễn ra 30 phút, mỗi hiệp 15 phút, nhưng là màn hài kịch không thể nào quên. Khi tỷ số đang là 2-1 nghiêng về đội nam thì tình huống hy hữu xảy ra. 3 cầu thủ nữ dắt banh xuống vùng cấm địa, hậu vệ nam làm bộ hụt để “ga-lăng” cho đội bạn gỡ hòa thì bất thần hậu vệ biên Vậng từ ngoài biên chạy vào giải vây, đụng nhẹ 1 nữ cầu thủ rồi té ngã, bị 3 cô gái té đè lên người. Trọng tài chỉ tay vào chấm 11m. Anh chàng Vậng mặt đầy bùn đất đứng dậy, còn 3 cô gái bẽn lẽn kéo quần lên. Thủ quân Marguerite sút thắng quả phạt gỡ hòa 2-2, kết thúc trận đấu bóng đá nữ đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Nguồn: Sài Gòn giải phóng Online