Ngoại binh ở V-League: Những bệnh thường gặp!

Cầu thủ ngoại du nhập vào Việt Nam kéo theo nhiều điều tốt như tính chuyên nghiệp, cách cư xử trên sân… Tuy nhiên, cũng còn có rất nhiều “ông Tây” đá bóng bê bối…

Cầu thủ ngoại du nhập vào Việt Nam kéo theo nhiều điều tốt như tính chuyên nghiệp, cách cư xử trên sân… Tuy nhiên, cũng còn có rất nhiều “ông Tây” đá bóng bê bối và lắm tiểu xảo trong cuộc sống đến không thể ưa được. Bóng đá xin liệt kê một vài cố tật ấy của một số ngoại binh.

1. Trình độ kém

Cứ tưởng cầu thủ ngoại với bộ dạng phong lưu, bảnh bao đều có trình độ văn hóa cao, cách ứng xử đúng mực. Nhưng thật ra không phải thế! Hầu hết các cầu thủ xuất thân từ châu Âu thường có cách cư xử lịch thiệp, hiểu biết, khôn ngoan. Tuy nhiên, một số cầu thủ đến từ châu Phi vốn sống lại rất ít, ngoại ngữ yếu. Có những cầu thủ được “cò” đưa sang, thực chất ở bên đấy không phải làm nghề đá bóng mà là chân chạy việc, có thể lực tốt nhưng rất thiếu tư duy chiến thuật, kể cả kỹ thuật cơ bản và sút bóng thì rất yếu. Vụ John Wole đánh trung vệ Lưu Ngọc Hùng đến vỡ xương gò má mới đây cũng thể hiện cái văn hoá ứng xử yếu kém ấy.


2. Khai man

Ở nhiều nước châu Phi, việc chứng thực giấy tờ, khai gian tuổi hoặc làm khống việc xác nhận thi đấu cho đội này đội khác cũng rất dễ bị làm giả. Nhiều cầu thủ khai mình còn trẻ để được các đội chú ý, nhưng thật ra đã là loại “hàng hết đát”.

Những ngoại binh đang thử việc tìm cơ hội khoác áo các đội dự V.League  Ảnh: ĐỨC ANH

3. Thử kêu, đốt tịt

Lúc thử việc thì chơi rất xông xáo. Đến khi ký hợp đồng rồi, được khoảng 1 tháng thì nhiều cầu thủ Tây bắt đầu chểnh mảng, chây lười tập luyện. Lúc trước khi ký thì hứa nhiều điều, ký xong rồi thì kỷ luật đội bóng bị xem thường. Đó cũng là lý do mà nhiều cầu thủ khi thử việc chơi rất hay, ghi bàn rất giỏi nhưng đến khi lâm trận thì hiệu suất thi đấu rất thấp…


4 Đá bóng như… “đao phủ”

Thời gian thử việc của các cầu thủ ngoại cũng khiến nhiều người khiếp vía. Các cầu thủ ngoại muốn chứng minh hiệu quả với các HLV mới nên chạy rất hăng, vào bóng rất rát, dữ và dễ gây chấn thương cho quân xanh được mượn để kiểm tra trình độ. Chắc nhiều người còn nhớ chấn thương của tiền vệ Dusit (HAGL) khi gặp Helio (lúc đấy đang thử việc cho TMN.CSG ở mùa 2006), tất cả cũng vì Helio quá ham hố chứng tỏ mình!


5. Được đằng chân, lân đằng đầu

Có những cầu thủ chơi hay, sinh hoạt tốt, được ông chủ, lãnh đạo các đội bóng cưng chiều. Thế rồi, họ cũng sớm… sinh tật. Có người có trình độ được ông bầu hỏi ý kiến nhiều, thế là bất tuân ý kiến của HLV nội. Nói một đằng, anh ta làm một nẻo, thậm chí, việc thực hiện trách nhiệm cầu thủ của mình còn chưa xong, nhưng lại thích chỉ trỏ thay HLV. Biết đội bóng cần mình, cầu thủ ngoại bắt đầu lấn tới. Họ trốn các bài tập nặng và thậm chí chê bai, la mắng đồng đội hoặc người khác khi chuyền bóng hỏng hoặc sai sót.


6. Kênh kiệu và dị biệt

Không ít cầu thủ ngoại sống trong đội với tư thế khác hẳn mọi người. Đó là những cầu thủ có thể sống khép kín, bất cần xung quanh và cũng có thể đó là những cầu thủ tỏ ra ngôi sao, coi thường người khác. Một số cầu thủ dạng này bắt đầu từ những chuyện nho nhỏ như trễ giờ tập đến những yêu sách về tiền bạc, muốn sinh hoạt đặc biệt…


7. Uống như hũ chìm

Ở TMN.CSG trước kia có Balenko – cầu thủ gốc Ukraine – được mệnh danh là cái hũ chìm. Bia rượu đối với trung vệ này chẳng khác gì nước lã. Sau mỗi trận đấu, anh chàng nốc vodka xả láng. Tất nhiên, trước trận đấu khoảng 2 ngày thì Balenko cũng có ý giữ gìn. Thế nhưng, chỉ thấy cái cảnh này thì lãnh đạo đội cũng phải phát hoảng. Hay tiền vệ Willi từng chơi cho Bình Dương và Hải Phòng trước kia rất thích uống bia và uống thì không biết bao giờ mới say.


8. Chiếu bí lãnh đạo

Ở giai đoạn 1, nhiều cầu thủ chơi rất hay, sinh hoạt tốt, nhưng khi đến giai đoạn 2, nhiều người đi xuống thấy rõ. Thì ra do sợ lãnh đạo đội có thể thay giữa giai đoạn nên ngoại binh tự khép mình vào kỷ cương. Đến khi biết chắc chắn có suất thì bắt đầu giở chứng bắt bí lại đội bóng bằng cách đòi xe cộ đưa rước, hoặc chảnh choẹ chê đồ ăn, chốn ở…


9. Gây gổ

Sống xa gia đình, nay đây mai đó nên cũng nhiều anh Tây bất cần xung quanh, sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết phải trái. Đặc biệt là việc đánh nhau giữa các cầu thủ Tây với khách du lịch Tây trong các dịp sinh hoạt đời thường, ở quán Bar, vũ trường cũng đã vài lần xảy ra. Điển hình như có lần, trung vệ Balenko đánh nhau đến nỗi gẫy tay phải nghỉ một thời gian. Hay như có lần, một số cầu thủ ngoại của Đà Nẵng đánh nhau để lấy oai với những cô chân dài ở bãi biển Hội An.


10. Làm giá

Có một chút tên tuổi, khẳng định được một chút năng lực là nhiều ngoại binh làm giá. Đưa đẩy đội này, đội khác để họ yêu sách với BLĐ đòi tiền chuyển nhượng, lương, thưởng cao đến chóng mặt…

Nguồn: Theo Bóng Đá