Futsal Việt Nam đi sau, về trước

Tính đến thời điểm này, bộ môn futsal (gọi nôm na là bóng đá trong nhà) Việt Nam mới trải qua 10 năm tuổi, kể từ lần đầu tiên ĐTQG được tập trung để chơi VCK giải vô địch Futsal châu Á trên sân nhà vào năm 2005.

Dù còn non trẻ nhưng futsal Việt Nam đã tiến bộ không ngừng, để đường hoàng đứng trong Top 8 đội hàng đầu châu Á tại AFC Futsal Championship 2014. 

ĐT futsal Việt Nam tham dự vòng loại VCK Futsal châu Á năm 2006. 

Nếu như cách đây 10 năm, ĐT futsal Việt Nam sớm phải xuống chơi giải bạc (nhóm 2) AFC Futsal Championship 2005, sau những trận thua mất mặt trước Kyrgyzstan và Iraq ở vòng đấu bảng, thì 10 năm sau, lứa cầu thủ kế thừa đã quật ngã cả Kuwait và Tajikistan để giành quyền vào chơi tứ kết giải vô địch châu Á 2014 theo cách không thể thuyết phục hơn. Đấy là một cột mốc, một bước tiến dài của futsal Việt Nam sau chỉ một thập niên.

Bóng đá trong nhà và futsal

Trước khi cụm từ futsal trở nên phổ biến ở Việt Nam, môn chơi này vẫn được giới bình dân gọi là bóng đá trong nhà (các trận đấu luật 5 người, diễn ra trong các nhà thi đấu). Cuối những năm 90 của thế kỷ trước cho đến những năm đầu thế kỷ 21, SLNA, với nòng cốt là đội 1 đá giải VĐQG với những Hữu Thắng, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Hùng, Quang Trường… vẫn thường được đại diện Việt Nam đi thi đấu các giải mời cấp khu vực sau khi liên tục giành chiến thắng ở giải trong nước.

Vào thời điểm đó, những đội bóng mạnh như Thái Lan, Iran, Uzbekistan hay thế lực mới Nhật Bản đã có chừng chục năm phát triển bộ môn này. Đó là lý do chúng ta thường phải chịu những trận thua đậm, dù chỉ là giải giao hữu hay tập huấn.

Năm 2005, trong nỗ lực “phổ cập” bộ môn futsal ở Việt Nam, AFC đã đồng ý để TP.HCM đứng ra đăng cai giải vô địch châu lục và đây có thể xem là cột mốc đánh dấu sự ra đời (phôi thai) của futsal chuyên nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải đợi thêm vài năm nữa để có giải VĐQG.

ĐTQG futsal Việt Nam năm 2005 được thành lập, với quân số chủ yếu được tập hợp từ các đội bóng phong trào TP.HCM như Đại học Hồng Bàng, Báo Công an TP.HCM, Ô tô Phạm Gia hay Thái Sơn Nam sau này…, thông qua các giải đấu cũng ở cấp phong trào.

HLV trưởng ĐT futsal Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Văn Long, vốn xuất thân từ Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TP.HCM và từng có giai đoạn huấn luyện Đại học Hồng Bàng (đội bóng sân 11 người). Năm 2006, người cầm cương ĐT là cựu danh thủ “thế hệ vàng” Nguyễn Liêm Thanh…

Vườn ươm mang tên 2030

Ngay lúc này, nhiều người vẫn nghĩ rằng, Trà Dilmah (Hà Nội) và Thái Sơn Nam (TP.HCM) chính là 2 cái nôi nổi tiếng nhất từng sản sinh ra các tuyển thủ QG môn futsal. Điều này đúng, nhưng chưa đủ, nếu tính trong giai đoạn futsal còn phôi thai.

Ít ai biết, CLB Doanh nhân 2030 mới chính là vườn ươm, là bệ phóng để để futsal Việt Nam phát triển, thông qua giải đấu 2030 sẽ bước sang tuổi 11 trong năm nay. Đây là giải đấu uy tín bậc nhất với futsal Việt Nam, trước khi giải VĐQG ra đời, cũng như các giải đấu cụm, giải TP.HCM mở rộng được tổ chức…

Chúng ta hẳn còn nhớ là, sau lần đầu tiên được tổ chức (năm 2004), với số lượng đội tham dự lên đến hơn cả trăm đội, BTC CLB Doanh nhân 2030 đã phải rất đau đầu trong việc xếp lịch, cũng như chọn địa điểm thi đấu (vì các nhà thi đấu đạt chuẩn để thi đấu môn futsal ở TP.HCM là hữu hạn).

Báo Công an TP.HCM, nơi tập hợp được rất nhiều hảo thủ, là đội vô địch lần đầu tiên và tiếp tục bảo vệ thành công vương miện ở năm thứ 2 sau đó, dù giải đấu đã tách hạng (giải B dành cho các đội mạnh và A dành cho các đội phong trào).

Dù tiền thưởng (cho chức vô địch, á quân và hạng 3, cũng như các giải cá nhân khác) không cao, nhưng uy tín của giải đấu không ngừng được nâng lên. Thử tưởng tượng, nhà thi đấu Phú Thọ với sức chứa gần nửa vạn người vẫn có thể được lấp đầy trong các trận đấu của Kềm Nghĩa hay Happy Cook, đủ hiểu sức hút lớn đến cỡ nào.

Ở những năm sau đó, 2030 thu hút thêm rất đông các CLB có phong trào futsal phát triển trong cả nước như Trà Dilmah hay Cường Quốc FC…, tề tựu về và nghiễm nhiên, ĐTQG futsal Việt Nam được hưởng lợi.

Nguồn: TTVH