Các ngôi sao Đông Nam Á đi đá thuê ở châu Âu – Kỳ 1: Người mở đường Fandi Ahmad

Năm 1982, sự kiện chàng cầu thủ 20 tuổi Fandi Ahmad, người Singapore đến CLB lừng danh Ajax Amsterdam để đầu quân đã gây chấn động làng bóng đá Đông Nam Á. Bởi đây là đội bóng đã gắn liền với những huyền thoại như Johan Cruyff, Johan Neeskens… và được người hâm mộ Đông Nam Á yêu mến từ lâu. Thời điểm Fandi sang Hà Lan đầu thập niên 80 cũng là lúc “bộ ba Hà Lan bay” Van Basten, Rijkaard và Ruud Gulit đang khẳng định tên tuổi của mình.

 

Đến thời điểm này, tiền đạo số 1 của bóng đá Việt Nam Lê Công Vinh vẫn đang cố gắng thể hiện mình nhiều hơn nữa để được ra sân thường xuyên hơn trong màu áo Leixoes ở giải vô địch Bồ Đào Nha. Anh cũng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên được ra sân ở một giải đấu có chất lượng tại châu Âu.

 

Tuy nhiên, trước Vinh, khu vực Đông Nam Á đã có khá nhiều cầu thủ nổi tiếng bôn ba trời Âu. Vậy họ đã để lại những bài học kinh nghiệm gì cho Công Vinh và cho cả những cầu thủ bóng đá Việt Nam sau này sang châu Âu đá bóng? Chúng tôi xin trích đăng những câu chuyện các danh thủ Đông Nam Á từng mang chuông đi đánh xứ người.

 

Năm 1982, sự kiện chàng cầu thủ 20 tuổi Fandi Ahmad, người Singapore đến CLB lừng danh Ajax Amsterdam để đầu quân đã gây chấn động làng bóng đá Đông Nam Á. Bởi đây là đội bóng đã gắn liền với những huyền thoại như Johan Cruyff, Johan Neeskens… và được người hâm mộ Đông Nam Á yêu mến từ lâu. Thời điểm Fandi sang Hà Lan đầu thập niên 80 cũng là lúc “bộ ba Hà Lan bay” Van Basten, Rijkaard và Ruud Gulit đang khẳng định tên tuổi của mình.

 

Lần đầu thất bại vì không thắng được mình

Fandi Admad (thứ 2 từ phải sang) ngồi cạnh Van Basten (bìa phải) khi còn ở CLB Ajax – Ảnh: tư liệu

Mang trong mình nỗi mặc cảm một cầu thủ đến từ vùng trũng của bóng đá thế giới, Fandi Ahmad rất khó hòa nhập với tập thể ngôi sao Ajax Amsterdam lừng danh dưới quyền huấn luyện của Johan Cruyff.

 

Vào những ngày đầu tháng 7-1982, sau vài buổi tập với đội hình dự bị, Fandi Ahmad được cho lên tập ở đội một. Điều ngạc nhiên là Fandi thể hiện rất tốt, nhất là yếu tố kỹ thuật và sức mạnh. Sau những buổi đầu bỡ ngỡ, các đồng đội mới tại Ajax không ngừng giúp đỡ để Fandi hòa nhập thật tốt.

 

Tuy nhiên, do Ajax là một đội bóng toàn sao của Hà Lan và thế giới nên Fandi rất khó giành một suất trong đội hình chính. Anh vẫn được bố trí đi theo đội khi Ajax làm khách tại các giải trong nước, nhưng ra sân thì chưa.

 

Khi mùa giải Hà Lan vào cuộc, Fandi thỉnh thoảng vẫn được tung ra sân thi đấu cuối trận. Với Fandi như thế dường như chẳng có gì thú vị. Đặc biệt, sự bất đồng về ngôn ngữ và nhất là khẩu vị các món ăn tại đây không hợp, cùng việc tập luyện mỏi mòn nhưng không được ra sân đã khiến Fandi quyết định hồi hương. Mùa bóng 1982 của Hà Lan đi được hết giai đoạn một thì Fandi quay về Singapore nghỉ ngơi rồi sang Indonesia đầu quân cho CLB Niac Mitra. Đây được xem là quyết định bất ngờ của Fandi.

 

Lùi một bước để tiến hai bước

Việc không về đá cho CLB trong nước mà sang Indonesia, một mặt để anh khỏi chịu áp lực từ dư luận của người hâm mộ Singapore, mặt khác là giải vô địch Indonesia có sự đối kháng cao hơn. Nhưng quan trọng nhất là Fandi tính như thế để chờ ngày trở lại Hà Lan.

 

Thật vậy, sang năm 1983, tức mới 21 tuổi, Fandi trở lại Hà Lan. Bài học lớn nhất mà Fandi rút ra từ thất bại tại Ajax, đó là một cầu thủ Đông Nam Á ban đầu cần phải đầu quân cho một đội bóng nhỏ tại châu Âu để bớt áp lực và dễ hòa hợp cũng như dễ khẳng định mình.

 

Fandi đã đúng khi anh quyết định chọn đội bóng trung bình Groningen SC. Tại đây Fandi chơi cực kỳ ấn tượng và được lãnh đạo CLB hai lần gia hạn hợp đồng. Mùa bóng 1984, Fandi đã ghi được 10 bàn thắng trong số 29 lần ra sân trong màu áo CLB Groningen. Đến cuối mùa bóng 1985 Fandi mới chia tay Groningen. Sau ba mùa đầu quân cho CLB này, Fandi được cổ động viên bầu chọn là một trong số 25 cầu thủ xuất sắc nhất CLB qua mọi thời đại.

 

Điều đáng nói là sau khi chia tay Groningen, CLB cũ Ajax đề nghị Fandi trở lại đầu quân. Cùng lúc đó cả hai CLB của giải ngoại hạng Anh là Nottingham Forrest và Tottenham Hotspur đều đưa ra lời mời Fandi về thi đấu. Fandi biết rằng đó là cơ hội của riêng mình, nhưng ở tuổi 23 anh nghiệm ra rằng nền tảng thể lực của mình chưa đủ để chơi ở những giải đỉnh cao ở châu Âu, cho dù có cố gắng tập thêm nữa. Đây chính là sự khác biệt lớn giữa những cầu thủ châu Âu được đào tạo bài bản và cầu thủ Đông Nam Á, nên dù còn rất trẻ nhưng anh vẫn quyết định trở về nước.

 

Fandi vào tuyển Singapore năm 16 tuổi, tham dự bốn kỳ SEA Games 1983, 1985, 1989, 1993 và một kỳ Tiger Cup 1996. Sau khi chia tay tuyển Singapore, Fandi từng làm trợ lý cho HLV Whitbread sang Việt Nam đá Tiger Cup 1998 và trợ lý cho AvramovictạiSEA Games 23. Hiện nay anh đang là HLV cho học viện Arsenal ở ngoại ô thủ đô Jakarta (Indonesia), vợ anh là siêu mẫu Wendy Jakobs, người gốc Nam Phi.

 

Cột mốc đáng nhớ nhất của Fandi khi chơi bóng tại Groningen

Ngày 19-10-1983, trong trận sơ loại Cúp UEFA giữa Groningen và Inter Milan, chính Fandi là người ghi một trong hai bàn thắng giúp đội bóng Hà Lan loại ông lớn Inter với tỷ số 2-0. Điều đáng nói hơn là chính Fandi đã chọc thủng lưới của thủ môn huyền thoại Walter Zenga được mệnh danh là “người nhện” của bóng đá Ý đang khoác áo Inter, chặn đứng 508 phút giữ sạch mành lưới của thủ môn huyền thoại này.

Đó chính là chiến công hiển hách nhất của một cầu thủ Đông Nam Á tại châu Âu. Và Fandi cũng gây sự chú ý của nhiều CLB châu Âu từ đó.

Nguồn: Thanh niên Online