Các ngôi sao ĐNÁ đi đá thuê ở châu Âu: Kỳ 3: Kiatisak-những năm nhọc nhằn ở Huddersfeld

Những năm 1999 – 2000, Kiatisak là trung phong số 1 Đông Nam Á khi đàn anh Natipong Sritong-in xuống phong độ do tuổi tác. Cũng trong thời gian này, Kiatisak Senamuang được giới thiệu sang đội bóng hạng Nhì của Anh là Huddersfeld. Tại đây, Zico Thái mài đũng quần trên băng ghế dự bị cho dù đã miệt mài tập luyện…

Những năm 1999 – 2000, Kiatisak là trung phong số 1 Đông Nam Á khi đàn anh Natipong Sritong-in xuống phong độ do tuổi tác. Cũng trong thời gian này, Kiatisak Senamuang được giới thiệu sang đội bóng hạng Nhì của Anh là Huddersfeld. Tại đây, Zico Thái mài đũng quần trên băng ghế dự bị cho dù đã miệt mài tập luyện…

 

Kiatisak chỉ tìm lại chính mình sau khi đầu quân cho HA.GL – Ảnh: Bạch Dương

Những khó khăn khách quan

Ở tuổi 24, tức độ tuổi như Công Vinh hiện nay, Kiatisak sang một CLB hạng Nhì của Anh, đó là vào năm 1999. Thế nhưng khi sang Anh, nơi được xem có một nền bóng đá lực sĩ và cơ bắp, thì rõ ràng một cầu thủ đến từ Đông Nam Á có thể hình rất hạn chế sẽ không tránh được những vấn đề khó khăn. Dù thách thức rất lớn, nhưng với một cầu thủ cầu tiến như Kiatisak thì chẳng dễ gì bỏ cuộc. Kiatisak lao vào tập luyện như điên. Ngoài thời gian tập chung cùng đội, khi tập xong buổi, Zico Thái còn nán lại sân để tập bổ trợ thể lực và tập hoàn thiện thêm các bài tập khác như sút phạt có hàng rào nộm, xoay xở qua khoảng hẹp trước vật dụng dùng để tập luyện…

 

Thế nhưng để tìm được cái tên “Kiatisak Senamuang” trong danh sách đội hình xuất phát của Huddersfeld vẫn chỉ là ước mơ. Qua quá trình tập luyện hết mức nhưng vẫn phải ngồi trên ghế dự bị khiến Kiatisak hoài nghi chính bản thân mình. Nhưng anh vẫn không bỏ cuộc, vì sau những lần như thế, thỉnh thoảng Kiatisak vẫn được tung vào sân ở hiệp hai, thậm chí là những phút cuối trận để là làm quen cảm giác với trái bóng.

 

Và những khó khăn khác không lường được

Những cái nhìn không mấy thiện cảm của các cầu thủ chơi bóng ở châu Âu nói chung và ở Anh nói riêng dành cho các cầu thủ Đông Nam Á là điều không thể tránh được. Những ngày đầu sang Anh, Kiatisak chỉ bập bẹ được vài từ tiếng Anh. Đây là một cản trở cực kỳ lớn trong việc hòa nhập với lối chơi của toàn đội. HLV trao đổi với cầu thủ bằng tiếng Anh thì Zico Thái chỉ biết lóng ngóng. Thậm chí HLV nói một đường, Kiatisak làm một nẻo. Bên cạnh đó, việc từ một nước nhiệt đới ở khu vực Đông Nam Á sang xứ sở xương mù lạnh lẽo đã khiến lòng kiên nhẫn và tinh thần cầu tiến của Kiatisak bị bào mòn.

 

“Tôi sang đó đã quá lớn tuổi”

Sau này sang Việt Nam thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai gần 5 năm, Kiatisak không giấu giếm những năm tháng khó khăn của anh ở trời Âu. Theo Kiatisak, đến với bóng đá Anh ở độ tuổi 24 đã là quá muộn trong việc cải thiện thể lực. Anh nói: “Giá như lúc tôi đến Anh ở cái tuổi dưới 18 thì mọi chuyện sẽ khác. Nền tảng thể lực được vun đắp ở độ tuổi dưới 18 mới tốt được. Ở cái tuổi 24, dù tập nhiều cỡ nào cũng chẳng cải thiện được là bao”.

 

Ở Huddersfeld hai năm, Zico Thái vẫn ra sân, thậm chí được ra sân trong đội hình xuất phát, và ghi bàn, nhưng nhìn chung con đường phía trước không hề khả quan. Thời lượng ra sân quá ít, cộng với tài năng không thể phát triển được nữa, cuối cùng Kiatisak tìm đường trở về nước.

Lời khuyên của Kiatisak cho những cầu thủ đàn em sau này sang châu Âu đá bóng là chuẩn bị một nền tảng thể lực thật tốt từ lứa tuổi 14, 15. Bên cạnh đó phải có vốn tiếng Anh thật tốt. Và nhất là yếu tố tâm lý, phải chuẩn bị tâm lý đối mặt với một cuộc sống nhàm chán, xa lạ, “đèn nhà ai nấy rạng” sau những buổi thi đấu và trên sân tập. Sự cạnh tranh và cô lập nhau đến khắt khe khiến bạn dễ nản lòng trong cùng một đội bóng với nhau…

 

Cuối năm 2000, Kiatisak về Thái Lan rồi sang đầu quân cho CLB Quân đội Singapore vào năm 2001. Tại đây anh cũng không nhận được sự đón tiếp nồng hậu của những đồng đội mới. CLB Quân đội Singapore là nơi tập trung những tuyển thủ thuộc thế hệ vàng của bóng đá Singapore như Rafi Ali, Zukarnael Zaenal, Nasri Nasir… Mãi đến khi bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai sang mời Zico Thái về đầu quân ở giai đoạn hai mùa giải hạng Nhất năm 2002, anh mới trở lại với chính mình.

 

Sau này Kiatisak tiết lộ rằng, ở cấp CLB, thành công nhất trong cuộc đời cầu thủ của anh là ở Hoàng Anh Gia Lai, vì tại đây Kiatisak giúp đội thăng hạng V-League cuối mùa giải 2002 và giành hai chức vô địch V-League 2003 – 2004.

 

Thế hệ sau không thành công

Sau này những đàn em của Kiatisak như Teerathep, Dangda, Suree Sukha được sang Anh học việc rất nhiều nhờ nhiều mối quan hệ. Riêng Teerathep từng thi đấu cho các đội trẻ của CrystalPalace, Everton. Sau này khi tỷ phú Thaksin mua CLBManchesterCity, ông đã điều HLV trưởng Sven Goran Ericsson sang Bangkok ký hợp đồng với ba cầu thủ Teerathep, Suree và Dangda. Tuy nhiên, giải vô địch Anh chỉ cấp giấy phép hành nghề cho những cầu thủ đến từ nền bóng đá có thứ hạng từ 70 trở lên trong bảng xếp hạng FIFA, vì vậy bộ ba Thái này chỉ học việc rồi về. Riêng Teerathep được ManCity cho CLB Liege của Bỉ mượn ở mùa bóng 2008-2009. Nhưng tại đây Teerathep cũng mài đũng quần trên băng ghế dự bị rồi cuồi cùng quay về Thái Lan. Hiện nay Teerathep sang đá cho CLB Muongthong, đội vừa mới đoạt chức vô địch Thai Premier League ngày 18-10 vừa qua.

 

Nguồn: Thanh niên Online