Hỏi-Đáp về Luật thi đấu 2007, Luật 12: Lỗi và hành vi khiếm nhã

1. Khi bóng chuẩn bị được thả  trong khu phạt đền, một cầu thủ phòng ngự dùng bạo lực tấn công một đối phương trước khi bóng chạm đất. Trọng tài xử lý như thế nào?

Cầu thủ bị đuổi khỏi sân vì hành vi bạo lực và trận đấu được bắt đầu lại bằng quả thả bóng.

 

2. Khi bóng trong cuộc, hai cầu thủ cùng đội có hành vi phi thể thao hoặc hành vi bạo lực đối với nhau trên sân. Trọng tài xử lý như thế nào?

Trọng tài phạt thẻ vàng hoặc thẻ đỏ cả hai cầu thủ và bắt đầu lại trận đấu bằng một quả phạt gián tiếp cho đội đối phương ở vị trí vi phạm xảy ra.

 

3. Khi bóng trong cuộc, thủ môn tấn công một cách thô bạo một đối phương ở khu vực giữa đường cầu môn và lưới cầu môn. Trọng tài xử lý như thế nào?

Trọng tài ngừng trận đấu, đuổi thủ môn khỏi sân và bắt đầu lại trận đấu bằng quả thả bóng ở nơi có bóng khi trọng tài dừng trận đấu.

Không có phạt đền vì khu vực phạm lỗi không phải trong sân thi đấu.

 

4. Cầu thủ tấn công qua thủ môn và đá bóng về phía khung thành bỏ trống. Hậu vệ ném giầy hoặc vật tương tự, đập vào bóng và cản bóng vào lưới. Trọng tài xử lý như thế nào?

Giầy hoặc vật tương tự được coi là tay nối dài của cầu thủ. Trận đấu được dừng lại, đội đối phương được hưởng quả phạt đền và cầu thủ phạm lỗi bị đuổi khỏi sân vì đã cố ý chơi bóng bằng tay để ngăn cản bàn thắng.

 

5. Cầu thủ tấn công vượt qua thủ môn và đá bóng về phía khung thành bỏ trống. thủ môn ném giầy hoặc vật tương tự, đập vào bóng và cản bóng vào lưới. Trọng tài xử lý như thế nào?

Thủ môn bị phạt thẻ vàng vì hành vi phi thể thao và trận đấu được bắt đầu lại bằng quả đá phạt gián tiếp cho đội đối phương từ vị trí bóng bị ném trúng bởi giầy hoặc vật tương tự.

 

6. Cầu thủ, không phải thủ môn, đứng ở khu vực phạt đền của đội nhà, giữ một chiếc bịt ống quyển, lấy bịt ống quyển đập vào bóng để ngăn bóng vào lưới. Trọng tài xử lý như thế nào?

Trọng tài cho đội đối phương hưởng phạt đền và cầu thủ đó bị đuổi khỏi sân vì ngăn cản một bàn thắng. Bịt ống quyển được coi là tay nối dài của cầu thủ.

 

7. Nếu trường hợp đó xảy ra nhưng người phạm lỗi là thủ môn?

Trọng tài dừng trận đấu, phạt thẻ vàng thủ môn vì hành vi phi thể thao và trận đấu được bắt đầu lại với một quả phạt gián tiếp cho đội đối phương.

 

8. Cầu thủ rời sân thi đấu để được chăm sóc y tế, ngáng một cầu thủ đối phương trong sân thi đấu. Trọng tài xử lý như thế nào?

Cầu thủ bị phạt thẻ vàng vì đã vào lại sân. Nếu hành động ngáng chân đáng phải nhận một thẻ vàng thì cầu thủ sẽ bị đuổi khỏi sân vì nhận thẻ vàng thứ hai trong cùng trận đấu và trận đấu được bắt đầu lại bằng một quả phạt trực tiếp hoặc phạt đền cho đội đối phương.

 

9. Một cầu thủ vào sân thi đấu mà chưa có tín hiệu cho phép của trọng tài và sau đó cố tình chơi bóng bằng tay. Trọng tài xử lý như thế nào?

Cầu thủ bị thẻ vàng vì đã vào sân không có sự cho phép của trọng tài. Trận đấu được bắt đầu lại bằng một quả phạt trực tiếp hoặc phạt đền để phạt vi phạm nghiêm trọng hơn.

Nếu, theo trọng tài, cầu thủ này cũng có hành vi phi thể thao khi chơi bóng bằng tay, cầu thủ này sẽ bị đuổi khỏi sân vì phải nhận thẻ vàng thứ hai trong cùng trận đấu.

Nếu, theo trọng tài, cầu thủ này cũng có lỗi vì đã ngăn cản bàn thắng hoặc cơ hội ghi bàn rõ ràng, cầu thủ này bị đuổi khỏi sân.

 

10. Cầu thủ đang chạy có bóng nhìn thấy một hậu vệ ngay phía trước mình và chạy ra ngoài sân thi đấu để tiếp tục đi bóng. Cầu thủ đối phương giữ anh ta lại ở biên dọc để ngăn cản anh ta tiếp tục chạy. Trọng tài xử lý như thế nào?

Dừng trận đấu và cầu thủ đối phương bị phạt thẻ vàng vì hành vi phi thể thao. Trận đấu được bắt đầu lại bằng quả thả bóng tại điểm có bóng khi trọng tài dừng trận đấu.

 

11. Khi bóng trong cuộc, cầu thủ đứng bên trong khu phạt đền của đội nhà ném một vật vào một cầu thủ đối phương đứng bên ngoài khu phạt đền. Trọng tài xử lý như thế nào?

Trọng tài dừng trận đấu và đuổi cầu thủ có hành vi ném ra khỏi sân. Trận đấu được bắt đầu lại bằng một quả phạt trực tiếp cho đội đối phương từ điểm  vi phạm được thực hiện, có nghĩa là nơi vật thể đập vào người cầu thủ bị ném hoặc suýt đập vào.

 

12. Cầu thủ ném một vật thể ví dụ giầy vào một người ngồi ở khu vực kỹ thuật. Trọng tài xử lý như thế nào?

Trọng tài dừng trận đấu, cầu thủ bị đuổi khỏi sân vì hành vi bạo lực và trận đấu được bắt đầu lại bằng một quả phạt gián tiếp từ điểm  ném vật thể.

 

13. Khi bóng trong cuộc, một cầu thủ dự bị ném một vật ví dụ: giầy vào một cầu thủ của đội đối phương. Trọng tài xử lý như thế nào?

Trọng tài dừng trận đấu và cầu thủ dự bị bị đuổi khỏi sân vì hành vi bạo lực. Trận đấu được bắt đầu lại bằng một quả phạt gián tiếp cho đội đối phương tại điểm có bóng khi trọng tài dừng trận đấu.

 

14. Cầu thủ đứng trong khu phạt đền của đội nhà tấn công trọng tài. Trọng tài xử lý như thế nào?

Trọng tài dừng trận đấu và đuổi cầu thủ ra khỏi sân vì hành vi bạo lực. Trận đấu được bắt đầu lại bằng một quả phạt gián tiếp cho đội đối phương tại điểm xảy ra vi phạm.

 

15. Thủ môn ở trong khu vực phạt đền của đội nhà giữ bóng bằng tay sau đó đặt xuống sân và dẫn bóng bằng chân ra khỏi khu vực phạt đền. Sau đó thủ môn lại quyết định trở lại khu vực phạt đền và dùng tay chạm bóng. Trọng tài xử lý như thế nào?

Đội đối phương được hưởng quả phạt gián tiếp.

 

16. Thủ môn giữ bóng đập bóng trước khi phát bóng lên có phạm lỗi không?

Không. Theo tinh thần của Luật thì hành động đập bóng đó không bị coi là bóng ra khỏi sự kiểm soát của thủ môn.

 

17. Nếu thủ môn đang đập bóng, cầu thủ đối phương có được quyền chơi bóng khi bóng chạm đất không?

Không.

 

18. Sau khi giành quyền kiểm soát bóng, thủ môn để cho bóng nằm trên tay. Một cầu thủ đối phương từ phía sau thủ môn tiến đến và đánh đầu vào quả bóng trên tay thủ môn. Hành vi của cầu thủ có hợp lệ không?

Không.

 

19. Thủ môn thả bóng để đá phát bóng lên, một cầu thủ đối phương chặn bóng trước khi chạm đất. Hành vi của cầu thủ có hợp lệ không?

Không. Ngăn cản thủ môn thả bóng khỏi tay là phạm luật. Việc thả bóng khỏi tay thủ môn và đá bóng lên được coi là một hành động.

 

20. Cầu thủ, không phải thủ môn, cố tình chơi bóng bằng tay trong khu vực phạt đền của đội nhà. Trọng tài xử lý như thế nào?

Trọng tài cho đội đối phương được hưởng quả phạt đền. Lỗi cố tình chơi bóng bằng tay bao gồm việc sử dụng không hợp lệ phần bàn tay hoặc cánh tay để chơi bóng.

 

21. Đội tấn công ném biên và bóng đến vị trí của thủ môn đội phòng ngự. Thủ môn bắt trượt bóng và một cầu thủ đội phòng ngự đấm bóng qua xà. Trọng tài xử lý như thế nào.

Đội tấn công được hưởng quả phạt đền. Trọng tài thông thường sẽ phạt cầu thủ đấm bóng thẻ vàng vì có hành vi phi thể thao. Cầu thủ không bị coi là từ chối bàn thắng hoặc cơ hội ghi bàn của đối phương vì một bàn thắng không thể được ghi trực tiếp từ một quả ném biên.

 

22. Cầu thủ cố tình ngăn cản bóng vào lưới bằng cách cố ý dùng tay chơi bóng. Tuy nhiên, bóng vẫn vào lưới. Trọng tài xử lý như thế nào?

Công nhận bàn thắng và phạt thẻ vàng cầu thủ dùng tay vì có hành vi phi thể thao.

 

23. Cầu thủ cố tình chơi bóng bằng tay, ngăn cản bóng đến vị trí một cầu thủ đối phương. Mặc dù đã chạm bóng, cầu thủ này vẫn không ngăn được cầu thủ đối phương nhận được bóng. Trọng tài xử lý như thế nào?

Nếu áp dụng lợi thế, cầu thủ chơi bóng bằng tay sẽ bị phạt thẻ vàng vì hành vi phi thể thao ở lần bóng ra ngoài cuộc tiếp theo.

 

24. Một cầu thủ bị cầu thủ đối phương đâm vào người khi bóng không ở trong phạm vi gần. Trọng tài xử lý như thế nào?

Nếu trọng tài thấy rằng hành vi đâm vào đối phương là do thiếu cẩn trọng thì sẽ áp dụng phạt trực tiếp hoặc phạt đền.

 

25. Cầu thủ cản đường tiến của đối phương bằng động tác va chạm. Trọng tài xử lý như thế nào?

Cầu thủ vi phạm bị phạt trực tiếp vì lỗi ngăn giữ đối phương hoặc bị phạt đền.

 

26. Trọng tài có được phép phạt thẻ đỏ một cầu thủ dự bị vì lỗi sử dụng ngôn ngữ hoặc tư thế  có tính công kích, để buộc anh ta phải rời khỏi khu vực kỹ thuật và đi vào phòng thay đồ, cho dù anh ta chưa vào sân thi đấu?

Được. Tất cả các cầu thủ, dự bị và đã thay người đều phải chịu sự kiểm soát của trọng tài cho dù họ đang trên sân hoặc ngòai sân. Việc sử dụng thẻ đỏ cho thấy một biện pháp kỷ luật đang được áp dụng bởi trọng tài đối với cầu thủ.

 

27. Cầu thủ cố tình nằm lên bóng để kéo dài thời gian. Trọng tài xử lý như thế nào?

Dừng trận đấu, phạt thẻ vàng cầu thủ đó vì hành vi phi thể thao và bắt đầu lại trận đấu bằng một quả phạt gián tiếp.

 

28. Trọng tài phạt thẻ vàng một cầu thủ người mà sau đó đã xin lỗi về hành vi phi thể thao của anh ta. Trọng tài có thể quyết định sau đó không báo cáo về vi phạm nữa không?

Không. Tất cả thẻ vàng đã phạt đều phải báo cáo.

 

29. Cầu thủ tranh bóng va chạm với thủ môn đối phương, ở trong khu vực cầu môn của đối phương.

Việc tranh bóng là được phép. Cầu thủ chỉ bị phạt nếu tranh bóng bằng cách nhảy vào người, đâm vào người hoặc đẩy thủ môn đối phương, một cách thiếu cẩn trọng, liều lĩnh hoặc sử dụng lực quá mức.

 

30. Hai hoặc nhiều cầu thủ có được tranh bóng với một cầu thủ đối phương cùng một lúc?

Được, miễn là tranh bóng hợp lệ.

 

31. Cầu thủ phòng ngự bắt đầu nắm giữ một cầu thủ tấn công từ ngoài khu phạt đền vào đến trong khu phạt đền. Trọng tài xử lý như thế nào?

Trọng tài cho đội bị phạm lỗi hưởng quả phạt đền.

 

32. Cầu thủ chơi bóng nguy hiểm bằng cách giơ cao chân khi đối phương đang cố gắng đánh đầu và đã va chạm vào đầu đối phương. Trọng tài xử lý như thế nào?

Trọng tài cho đội bị phạm lỗi hưởng quả phạt trực tiếp hoặc phạt đền.

 

33. Cầu thủ ở vị trí việt vị và trợ lý trọng tài căng cờ. Trọng tài không nhìn thấy tín hiệu của trợ lý và cầu thủ phòng ngự ngăn cản cơ hội ghi bàn rõ ràng của đối phương. Trọng tài cho dừng trận đấu và khi đó anh ta nhìn thấy tín hiệu của trợ lý trọng tài. Trọng tài xử lý như thế nào?

a) Nếu đồng ý với ký hiệu việt vị của trợ lý trọng tài, trọng tài chính sẽ không đuổi cầu thủ phạm lỗi ra khỏi sân, bởi vì trên thực tế không có cơ hội ghi bàn rõ rệt. Trận đấu được bắt đầu lại bằng một quả phạt gián tiếp cho đội phòng ngự.

Tuy nhiên cầu thủ phạm lỗi vẫn có thể bị phạt thẻ nếu trọng tài cho rằng hành vi của anh ta cần phải bị phạt thẻ vàng hoặc đuổi khỏi sân.

b) Nếu không đồng ý tình huống việt vị, trọng tài sẽ đuổi cầu thủ đội phòng ngự khỏi sân vì đã ngăn cản cơ hội ghi bàn rõ ràng của đối phương và trận đấu được bắt đầu lại bằng một quả phạt trực tiếp hoặc phạt đền cho đội tấn công.

 

34. Cầu thủ ở vị trí việt vị và trợ lý trọng tài đã căng cờ. Trọng tài chính không nhìn thấy tín hiệu và cầu thủ phòng ngự đấm một cách thô bạo  cầu thủ tấn công. Trọng tài cho dừng trận đấu và khi đó nhìn thấy tín hiệu của trợ lý trọng tài. Trọng tài xử lý như thế nào?

a) Nếu đồng ý tín hiệu việt vị của trợ lý trọng tài, trọng tài chính sẽ đuổi khỏi sân cầu thủ phòng ngự vì hành vi bạo lực và cho trận đấu bắt đầu lại với một quả phạt gián tiếp cho đội phòng ngự.

b) Nếu không đồng ý tín hiệu việt vị của trợ lý trọng tài, trọng tài chính sẽ đuổi cầu thủ phòng ngự vì hành vi bạo lực và cho trận đấu bắt đầu lại bằng quả phạt trực tiếp hoặc phạt đền cho đội tấn công.

 

35. Một cầu thủ được yêu cầu rời khỏi sân và khi đang rời sân, bóng đến chỗ cầu thủ và cầu thủ này đá bóng vào lưới. Trọng tài xử lý như thế nào?

Cầu thủ bị phạt thẻ vàng vì hành vi p hi thể thao. Trận đấu được bắt đầu lại bằng một quả phạt gián tiếp, do một cầu thủ của đội đối phương thực hiện, từ vị trí xảy ra vi phạm.

 

36. Trợ lý trọng tài ra ký hiệu có cầu thủ phạm lỗi dùng hành vi bạo lực. Trọng tài không nhìn thấy lỗi và cũng không nhìn thấy ký hiệu và cầu thủ vi phạm ghi bàn thắng. Sau đó trọng tài nhìn thấy ký hiệu của trợ lý trọng tài. Trọng tài xử lý như thế nào?

Nếu trận đấu chưa được bắt đầu lại, bàn thắng không được công nhận, cầu thủ phạm lỗi bị đuổi khỏi sân và trận đấu được bắt đầu lại bằng một quả phạt trực tiếp hoặc phạt đền.

 

37. Sau khi bàn thắng được ghi, trọng tài nhận thấy tín hiệu của trợ lý trọng tài. Trợ lý trọng tài nói với trọng tài rằng trước khi bóng vào lưới, thủ môn của đội ghi bàn thắng đã đấm một cách thô bạo một cầu thủ đối phương trong khu phạt đền của đội nhà. Trọng tài xử lý như thế nào?

Không công nhận bàn thắng, thủ môn bị đuổi khỏi sân vì hành vi bạo lực và đội đối phương được hưởng quả phạt đền.