Chuyện của CSGT Vũ Minh Hiếu

Vẫn ăn to nói lớn, vẫn thẳng băng như ruột ngựa, vẫn trải lòng mình một cách nhiệt tình và đầy phấn khích, Đại úy Vũ Minh Hiếu của những ngày đầu năm 2007 vẫn chẳng thay đổi mấy so với hình ảnh của…

26/02/2007 00:00:00

Vẫn ăn to nói lớn, vẫn thẳng băng như ruột ngựa, vẫn trải lòng mình một cách nhiệt tình và đầy phấn khích, Đại úy Vũ Minh Hiếu của những ngày đầu năm 2007 vẫn chẳng thay đổi mấy so với hình ảnh của một danh thủ nổi danh mấy năm về trước.

“Khác chứ, mình nghèo hơn, vất vả hơn, nhưng ổn định hơn, tư tưởng thoải mái hơn, còn cái tính thẳng băng đụng đâu nói đó thì chắc sẽ không bao giờ mất”, Hiếu cười, nụ cười kể cũng hiếm hoi, vẫn chẳng hề thay đổi, dù đã từng xuất hiện bao lần trước công chúng, hay thi thoảng bất chợt trên môi một Cảnh sát giao thông đang cầm gậy đứng tại ngã tư đường thì bỗng có người reo lên: “A, Minh Hiếu!”…

Vũ Minh Hiếu và con gái.

Bữa cơm trưa thân mật tại nhà cựu tiền đạo đội Công an Hà Nội thoắt bỗng trở thành điểm “hội quân” khi xuất hiện thêm cựu tiền vệ đội tuyển Thể Công Nguyễn Đức Thắng. Hoá ra hai cầu thủ từng ở 2 chiến tuyến của những cuộc derby thành Hà Nội nảy lửa này lại là hai anh em chơi với nhau cực thân từ ngày xưa cho đến tận giờ. Cùng giã nghiệp cầu thủ, ông anh theo ngạch Cảnh sát, ông em thì theo ngạch Quân đội, đồng thời kiêm thêm ông chủ của một xưởng sản xuất chuyên về khung và giá đỡ.

“Oanh xong là liệt luôn”, cả 2 cười ha hả, nụ cười tươi rói tịnh không thấy bất kỳ sự tiếc nuối cố hữu nào của những người từng một thời ở trên đỉnh vinh quang, nay bước xuống hoà vào cuộc sống thường nhật với đủ thứ bộn bề cơm áo gạo tiền.

Thấy câu chuyện của đám đàn ông đã dần dần mặn mòi, và cũng đã thấy yên tâm với cái cảm giác bất an thoạt đầu mà phải hỏi chồng thật kỹ qua điện thoại là “đã thành thảo dân rồi mà nhà báo còn tìm đến làm gì”, bà phu nhân chủ nhà bế cô con gái 3 tuổi xinh như thiên thần chào khách lên gác, để chúng tôi nhẩn nha bên mâm cơm…

… Ngày 18/8/2005, cái ngày mà Minh Hiếu vẫn nhớ như in bởi anh coi đó là một bước ngoặt lớn trong đời: về nhận công tác tại Đội 2, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội. Công việc đầu tiên của anh là đứng chốt, địa bàn xung quanh khu vực quận Ba Đình và Tây Hồ.

6 tháng trời, ngày nào cũng như ngày nào, công việc của cựu danh thủ là chỉ dẫn tại các nút giao thông, đảm bảo các phương tiện đi lại đúng luật… những điều hoàn toàn lạ lẫm đối với người luôn tự nhận là từ trước đến nay chỉ sống bằng đôi chân. Nhưng chịu khó học thầy, học bạn, chí thú với công việc thì mọi sự đều sẽ ổn thỏa.

“Mới đầu về đội, cũng có người thành kiến rằng đã là ngôi sao thì chắc sẽ như thế này như thế kia lắm”, Minh Hiếu tâm sự. Nhưng sự cầu thị ham học hỏi, và lớn hơn hết là sự tự ý thức được bổn phận và nhiệm vụ của mình hiện nay ra sao đã khiến anh vượt qua được tất cả.

Biết mình còn hạn chế về nghiệp vụ, Hiếu không ngại ngần hỏi đồng đội và thật thà nhờ chỉ bảo. Thời gian đã khẳng định được quyết tâm của con người luôn tự nhủ “tự hiểu mình là ai, đang đứng ở chỗ nào”, Minh Hiếu dần đã chiếm được cảm tình và sự quý mến của đồng đội. Có anh em khi thân nhau đã vỗ vai anh nói rất chân tình: “Tao không nghĩ là mày bình dân như thế”.

… Thấy tôi ngó quanh rồi tấm tắc khen cơ ngơi khang trang của đôi vợ chồng trẻ, Đức Thắng phá lên cười rồi trỏ Minh Hiếu nói: “Số ông này sướng, vẫn đang được đi ở rể đấy, mà nhà vợ chiều còn hơn con ruột”.

Hóa ra hai vợ chồng Minh Hiếu và cô con gái nhỏ vẫn đang ở cùng ông bà nhạc. Câu chuyện lại miên man sang mối tình 6 năm của cựu tiền đạo đội Công an Hà Nội, câu chuyện mà khiến cho cầu thủ nổi tiếng với chuyện “phũ mồm”, không có việc gì mà không dám phát biểu trực diện này lần đầu tiên và chắc cũng là lần cuối trong đời bị mắng thẳng vào mặt là “hèn”.

Hồi đó 2 người gặp nhau cũng rất tình cờ, khi một cô gái trong đội fans hâm mộ lên thăm cầu thủ Lê Anh Dũng khiến cho “ông mãnh” sững sờ. Nửa đùa nửa thật, Minh Hiếu nhờ Dũng giới thiệu và xin số điện thoại. Sáng hôm sau, chầu cà phê làm quen đã khiến Hiếu tự tin hơn xin phép đưa nàng về nhà.

“Rơi cả mũ cối”, sững sờ khi thấy cơ ngơi nhà cô quá chênh lệch với gia cảnh nhà mình, Minh Hiếu trở về đội, đắm mình trong những mặc cảm và phân vân. Biết chuyện, anh Xuân Thanh lôi Hiếu ra mắng thẳng vào mặt: “Mày hèn lắm, lô cốt nào mà chẳng có địch”. Nhờ có câu mắng ấy, cộng thêm ròng rã 6 tháng trời “cưa cong cả mắt” và hơn 5 năm thử lửa, họ mới nên vợ nên chồng.

Vũ Minh Hiếu cho biết, sở dĩ bà xã anh có thoáng chút lo lắng khi thấy chồng tiếp cánh báo chí là bởi dạo này, đặc biệt từ khi vụ tiêu cực bán độ bóng đá chuẩn bị đưa ra xét xử, có khá nhiều phóng viên điện thoại đến phỏng vấn anh đưa ra vài nhận xét về những lứa đồng nghiệp sau này đã mắc vào vòng lao lý.

Minh Hiếu hạn chế đưa ra những nhận xét, và anh cũng nói thẳng với họ là tính anh vốn bộc trực, có nói ra chắc chắn sẽ có điều mếch lòng đến chính các nhà báo. Đó là việc một phần các cầu thủ trẻ có hiện tượng coi thường khán giả cũng là bởi họ được giới truyền thông ưu ái quá mức đến độ ngộ nhận về tài năng của mình.

“Tôi kính trọng các lớp đàn anh trước đây, và nhận thấy mình không bao giờ có cửa so với họ. Chúng tôi thua các ông rất nhiều, từ tư cách tới những đường bóng”, Hiếu tâm sự.

Có lẽ Minh Hiếu là một người may mắn, vì anh được “kèm rát” bởi một người từ chính thế hệ trước đó: cha anh, tuyển thủ quốc gia Vũ Quang Minh. “Tôi có cảm giác sống được đến giờ phút này mà không có điều gì phải hối tiếc là do có bố tôi bên cạnh, đặc biệt là do sự nghiêm khắc của ông”, Hiếu khẳng định.

Năm 14 tuổi, khi Hiếu bộc lộ niềm đam mê bóng đá, ông Minh đã mang đôi giày vứt đi vì không muốn con theo cái nghiệp mà ông đã gắn bó, cái nghiệp vừa vất vả vừa không nhìn thấy tương lai. Chỉ đến khi Hiếu đăng ký một loạt trường đại học mà không đỗ, thấy con chán chường vật vờ ở nhà, ông Minh mới cho phép Hiếu rời trường năng khiếu để chuyển lên chuyên nghiệp.

Khi con đã thành danh, nếu không phải đi thi đấu ở xa, đến 10h tối là Hiếu phải có mặt ở nhà. Sau mỗi trận đấu, cha con đều ngồi với nhau nói chuyện, phân tích cái hay cái dở trong chuyên môn.

“Chưa bao giờ ông khen tôi một câu, toàn chỉ ra những điểm xấu. Càng lớn lên, từ trạng thái phân vân khó hiểu, tôi đã chuyển sang sự nể phục và biết ơn ông rất nhiều về sự nghiêm khắc đó”, Hiếu thừa nhận.

Bên cạnh người mẹ rất mực hiền lành, khi con đá bóng thì ngồi khóc không dám xem vì sợ con đau, người cha đã cho Minh Hiếu một bài học về sự khiêm tốn và trung thực ngay từ những ngày đầu chập chững.

Trong những ngày “đen tối” nhất của cuộc đời thi đấu, khi Minh Hiếu phải rời khỏi đội tuyển quốc gia về những phát ngôn của mình và hứng chịu nhiều búa rìu dư luận, cha mẹ Hiếu vẫn sát cánh bên anh.

Khác với sự nghiêm khắc vốn có, ông Minh nói với con trai: “Con đủ 18 tuổi rồi, cái gì đúng thì con cứ nói, bố mẹ ủng hộ con”. Trung thành với những điều mình nói, dám làm dám chịu, Hiếu đã vượt qua được những giờ phút căng thẳng nhất.

“Dù có chuyện gì đã xảy ra, tôi vẫn tôn trọng, vẫn gọi ông Alfred Riedl là thầy. Theo cảm nhận của riêng tôi, ông ấy bị sức ép, không quyết được theo ý mình”, Hiếu thẳng thắn.

Sau đó vào năm 2000, chính ông Riedl lại gọi Minh Hiếu vào Đội tuyển quốc gia, khép lại một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong làng bóng đá Việt Nam.

Theo CAND