Bóng đá chuyên nghiệp: Cần xã hội hóa nhanh chóng!

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của GS.TS Dương Nghiệp Chí, nguyên Chủ tịch LĐBĐ VN nhiệm kỳ I – chuyên gia đầu ngành thể thao VN tại diễn đàn " Vì sự phát triển bóng đá Việt Nam" do báo Thể thao…

12/02/2007 00:00:00

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của GS.TS Dương Nghiệp Chí, nguyên Chủ tịch LĐBĐ VN nhiệm kỳ I – chuyên gia đầu ngành thể thao VN tại diễn đàn ” Vì sự phát triển bóng đá Việt Nam” do báo Thể thao VietNamNet tổ chức.

GS.TS Dương Nghiệp Chí.

Bóng đá nước ta tuy đã tiến bộ tương đối nhanh, nhưng nhìn chung còn thiếu cơ bản, thiếu toàn diện so với nhiều nước châu Á, Đông Nam Á. Những điểm yếu rất cơ bản là trình độ xã hội hóa thấp, ít chú trọng đào tạo vận động viên trẻ…

Những điểm yếu này cần chung sức khắc phục từ cấp trung ương, tới các tỉnh thành, và đặc biệt từ cấp CLB bóng đá chuyên nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, ta thử bàn về việc nâng cao trình độ xã hội hóa ở cấp CLB bóng đá chuyên nghiệp, phù hợp với xu thế chung của quốc tế.

Thứ nhất, về mô hình, CLB thể thao nhà nghề trên thế giới chỉ có hai loại mô hình khung, đó là mô hình mở và mô hình khép kín.

Các tiêu chí xây dựng CLB theo mô hình mở bao gồm:

– Chuyển nhượng cầu thủ ngoại không hạn chế

– Lương của vận động viên theo giá thị trường tự do

– Đa số tham gia thị trường chứng khoán. Tất cả tham gia thị trường cá cược bóng đá

Điển hình cho loại mô hình mở là bóng đá Anh, Italia.

Các tiêu chí xây dựng CLB theo mô hình khép kín gồm:

– Chuyển nhượng cầu thủ ngoại hạn chế

– Lương của vận động viên không hoàn toàn theo giá thị trường quốc tế

– Không nhất thiết tham gia thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu. Tất cả tham gia thị trường cá cược thể thao

Điển hình cho loại mô hình khép kín là CLB của các môn thể thao nhà nghề ở Mỹ, bóng đá Pháp⬦ Mô hình khép kín tuy lợi nhuận không cao như mô hình mở, nhưng an toàn hơn.

Mô hình CLB bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam nên xây dựng theo mô hình khép kín, hoàn thành chậm nhất vào năm 2017-2018 (tức là chậm so với bóng đá Anh quốc hơn 100 năm). Tất yếu, các CLB bóng đá chuyên nghiệp nước ta phải là doanh nghiệp cổ phần hoặc doanh nghiệp tư nhân, theo luật thể dục, thể thao Việt Nam.

Đây là điều kiện cần thiết tối thiểu, không nên coi là mô hình. Như vậy, khoảng 10 năm nữa các CLB bóng đá chuyên nghiệp nước ta mới thực sự thoát khỏi bao cấp của Nhà nước, đảm bảo trình độ xã hội hóa, đảm bảo tự chủ kinh doanh có lãi như quốc tế. Tới lúc này, Nhà nước vẫn tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ (khác với can thiệp, mệnh lệnh), nhưng ở mức độ không đáng kể về tài chính.

Thứ hai, về quyền sở hữu tài sản thi đấu, điều kiện để xây dựng CLB theo mô hình khép kín. Với tình hình hiện nay, Nhà nước sở hữu tài sản thi đấu bóng đá (sân vận động và các công trình phụ trợ) là đặc điểm dở nhất của ta. Không quốc gia nào trên thế giới làm như vậy.

~ Anh quốc, ngay từ đầu Chính phủ địa phương gần như Sbiếu⬝ sân vận động cho CLB bóng đá nhà nghề, tạo mọi hành lang pháp lý và buộc CLB phải tự chủ kinh doanh. Nhà nước thu thuế, có lãi rất lớn. CLB không có quyền sở hữu tài sản thi đấu sẽ rất khó kinh doanh bóng đá, rất khó thi đấu trung thực, không thể phát hành cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán, thị trường đặt cược bóng đá.

~ nước ta, trong vòng 10 năm tới, rất cần thiết cổ phần hóa tài sản thi đấu bóng đá, chuyển quyền sở hữu cho CLB bóng đá chuyên nghiệp. Tất nhiên, Sở TDTT thông qua tổ chức kinh tế hợp pháp nào đó có thể tham gia cổ đông với tỷ lệ cổ phần thích hợp, tham gia quản trị. Nhờ cổ phần hóa, cơ quan thể dục thể thao địa phương có nguồn tài chính nhất định để xây dựng các công trình khác, lại vẫn được hưởng một phần tiền lãi nếu CLB đạt hiệu quả kinh doanh cao. CLB bóng đá chuyên nghiệp có quyền sở hữu tài sản thi đấu là minh chứng cụ thể nhất về trình độ xã hội hóa bóng đá, Nhà nước chuyển quyền cho CLB.

Thứ ba, mở rộng các ngành hàng kinh doanh, cũng là điều kiện để xây dựng CLB theo mô hình khép kín.

Hiện nay hầu hết các CLB bóng đá chuyên nghiệp của ta chưa tự chủ kinh doanh, mới triển khai được số ít ngành hàng. Ngay việc thu vé xem thi đấu cũng rất hạn chế, số ít sân cho khán giả vào xem tự do mà vẫn không thu hút được khán giả.

Sự yếu kém này là lỗi tổng hợp của nhiều phía, không chỉ của CLB. Trong vòng 10 năm tới, các CLB bóng đá chuyên nghiệp nước ta rất cần mở rộng các ngành hàng kinh doanh như nhiều nước châu Á khác.

Chúng ta thử tham khảo 10 nguồn thu ở các nước châu Á (xếp theo thứ tự từ nguồn thu lớn đến nhỏ) như sau:

1. Bản quyền quảng cáo

2. Vé xem thi đấu

3. Phát hành cổ phiếu

4. Đặt cược hoặc xổ số bóng đá

5. Dịch vụ truyền hình

6. Tài trợ thương mại

7. Chuyển nhượng vận động viên

8. Các dịch vụ kèm theo thi đấu

9. Tài trợ của Chính phủ hoặc tổ chức địa phương

10. Lệ phí hội viên.

Trong khi đó, nguồn thu của nhiều CLB bóng đá nước ta hiện nay chủ yếu từ tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Chính phủ địa phương, thu bản quyền quảng cáo, tài trợ thương mại, thu vé xem thi đấu. Do thiếu nhiều ngành hàng nên nguồn thu ngoài Ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 38%, là tình trạng chung của nhiều CLB.

HAGL là một trong số hiếm hoi các CLB ở VN đang bắt nhịp khá nhanh với bóng đá chuyên nghiệp thực sự

Thứ tư, cần câng cao trình độ quản lý và đào tạo vận động viên trẻ theo hướng quốc tế hóa là điều kiện tồn tại của CLB bóng đá chuyên nghiệp.

CLB bóng đá chuyên nghiệp là loại doanh nghiệp đặc biệt. Sản phẩm chủ yếu của nó thuộc loại phi vật chất. Tính cạnh tranh của nó rất quyết liệt, công khai trước dân chúng. Quản lý CLB cần ở trình độ cao về quản lý chuyên môn bóng đá, quản trị kinh doanh và quản lý con người.

Trình độ thi đấu bóng đá quyết định sự tồn tại của CLB, thương hiệu của CLB. Vì vậy, hiệu quả thi đấu của các cầu thủ đội hình 1 đương nhiên phải cao, ổn định. Nhưng hiệu quả thi đấu được quyết định bởi đào tạo vận động viên trẻ, mà ngày nay theo xu hướng quốc tế hóa.

CLB Hoàng Anh – Gia Lai đang tích cực chuẩn bị thực hiện đúng theo xu thế này. Tất nhiên, công tác đào tạo vận động viên trẻ còn nhiều điều phải làm rõ thêm. Bởi hiện nay môi trường phát triển tài năng bóng đá, tuyển chọn, huấn luyện của ta rất yếu kém, có khoảng cách rất xa so với quốc tế, khu vực.

Trình độ xã hội hóa ở cấp CLB quan hệ chặt chẽ với trình độ xã hội hóa của VFF, và cách nhìn mới của Chính phủ địa phương đối với bóng đá. Trình độ xã hội hóa càng cao, hiệu quả kinh doanh và trình độ thi đấu bóng đá của CLB sẽ càng cao. Từ đó, ta mới có thể tổ chức thi đấu trung thực, thu hút nhiều khán giả.

GS.TS.Dương Nghiệp Chí
(Nguyên Chủ tịch LĐBĐVN khóa I)