Bác sỹ Choi Ju Young điều trị cho 7 vận động viên bóng đá nữ Việt Nam bị chấn thương

21/07/2020 14:29:49

7 cầu thủ nữ đang tập phục hồi cùng chuyên gia Choi Ju Young tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam

Các trường hợp chấn thương chủ yếu liên quan đến đứt dây chằng chéo trước, riêng trường hợp cầu thủ Nguyễn Thị Liễu được chẩn đoán viêm gân bánh chè, còn trung vệ Chương Thị Kiều bị chấn thương dây chằng chéo trước đã được các bác sỹ Bệnh viện Thể thao và Bệnh viện 108 hội chẩn.

Ông Choi cho biết đang chờ kết luận từ các chuyên gia Hàn Quốc về trường hợp chấn thương của trung vệ Chương Thị Kiều

Sau 1 tuần tập luyện cùng Chương Thị Kiều, bác sỹ Choi Ju Young đã đưa ra những nhận định sơ bộ về tình trạng chấn thương của trung vệ đang khoác áo CLB TP Hồ Chí Minh. Ông Choi cho biết đã gửi các kết quả chụp chiếu của Chương Thị Kiều sang Hàn Quốc và đợi tư vấn từ những chuyên gia có kinh nghiệm tại đất nước này. “Rõ ràng đang có tổn thương ở khu vực đầu gối, dây chằng chéo trước của Chương Thị Kiều. Tôi đang đợi kết luận từ phía các bác sỹ Hàn Quốc, họ là những người bạn thân của tôi, để có kết luận cuối cùng cũng như phương pháp điều trị tốt nhất cho Chương Thị Kiều. Nếu phải phẫu thuật, Chương Thị Kiều sẽ mất 6 tháng hồi phục. Nếu trong trường hợp cầu thủ không cảm thấy đau, không sưng, không thấy tổn thương lớn và vẫn có thể vận động được, thì chưa chắc Chương Thị Kiều đã phải phẫu thuật. Tôi nghĩ nếu không phải phẫu thuật và theo hướng điều trị phục hồi tích cực của tôi hiện nay, Kiều có thể trở lại tập luyện trong khoảng thời gian 3 tháng nữa. Cầu thủ cũng đang gặp chút vấn đề ở tâm lý về tình trạng chấn thương của mình”, bác sỹ Choi Ju Young chia sẻ.

Nguyễn Thị Liễu (áo đỏ, bên trái) cũng đang tích cực tập luyện, điều trị chấn thương viên gân bánh chè

Cùng với Chương Thị Kiều, Nguyễn Thị Liễu cũng đã tập cùng bác sỹ Choi được một tuần, tiền vệ CLB Phong Phú Hà Nam được chẩn đoán viêm gân bánh chè trong thời gian dài chưa khỏi dứt điểm. Nguyễn Thị Liễu cho biết, các buổi tập với bác sỹ Choi rất tốt và có tiến triển rõ rệt trong việc phục hồi chấn thương.

Vận động viên Trần Mai Tuyền (CLB Thái Nguyên) bước sang ngày tập thứ sáu với bác sỹ Choi

Trường hợp vận động viên Trần Mai Tuyền cũng được bác sỹ Choi điều trị, trong thời gian CLB Thái Nguyên đang thi đấu giải Nữ Cúp Quốc gia tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, đang có dấu hiệu tích cực. Trần Mai Tuyền cho biết cô sẽ xin phép Lãnh đạo CLB và LĐBĐVN để được đồng ý tập phục hồi với bác sỹ Choi, sau phẫu thuật nối dây chằng chéo trước và sụn chêm.

Vận động viên Ngô Thị Thư (áo xanh) và Trần Thị Duyên đều đã mổ nối dây chằng được hơn 4 tháng

Bốn vận động viên còn lại gồm Trần Thị Duyên, thủ môn Lại Thị Tuyết (Hà Nam), Ngô Thị Thư, Phan Thị Ngọc Liên (Dự tuyển nữ trẻ Quốc gia) cũng đều đã trải qua phẫu thuật nối dây chằng chéo trước tại Bệnh viện 108 hay Bệnh viện Thể thao. Các cầu thủ đang tập phục hồi tích cực với bác sỹ Choi trong khoảng thời gian từ 1 đến 4 tuần.

Thủ môn Lại Thị Tuyết (Phong Phú Hà Nam) đang điều trị phục hồi cùng bác sỹ Choi được 4 tuần, sau gần 4 tháng nối lại dây chằng chéo trước chân trái

Đánh giá chung về tình hình chấn thương của các cầu thủ nữ, bác sỹ Choi Ju Young cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc và điều trị cho các cầu thủ nữ Việt Nam. Tuy có hơi khác so với cầu thủ nam về tâm lý, nhưng nhìn chung các cầu thủ nữ rất nỗ lực và cố gắng trong các buổi tập với tôi. Tất nhiên tôi sẽ hỗ trợ tất cả các cầu thủ trẻ của LĐBĐVN mà không chỉ riêng cầu thủ nam. Tùy theo từng trường hợp chấn thương cụ thể của các cầu thủ, tôi sẽ có kế hoạch hồi phục phù hợp để họ hồi phục nhanh chóng và quay lại thi đấu. Hiện nay, mỗi cầu thủ đều đã tập với tôi trong khoảng thời gian khác nhau, có người mới 4 ngày, có người đã 2 tuần, 4 tuần… Các cầu thủ sau khi thực hiện các bài tập của tôi, tùy tình trạng có thể phục hồi trong vòng từ 3 đến 6 tháng là có thể quay lại chơi bóng. Vấn đề chấn thương đầu gối thường phổ biến không chỉ với cầu thủ Việt Nam, mà còn xảy ra với các cầu thủ bóng đá trên thế giới, khi chơi bóng thường tạo áp lực nhiều cho đầu gối. Bên cạnh đó, khi chơi bóng đá, các cầu thủ di chuyển và xoay đột ngột nhiều trong khi giầy thường cố định điều này gây tác động lên đầu gối của họ. Chưa kể, khớp gối không có kỹ năng để xoay. Tuy thời gian tiếp xúc và hỗ trợ cho các cầu thủ nữ chưa lâu, nhưng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ các cầu thủ hồi phục chức năng nhanh nhất”.

STTVận động viênCâu lạc bộChấn thươngĐiều trịTình trạng hiện tại
1Nguyễn Thị LiễuCLB Phong Phú Hà NamViêm gân bánh chèVật lý trị liệu tại Bệnh viện Thể thaoTiếp tục khám, kiểm tra và tập phục hồi
2Chương Thị KiềuCLB TP Hồ Chí MinhChấn thương dây chằng chéo trướcĐã được khám, kiểm tra tại Bệnh viện Thể thao và Bệnh viện 108Đợi kết luận từ Hàn Quốc
3Trần Thị DuyênCLB Phong Phú Hà NamDứt dây chằng chéo trcPhẫu thuật nối dây chằng được 6 tháng tại Bệnh viện 108Tập phục hồi
4Lại Thị TuyếtCLB Phong Phú Hà NamĐứt dây chằng chéo trước chân tráiPhẫu thuật nối dây chằng được 4 tháng tại Bệnh viện 108Tập phục hồi
5Ngô Thị ThưDự tuyển nữ trẻ QGDứt dây chằng chéo trcPhẫu thuật nối dây chằng được 2 tại Bệnh viện 108Tập phục hồi
6Phan Thị Ngọc LiênDự tuyển nữ trẻ QGĐứt dây chằng gối phảiPhẫu thuật được 2 tháng tại Bệnh viện 108Tập phục hồi
7Trần Mai TuyềnCLB Thái NguyênDứt dây chằng chéo trc và sun chêmPhẫu thuật được 6 tháng tại Bệnh viện Thể thaoTập phục hồi