Từ hội thảo bóng đá nữ 2008 do FIFA VÀ LĐBĐVN tổ chức: Những bộc bạch thú vị

Ngày cuối cùng của hội thảo phát triển bóng đá nữ do FIFA phối hợp với LĐBĐVN tổ chức đã diễn ra trong bầu không khí thân tình bởi những câu chuyện về phong trào bóng đá nữ của Mông Cổ và của các nước ĐNA như VN, Thái Lan, Lào, Singapore…

23/10/2008 00:00:00

Ngày cuối cùng của hội thảo phát triển bóng đá nữ do FIFA phối hợp với LĐBĐVN tổ chức đã diễn ra trong bầu không khí thân tình bởi những câu chuyện về phong trào bóng đá nữ của Mông Cổ và của các nước ĐNA như VN, Thái Lan, Lào, Singapore…


Mông Cổ: “Phụ nữ Mông Cổ cũng có thể chơi bóng đá”

Bà Ganjuur Bayartsgt Maya Lkhamdong, trưởng ban BĐ nữ Mông Cổ, chân thành bộc lộ về những khó khăn của bóng đá nữ ở quốc gia mình. Hiện thời, Mông Cổ vẫn chưa có đội tuyển quốc gia, không CLB, không HLV, không trọng tài nữ. Ở các tỉnh lẻ tình hình còn khó khăn hơn: Không có bất kỳ kiến thức, hiểu biết nào về bóng đá nữ. Khí hậu rất khắc nghiệt, lạnh giá, gió thổi mạnh và không khí đầy bụi nên việc tổ chức một giải bóng đá là vô cùng bất tiện. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chung của BĐ Mông Cổ bị thiếu hụt nghiêm trọng. “Bóng đá nữ Mông Cổ thiếu sự quan tâm từ chính phủ, từ các phụ huynh vì họ không thấy bóng đá nữ đem lại bất kỳ tương lai nào cho con em họ”, bà Lkhamdong cho biết.

Toàn cảnh hội thảo

Chính vì thế, hiện nay Mông Cô chỉ có thể phát triển bóng đá phong trào ở thủ đô Ulaanbaator và 6 tỉnh khác thông qua Futsal như bước tạo đà thu hút sự quan tâm của dân chúng.

Từ 6-8/3/2008 giải bóng đá nữ lứa U.10, U.12 đã được tổ chức ở thủ đô Ulaanbaator với 42 cầu thủ của 14 đội tham gia. Sau đó, từ 15-19/9 cũng tại đây đã tổ chức Festival bóng đá nữ với khẩu hiệu: “Con gái Mông Cổ cũng có thể chơi bóng đá” và mục đích đưa bóng đá đến với các em gái trên toàn quốc và trong thời gian tới sẽ nâng tổng số các em chơi bóng lên con số 250.


Lào: Khởi đầu từ con số 0

Chỉ với vài nét giới thiệu sơ lược nhưng tổng TK LĐBĐ Lào Soulivanh Xeunvilay khiến mọi người suy ngẫm về những nỗ lực vượt bậc của bóng đá nữ Lào. Trước tháng 3/2006, bóng đá nữ Lào chỉ là con số zero: Không có giải bóng đá nữ, không có đội tuyển quốc gia. Vậy mà ở AFF cup 2008, đội tuyển Lào đã làm nên điều thần kỳ khi đĩnh đạc đứng hạng 4 khu vực sau 2 trận thắng Indonesia và Malaysia. Điều gì đã làm nên điều thần kỳ này? Ông Xeunvilay cho biết: “Nhờ sự động viên của FIFA cùng với việc chuẩn bị cho SEA Games 25 với tư cách là chủ nhà. Năm 2007, Ủy ban bóng đá nữ Lào được thành lập và đề ra kế hoạch phát triển bóng đá nữ dài hạn. Trong năm ấy, đội tuyển Lào được thành lập với cầu thủ là những nữ sinh, sinh viên tham gia các giải trường học. Đội tuyển đã cọ xát ở giải vô địch quốc gia Myanmar, tham gia giải báo Phụ Nữ VN và đến SEA Games 24 ở Thái Lan, đội tuyển đã lọt tới trận BK.

Tuy nhiên, đội tuyển BĐ Lào đang gặp phải khó khăn lớn trên bước đường khẳng định mình tại SEA Games năm tới, đó là không có HLV giỏi. Theo ông Xeunvilay, Lào hiện thời vẫn chưa có được một HLV có đủ trình độ, kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển, trong khi HLV Vonker Horffenberg là người được chính phủ Đức gửi sang Lào giúp đỡ có thời hạn. “Tôi mong LĐBĐVN có thể hỗ trợ chúng tôi về điểm này”, ông Xeunvilay bộc bạch.


Việt Nam: Để bóng đá nữ thu hút sự quan tâm của toàn xã hội

Với mục tiêu vô địch SEA Games 25 và lọt vào top 5 châu Á, nước chủ nhà VN đã nhận được sự ngưỡng mộ từ tất cả những thành viên quốc tế có mặt trong hội nghị và tất cả đều tán thành việc trao tặng danh hiệu “Nữ hoàng bóng đá ĐNA” cho VN. Ông Lê Hoài Anh, chánh VP LĐBĐVN, gây ấn tượng với mọi người với bài thuyết trình rất nhiều kế hoạch phát triển của BĐ nữ chia ra 4 giai đoạn từ 2006 đến 2017 để bóng đá từ VN phát triển toàn diện, cân đối từ cấp độ học đường cho đến đội tuyển quốc gia. Trong đó, có những điểm nhấn đáng lưu ý như: Đến cuối 2009 sẽ có 20% CLB có sân thi đấu và đến 2017 thì 100% CLB có sân riêng. Năm 2009 là năm mang tính bản lề quan trọng trong kế hoạch với dự tính sẽ có 1 HLV có bằng A của AFC, 3 HLV có bằng B của AFC, 24 HLV có giấy chứng nhận của AFC… Cũng trong năm 2009, VN sẽ khởi động xây dựng trung tâm bóng đá nữ quốc gia thông qua dự án GOAL 2 của FIFA. Năm 2010-2013 sẽ cho phép mỗi CLB đưa ra 3 cầu thủ ngoại thi đấu, đồng thời nâng số đội tham gia giải VĐQG lên con số 10. Song song đó, giải U.19 cũng có số lượng đội tham dự tương đương.

Bà Mayrillian, trưởng ban BĐ nữ FIFA: “Đây là hội thảo thành công nhất từ trước đến giờ”

Thái Lan: Những gì nam giới làm được, phụ nữ hoàn toàn có thể làm tốt

“Câu chuyện về sự thành công và hướng về phía trước”, đây chính là chủ đề được gói gọn trong 20 phút mà người Thái muốn nhắn gửi đến hội nghị với hứng khởi về những thành quả mà BĐ nữ Thái Lan gặt hái được trong định hướng phát triển bài bản và hiệu quả của mình. Tiến sĩ Kason Chanawongse, ủy viên điều hành của LĐBĐ Thái Lan đã đưa ra mô hình phát triển bằng 4 chữ: S (strength: sức mạnh nội lực), W (weakness: nhược điểm), O(oppoturnity: cơ hội) và T (threats: các rủi ro). Trên nền tảng ấy, Thái Lan dự tính đầu tư hơn 22 triệu baht trong kế hoạch 2008-2012 để 1/2 dân số Thái nhận thức rõ hơn và yêu bóng đá nữ hơn. Vào ngày 1/11/2008, Thái Lan sẽ khai mạc giải vô địch quốc gia (TPL) đầu tiên của mình với 12 đội tham dự với khẩu hiệu: “Những gì nam giới làm được, phụ nữ chúng tôi hoàn toàn có thể làm tốt hơn” (what men can do, we can likely do better). Hiện nay, bóng đá Thái Lan chỉ có duy nhất một HLV nữ. Theo TS Chanawongse, hàng tháng Thái Lan sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các trọng tài ở giải TPL và mỗi năm sẽ mở lớp cung cấp kiến thức bóng đá nữ cho 500 giáo viên thể chất. Trong giai đoạn 2013-2017, Thái Lan sẽ nâng cao giải U.19 lên 12 đội…

Điều đáng lưu ý, trong kế hoạch phát triển bóng đá nữ của mình giai đoạn 2008-2012, người Thái đặt chỉ tiêu đội tuyển lọt vào top 4 châu Á, cao hơn VN một bậc.


Singapore: Đưa phụ nữ đến với bóng đá bằng khái niệm “cứ vô tư”

Bóng đá nữ Singapore khởi đầu vào tháng 3/2000 với việc thành lập UB BĐ nữ do bà Jeanette Sim đứng đầu và đó cũng là thành viên nữ đầu tiên trong LĐBĐ Singapore.

 

Người Singapore đến với hội thảo bằng bài thuyết trình thật dài nhằm chia sẻ những kinh nghiệm phát triển bóng đá nữ nhìn từ góc độ tài chính. GS John N S Koh, phó CT LĐBĐ Singapore, thành viên ủy ban tổ chức Olympic bóng đá nữ FIFA đúc kết: “Tiền ở ngay trong túi chúng ta”. Theo GS John Koh, muốn phát triển bóng đá nữ, các LĐ quốc gia đừng thụ động trông chờ vào sự tài trợ của chính phủ hay của FIFA mà hãy chủ động tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các nhà tài trợ. Nhưng trước hết, Singapore đang làm mọi cách để thu hút nữ giới mạnh dạn đến với bóng đá, họ khởi đầu bằng khái niệm “free play”: Vào các ngày thứ Ba, thứ Tư và Chủ nhật, phụ nữ có thể chơi bóng đá miễn phí ở các trung tâm như Cfico Sports Hub, Jurong East St 21… Song song đó, UB BĐ nữ Singapore thường xuyên đến thuyết trình tại các trường học nhằm đẩy mạnh bóng đá nữ trong môi trường học đường. Nếu trước đây, mỗi nữ sinh chỉ có thể chơi 6 trận đấu/năm trong các giải trường học so với nam sinh là 40 trận/năm, thì hiện nay mỗi nữ sinh Singapore đã nâng số lần chơi bóng của mình trong mỗi năm học lên con số 20 trận (do LĐBĐ Singapore gia tăng số lượng các giải bóng đá nữ học đường). Hàng năm, LĐBĐ Singapore tổ chức 4 giải như: Giải liên trường tiểu học, liên trường của các cựu học sinh tiểu học… cho các bậc từ tiểu học đến bậc trung học cơ sở với khoảng 10 đến 12 đội tham dự. Riêng khối trường đại học thì LĐBĐ Singapore kết hợp với ban quản lý các trường ĐH tổ chức thường niên giải Diva La Futbol với 48 đội tham dự.

Hiện nay, Tiger Beer đã bước đầu chấp nhận tài trợ cho các giải BĐ nữ Singapore. Tuy nhiên, GS John Koh thừa nhận: “Kế hoạch phát triển bóng đá nữ của chúng tôi sẽ thành công nếu tôi có được 10 triệu đôla Singapore. Dù vất vả, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc”.

 

Một hội thảo thành công nhất từ trước đến giờ

Lắng nghe chăm chú những kinh nghiệm từ các bài thuyết trình của các đại biểu ĐNA, bà Mayrilian Cruz Blanco, trưởng ban bóng đá nữ FIFA thừa nhận, đây chính là hội thảo thành công nhất trong các lần tổ chức ở Philippines (2006) và Hong Kong (2007). Bà nói: “Chúng tôi đã học hỏi nhiều kinh nghiệm từ hội thảo này, bởi các thuyết trình mô tả chính xác hiện trạng cũng như khát vọng phát triển bóng đá nữ của quốc gia mình, giúp chúng tôi có cái nhìn chính xác hơn về bóng đá ĐNA”.