Tiêu cực bóng đá Trung Quốc: Sẽ trừng phạt nghiêm khắc người mắc tội

LĐBĐ Trung Quốc (CFA) đã chính thức chỉ định tân chủ tịch mới giữa lúc có thông tin cựu chủ tịch Nan Yong và phó chủ tịch Yang Yimin đối diện với án phạt nặng.

LĐBĐ Trung Quốc (CFA) đã chính thức chỉ định tân chủ tịch mới giữa lúc có thông tin cựu chủ tịch Nan Yong và phó chủ tịch Yang Yimin đối diện với án phạt nặng.

 

Tổng cục Thể thao Trung Quốc (GASC) sáng 22-1 thông báo đã chỉ định ông Weidi, cựu giám đốc Trung tâm thể thao dưới nước Trung Quốc, làm tân chủ tịch CFA giữa lúc cuộc điều tra về cá độ và dàn xếp tỉ số tại giải bóng đá nhà nghề nước này đang được mở rộng. Cùng lúc CFA thông báo bãi nhiệm ông Nan Yong, cựu chủ tịch, và phó chủ tịch Yang Yimin. Cả hai người này đều đang bị Bộ An ninh Trung Quốc tạm giữ để điều tra.

Tân chủ tịch CFA Weidi tuyên bố quyết tâm loại tiêu cực khỏi bóng đá Trung Quốc – Ảnh: Sina.com.cn

 

“Những người này và hành động của họ đã làm nhơ bẩn hình ảnh của CFA, làm nguy hại bóng đá Trung Quốc và làm tổn thương cổ động viên – ông Cui Dalin, tổng cục phó GASC, nói – Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của cảnh sát và quyết tâm trừng phạt bất cứ hành động tham nhũng và sai phạm nào. Bất cứ ai trong làng bóng mắc tội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”. Tờ Trùng Khánh Buổi Tối trích lời luật sư Sun Yu của Đại học Luật – chính trị Tây Nam cho biết cả Nan Yong và Yang Yimin đều sẽ đối mặt với án tử hình nếu các tội danh của họ chính thức được xác nhận.

 

Theo tờ China Daily, hiện chưa có chi tiết về sai phạm của Nan Yong nhưng cảnh sát đã niêm phong văn phòng ông này. Có thông tin ông Nan, 47 tuổi, bị nghi ngờ có dính líu sai phạm với Tập đoàn Iphox của Anh, đơn vị tài trợ giải vô địch quốc gia nước này. Ông Nan là người chịu trách nhiệm ký hợp đồng nhưng đã không hành động dù công ty này không chịu thanh toán 50 triệu tệ (7,3 triệu USD) theo hợp đồng.

 

Số tiền này đến nay cũng chưa được thanh toán. Ngoài ra, ông Nan cũng bị cáo buộc dính líu tới vụ bê bối lựa chọn sân nhà các trận đấu quốc tế của tuyển Trung Quốc.

 

Có thông tin ông lợi dụng quyền lực để trao trận đấu cho những địa phương có mối quan hệ tốt với ông. CFA từ lâu đã bị chỉ trích bởi việc giải quyết các vấn đề của giải Super League nước này. Ngoài ra, báo chí trong nước cũng chỉ trích CFA do có vai trò trong việc để giải quốc gia “bị nhuốm màu tiêu cực” trong thời gian dài.

 

Trong khi đó, phát biểu khi nhận chức, tân chủ tịch CFA Weidi đã tuyên bố sẽ quyết tâm loại bỏ nạn tiêu cực trong nền bóng đá nước nhà: “Bóng đá Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề thường gặp trong quá trình phát triển. Tôi tin tưởng mình có thể giải quyết được vấn đề này với sự giúp đỡ của các bạn”.

 

Bóng đá là môn thể thao rất nổi tiếng ở Trung Quốc nhưng hiện đội bóng nam nước này chỉ đứng ở vị trí khiêm tốn (hạng 97) trên bảng xếp hạng của FIFA. Giải Super League với 16 đội của nước này năm ngoái đạt kỷ lục 16.300 khán giả/trận và tiền tài trợ từ các nhà tài trợ như Nike và Pirelli cho giải đấu lên tới 22 triệu USD/năm.

 

Cảnh sát đã bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động điều tra từ tháng 11-2009 sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Phó chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng về việc phải tái thiết nền bóng đá nước này. Đến nay đã có hơn 100 cầu thủ, HLV, trọng tài, lãnh đạo CLB và liên đoàn bị thẩm vấn liên quan tới các bê bối bóng đá.

 

Nguồn: Theo China Daily, Xinhua, Straitstimes, Tuổi trẻ O