Tân Chủ tịch HĐTT khóa IV Nguyễn Văn Mùi: STiêu cực đang dần được đẩy lùi⬝

Hôm qua (14/2), Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã ký quyết định chỉ định thành viên của Hội đồng trọng tài hoá IV (nhiệm kỳ 2006-2009). Theo đó, ông Nguyễn Văn Mùi được chỉ định là Chủ tịch Hội đồng trọng tài…

15/02/2006 00:00:00
Hôm qua (14/2), Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã ký quyết định chỉ định thành viên của Hội đồng trọng tài hoá IV (nhiệm kỳ 2006-2009). Theo đó, ông Nguyễn Văn Mùi được chỉ định là Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Nhân dịp này, các phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Mùi xung quanh phương hướng, nhiệm vụ và chức năng của Hội đồng trọng tài trong tình hình mới.
 

Chủ tịch HĐTT khóa IV Nguyễn Văn Mùi – Ảnh: Bóng Đá

PV: Xin chúc mừng ông đã được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Cảm tưởng của ông lúc này là gì?

 
Ông Nguyễn Văn Mùi: Tôi xin chân thành cảm ơn tín nhiệm của lãnh đạo VFF cũng như các đồng nghiệp. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thức được trách nhiệm cần phải đóng góp cho phòng trào bóng đá nước nhà. Trong đó, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trọng tài có liên quan trực tiếp đến sự nghiệp chung.
 
– VFF có sự cải tổ mạnh mẽ về mô hình hoạt động. Trong đó, người ta chưa thấy những quy định rõ ràng về nhiệm vụ chức năng của Hội đồng trọng tài. Vậy theo ông, trong nhiệm kỳ mới, Hội đồng trọng tài sẽ được đặt ở đâu trong cơ cấu, bộ máy tổ chức của VFF?
+ TTK Trần Quốc Tuấn có thông báo với tôi về quyết định của Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ. Đồng thời, TTK cũng cho biết sẽ sớm chuyển những văn bản quy định về quyền hạn, chức năng của Hội đồng trọng tài trong nhiệm kỳ mới. Sau khi nghiên cứu các văn bản này, cộng với những đóng góp ở Hội nghị Hội đồng trọng tài được tổ chức ở Đà Nẵng cách đây không lâu, một Dự thảo về Quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài để trình lên thường trực VFF ban hành. Nói một cách chung nhất, Hội đồng trọng tài nhiệm kỳ IV sẽ hoạt động theo mô hình của AFC và FIFA. Theo đó, Hội đồng sẽ không trực tiếp điều hành trọng tài làm nhiệm vụ ở các giải như trước đây. Chức năng này được chuyển giao cho Phòng điều hành trọng tài. Chức năng chủ yếu của Hội đồng sẽ là quản lý, bồi dưỡng, đào tạo và giới thiệu các trọng tài lên Phòng điều hành trọng tài, BTC giải. Mối quan hệ giữa Hội đồng với thường trực VFF cũng sẽ có những văn bản quy định cụ thể.
 
– Cuộc chiến chống tiêu cực đang ở giai đoạn cao trào. Theo ông, Hội đồng trọng tài cần phải làm gì để làm trong sạch đội ngũ?
+ Theo tôi, tiêu cực liên quan đến nhiều thành phần. Trọng tài không phải là gốc của tiêu cực. Phải xác định được điều đó mới tìm ra được bản chất của tiêu cực. Nếu các đội bóng không chủ động tiêu cực, nói không với sự nhũng nhiễu thì chắc chắn không có điều đáng tiếc xảy ra. Tôi cho rằng, với những gì xảy ra, các trọng tài sẽ hiểu được rõ vấn đề. Trong các lần tập huấn, các cán bộ của C14 đã trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật giúp các trọng tài điều chỉnh hành vi của mình. Tiêu cực đã dần được đẩy lùi. Những người có liên quan cũng dần chuyên nghiệp hơn trong cách hành xử. Đó là cơ hội giúp các trọng tài dễ làm việc hơn. Còn với Hội đồng trọng tài, chúng tôi sẽ tập trung vào công tác quản lý, giáo dục đạo đức tư tưởng cho anh em để họ tự phải biết nói không với tiêu cực.
 
– Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các trọng tài trong giai đoạn vừa qua?
+ Cần phải thấy rằng phần lớn các trọng tài có chuyên môn tốt đã liên quan đến tiêu cực. Chúng ta đang khủng hoảng lực lượng. Rất nhiều trọng tài trẻ được đôn lên làm nhiệm vụ. Để họ trưởng thành, cần phải có thời gian. Dư luận nên thông cảm với những sai số trong cách xử lý của các trọng tài nếu đó chỉ đơn thuần là chuyên môn. Không nên gây áp lực quá lớn với các trọng tài trẻ, bởi điều đó sẽ khiến họ mất tự tin trong khi làm nhiệm vụ. Thêm nữa, cần tạo nhiều cơ hội vào sân hơn cho các trọng tài trẻ. Họ sẽ dần trưởng thành qua những lần được trui rèn bản lĩnh.
 
– Gọi là Hội đồng mà chỉ có 2 người (CT Nguyễn Văn Mùi và Ủy viên Bùi Như Đức), hình như không ổn?
+ Đúng vậy. Theo hướng dẫn của AFC, HĐTT của một LĐBĐ quốc gia nên có 5 người, trong điều kiện cụ thể của BĐVN thì tối thiểu phải 3. Hai người hiện tại chỉ tạm thời thôi; tôi và anh Đức sẽ bàn bạc kỹ để giới thiệu thêm 1 Ủy viên nữa của khu vực phía Bắc.
 
– Trách nhiệm của HĐTT khóa IV trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của trọng tài như thế nào?
+ Tôi nghĩ không nên đặt vấn đề đấy chỉ là trách nhiệm của riêng HĐTT mà của toàn xã hội, của LĐ, các CLB và chính các trọng tài. Riêng các thành viên của HĐTT sẽ cố gắng phát huy hết năng lực của mình, gần gũi anh em hơn. Tôi nghĩ sau cơn bão vừa qua, các trọng tài đã rất thấm thía việc trui rèn bản lĩnh, không chỉ về chuyên môn mà cả đạo đức. Chúng ta đã mất một số trọng tài co chuyên môn giỏi, nhưng cũng từ đó mà nhiều trọng tài trẻ có cơ hội thử thách trên đấu trường lớn. Chúng ta cần tạo điều kiện tốt nhất để cọ xát, học hỏi.
 
– Xin cảm ơn ông!

(Tổng hợp từ Bóng đá, TTHCM)