Phó Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi: Ao ước được thấy cờ VN tung bay ở VCK World Cup!

Cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề SChuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam: Thách thức và giải pháp⬝ do báo điện tử SGGP Online thực hiện với khách mời là Phó Tổng thư ký VFF – Trưởng BTC giải…

08/06/2007 00:00:00

Cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề SChuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam: Thách thức và giải pháp⬝ do báo điện tử SGGP Online thực hiện vào sáng qua (7-6) với khách mời là Phó Tổng thư ký VFF – Trưởng ban Tổ chức giải V-League Dương Nghiệp Khôi đã lôi cuốn hàng ngàn độc giả và người hâm mộ tham gia và đặt câu hỏi. Nhiều vấn đề hóc búa, tế nhị của bóng đá VN và cả công tác điều hành giải đã được đặt thẳng đến vị khách mời Dương Nghiệp Khôi. Chúng tôi xin lược ghi những nét chính trong cuộc giao lưu trực tuyến hấp dẫn này.

  • Chuyên nghiệp thật, còn nhiều việc phải làm

–  Sau 3 mùa bóng làm Trưởng BTC giải V-League và trước đó, ông từng nhiều năm phụ tá điều hành giải đấu này, vậy theo đánh giá của ông thì hiện nay chữ Schuyên nghiệp⬝ của giải V-League được thực hiện được bao nhiêu%? Đến bao giờ thì V-League mới chuyên nghiệp thật sự? (Cường – quận 8, TPHCM)

–  Ông DƯƠNG NGHIỆP KHÔI: Việc đánh giá giải V-League đến nay đã chuyên nghiệp được bao nhiêu% thì cá nhân tôi không để đánh giá nổi. VFF đang cố gắng cùng các CLB, ban ngành chức năng và các địa phương từng bước xây dựng một giải đấu thực sự chuyên nghiệp. Nhưng để tiến tới một giải đấu thực sự chuyên nghiệp như bạn và nhiều người hâm mộ bóng đá VN mong muốn thì chúng ta còn nhiều việc phải làm…

–  Công tác phòng chống tiêu cực của LĐBĐVN đang gặp khó khăn, nhất là khi Bộ Công an không còn đầu tư cho những chuyên án của bóng đá. BTC giải V-League 2007 sẽ làm gì để giải quyết những khó khăn này trong giai đoạn 2 rất nhạy cảm? (Minh – 22 tuổi  quận 3, TPHCM)

–  Thực tế hiện nay, chúng tôi được sự hỗ trợ rất lớn của cơ quan công an. Một trong những thành viên của BTC giải bóng đá vô địch quốc gia Petro Vietnam Gas 2007 là Trung tá Doãn Công Huân – Trưởng tiểu ban an ninh. Ngoài việc phối hợp với các địa phương để đảm bảo an ninh, an toàn cho các trận đấu, phòng chống tiêu cực cũng là một trong những nhiệm vụ chính của tiểu ban này. Việc chống tiêu cực trong bóng đá luôn là những vấn đề rất khó khăn và nhạy cảm. Để chống tiêu cực có hiệu quả, VFF và BTC giải rất cần sự hỗ trợ của toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp của những người hâm mộ bóng đá VN.

–  Đội ngũ tổ chức của BTC giải và bóng đá VN đang cố gắng tách biệt, chuyên biệt hóa. Đến thời điểm này, đội ngũ ấy đã thực sự chuyên nghiệp và làm tốt nhiệm vụ được giao hay chưa? (Nam Huỳnh  30 tuổi, Q4, TPHCM)

– Tất cả các thành viên trong BTC giải chúng tôi luôn xác định là những người phục vụ cho các CLB, phục vụ cho phong trào bóng đá VN trong công tác tổ chức thi đấu. Các thành viên này đã và đang làm tốt nhiệm vụ mà họ được giao, nhưng để được gọi là chuyên nghiệp thì tất cả chúng tôi phải cố gắng học hỏi thêm nhiều điều.

–  Vừa qua, xem chương trình cuồng nhiệt cùng bóng đá trên VTV3 tôi thấy ông trả lời vụ vỡ sân Thanh Hóa trong trận đấu với Đà Nẵng, sau đó BTC xử Thanh Hóa thua 0-3, đó là trong trường hợp tỷ số trận đấu hòa 1-1. Nếu trận đấu có tỷ số mà chiến thắng nghiêng về Thanh hóa thì BTC xử thế nào? (Trương Kim Tân  41 tuổi, Cục Thuế tỉnh BR-VT)

–  BTC giải chúng tôi chịu trách nhiệm điều hành công tác tổ chức giải. Tiểu ban kỷ luật của giải hoạt động độc lập với BTC giải. Tiểu ban kỷ luật đã ra quyết định xử đội Thanh Hóa thua 0-3 trong trận đấu nói trên là căn cứ vào quy định kỷ luật của VFF. Do vậy, nếu tỷ số trận đấu khác với tỷ số hòa 1-1 thì Tiểu ban kỷ luật vẫn phải xử lý theo quy định.

  • Trưởng BTC giải như người Slàm dâu trăm họ⬝

–  Dân bóng đá vẫn rỉ tai và ví von với nhau rằng, BTC giải luôn phải sống chung với lũ. Ví dụ như trận Huda Huế – ĐPM Nam Định ở mùa này, người ta râm ran chuyện 2 đội này móc ngoặc với nhau. Bởi thế, trọng tài Đặng Thanh Hạ đã cố tình làm sai ở trận này khi nắm được Sthóp⬝ của BTC giải và các đội bóng. Đương nhiên khi có chuyện móc ngoặc này nọ, hoặc sai phạm, BTC giải bao giờ cũng được Stai, mắt⬝ là các giám sát báo cáo. Có hay không chuyện BTC giải phải sống chung với lũ và nhắm mắt làm ngơ với những vấn đề rắc rối? Và cũng vì thế mà các đội bóng đều không sợ, nên cố tình làm càn⬦? (Thanh Hội – 30 tuổi – Bình Dương)

–  Tôi xin khẳng định tổ trọng tài làm nhiệm vụ ở trận Huda Huế – ĐPM Nam Định đã làm đúng chức trách của mình. Việc tiêu cực trong bóng đá đã xuất hiện và diễn ra trong rất nhiều năm, cho đến cuối mùa giải 2005, VFF đã phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ một số vụ việc và đi đến những quyết định kỷ luật rất mạnh tay. Đã có 2 đội bóng phải xuống hạng, nhiều trọng tài bị xử lý kỷ luật. Để đi đến được những quyết định ấy, những người làm BĐVN đã chung tay trong suốt quá trình đấu tranh chống tiêu cực. Nhờ có bài học kinh nghiệm từ những sự việc trên để trong hai mùa giải 2006 – 2007, BĐVN đã có diện mạo khác hơn. Nếu có ai đó vẫn Sngựa quen đường cũ⬝ thì họ sẽ phải trả giá đắt.

–  Theo cá nhân ông, qua 7 mùa giải thử nghiệm, công tác tổ chức đã đạt tới tính chuyên nghiệp hay cũng chỉ dừng ở mức thử nghiệm? Những tồn tại của công tác tổ chức là gì? Trách nhiệm của cá nhân ông, Trưởng BTC, dường như chưa được thể hiện một cách đầy đủ nhất? (Xuân – 40 tuổi – Q.Tân Bình, TPHCM)

–  Nếu nói về trách nhiệm cá nhân của Trưởng BTC, tôi chưa bao giờ tự hài lòng về mình. Mặc dù trong công việc tôi luôn luôn phải cố gắng và nỗ lực hết mình để thực hiện tốt những trách nhiệm được giao. Nhưng nhìn một cách rộng hơn, trách nhiệm của Trưởng BTC cũng như Slàm dâu trăm họ⬝, còn phụ thuộc vào rất nhiều những yếu tố khách quan khác, mà đôi lúc tôi khó có thể kiểm soát hết…

  Khi HLV Nguyễn Thành Vinh, trợ lý Trương Thế Toàn bị bắt vì dính đến tiêu cực, ông đã khóc. Người ta bảo đó là thứ nước mắt cá sấu. Ông giải thích ra sao khi bị cho là ông Trưởng BTC giải nhiều nước mắt nhất của bóng đá VN? (Khôi Nguyễn – Q.Gò Vấp, TPHCM)

– Tôi là người giàu cảm xúc, cha mẹ sinh ra đã vậy, không thay đổi được. Chỉ có tôi mới tự biết được giọt nước mắt của mình có thật hay không.

–  Ông gắn bó rồi trưởng thành từ cái nôi bóng đá TPHCM, cụ thể là cán bộ của Sở TDTT TPHCM sau đó mới chuyển ra làm Phó Tổng thư ký LĐBĐ VN. Với tình cảm và sự gắn bó sâu nặng như vậy, ông nghĩ sao khi đến bây giờ, vẫn có người, cụ thể là nguyên HLV trưởng đội Đông Á – Thép Pomina Nguyễn Thành Vinh vẫn khẳng định, chính ông Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi là người đẩy Đông Á – Thép Pomina vào chỗ chết? (Quốc Trung – 36 tuổi – Q. Tân Phú)

–  Câu hỏi này tôi đã từng trả lời với rất nhiều phóng viên, trong đó có phóng viên SGGP Thể Thao. Trong cuộc đời tôi, tôi không bao giờ đẩy bất kể một người nào chứ chưa nói là một tập thể vào khó khăn.

  • Không có tranh giành quyền lực ở VFF

–  Liệu có vấn đề tranh giành quyền lực tại VFF không, thưa ông? (Nguyễn Trường Giang – 30 tuổi, tỉnh Hà Giang)

–  Là một trong những cán bộ lãnh đạo của cấp điều hành của VFF khóa 5, tôi xin khẳng định là không có bất kỳ ai muốn tranh giành quyền lực tại VFF. Mỗi người trong chúng tôi được Đại hội đại biểu VFF khóa 5 bầu ra, mỗi thành viên của VFF đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với nỗ lực cao.

–  Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai  Arsenal vừa có chuyến tuyển quân công phu và khá thành công. Khi nào thì Trung tâm đào tạo trẻ của VFF có được những việc làm tâm huyết và thiết thực như thế, thưa ông Phó Tổng thư ký? (Thảo Lư – 70 tuổi, Q3, TPHCM)

–  Xin chúc mừng và cảm ơn CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai đã có một đột phá rất thành công để chuẩn bị cho công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quốc gia đã bắt đầu được khởi công. Chúng tôi đang nỗ lực để có thể đưa trung tâm này vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, dự kiến là vào cuối năm 2008.

–  Bóng đá Việt Nam đang ở trong một Scái ao⬝ nhỏ và chưa ra biển lớn được? Ông nghĩ sao về điều này? (Hoàng Quốc Tuyên – 27 tuổi, thị xã Hà Giang)

–  VN đã gia nhập WTO, hòa nhập với quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Do vậy, mong muốn của tất cả người hâm mộ bóng đá VN là đưa bóng đá VN đi xa hơn vượt ra khỏi khu vực để đến với châu lục và thế giới. Đó là yêu cầu chính đáng của người hâm mộ và cũng chính là tâm nguyện của những người làm bóng đá VN. Ước mong lớn nhất của chúng tôi – những người đang làm tại VFF – là cuối cuộc đời mình được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay tại một vòng chung kết World Cup

Theo SGGP