Giải Công nhân Toàn quốc

Phát động ‘Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc’ lần đầu tiên ở Việt Nam

Chiều 28/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chính thức phát động “Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát động Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc chiều 28/7. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Sự kiện diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội, TP Hà Nội trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.

Giải đấu nhân văn, ý nghĩa cho công nhân

Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc – National Worker’s Football Championship – do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, báo Tuổi trẻ và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phối hợp tổ chức. Công ty VietNews Media là đơn vị đồng hành với ban tổ chức để vận hành giải đấu.

Trước đó, ngày 21/6/2023, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và báo Tuổi Trẻ đã đồng ký kết, ban hành kế hoạch liên tịch số 336/KH-LT/TLĐ-LĐBĐVN-BTT về việc phối hợp tổ chức “Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc” năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội ký tên vào bóng thi đấu chính thức của giải. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chiều 28/7, trong khuôn khổ Diễn đàn Người lao động 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát động giải đấu. Đích thân Chủ tịch Quốc hội đã ký vào lá cờ và quả bóng thi đấu của giải. Qua đó chính thức phát động giải bóng đá danh giá và quy mô lớn nhất trong lịch sử dành cho công nhân Việt Nam.

Lá cờ và quả bóng thi đấu của giải sau đó đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao cho ông Ngọ Duy Hiểu – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Thế Chữ – Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và bà Nguyễn Thanh Hà – Phó tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc được tổ chức nhằm khích lệ tinh thần, động viên công nhân, viên chức, lao động tham gia rèn luyện thân thể, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đây còn là sân chơi cho công nhân, viên chức, lao động thể hiện tài năng; giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong môi trường lao động. Giải đấu là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, thúc đẩy phong trào bóng đá cũng như góp phần phát triển bóng đá Việt Nam. Kết nối thị trường lao động, tuyển dụng giữa doanh nghiệp và người lao động.

Ngoài hoạt động bóng đá trong khuôn khổ Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc, ban tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Hoạt động bên lề này được tổ chức thành “Ngày hội Công nhân” với các hoạt động như gian hàng giảm giá, bốc thăm trúng thưởng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, gặp gỡ những nghệ sĩ, cầu thủ nổi tiếng…

Chủ tịch Quốc hội bắt tay và trao nhiệm vụ cho ông Lê Thế Chữ – Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – một trong ba đơn vị tổ chức giải đấu. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

150 triệu đồng cho nhà vô địch giải

Sự kiện phát động “Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc – National Worker’s Football Championship” nhằm đánh dấu, khởi động cho chuỗi hoạt động của giải đấu từ tháng 9 đến tháng 11-2023. Giải đấu sẽ diễn ra theo thể thức thi đấu trên sân cỏ nhân tạo, theo Luật Bóng đá 7 người do Cục Thể dục thể thao ban hành.

Vòng bảng dự kiến tổ chức từ tháng 9 đến tháng 10/2023, tại 8 khu vực trên toàn quốc. Vòng chung kết dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2023 với sự góp mặt của 8 đội xuất sắc nhất ở 8 khu vực vượt qua vòng bảng.

Cơ cấu giải thưởng giải bóng đá Công nhân toàn quốc cũng lớn chưa từng có khi lên tới 800 triệu đồng và nhiều hiện vật giá trị. Nhà vô địch vòng bảng sẽ nhận được phần thưởng 20 triệu đồng, 15 triệu đồng cho đội đứng thứ hai và 5 triệu đồng cho mỗi đội đồng hạng ba.

Phần thưởng tại vòng chung kết Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc bao gồm: 150 triệu đồng cho đội vô địch, 100 triệu đồng cho đội hạng nhì và 60 triệu cho đội hạng ba.

Cùng với đó, ban tổ chức cũng trao rất nhiều giải phụ như: Giải Phong cách trị giá 40 triệu đồng và các giải thưởng cho các cá nhân, tập thể như: Đội Fairplay, Cầu thủ xuất sắc, Vua phá lưới, Thủ môn xuất sắc… với mức 10 triệu đồng mỗi giải.

Những tháng qua, công tác tổ chức giải đấu đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, báo Tuổi Trẻ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam gấp rút triển khai với tinh thần chuyên nghiệp, hết mình vì người lao động.

Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc sẽ được khởi tranh vòng loại từ tháng 9/2023. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Màu cờ sắc áo của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất

Theo quy định của ban tổ chức, các đội bóng tham dự Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc 2023 phải là đội bóng đại diện duy nhất cho các công ty tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Vận động viên tham gia là nam công nhân, người lao động đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương; công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn; ưu tiên công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Mỗi đội bóng đăng ký tham dự có tối thiểu 14 cầu thủ và tối đa 18 cầu thủ (trong đó có 2 thủ môn là bắt buộc).

Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc là sự kiện ý nghĩa, được tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp. Giải đấu dự kiến được tổ chức thường niên, với mục tiêu trở thành một giải bóng đá truyền thống hằng năm dành cho công nhân, người lao động trên cả nước.

Nguồn: tuoitre.vn