Nhật Bản, tiếp tục giương cao ngọn cờ châu Á?

Với lối chơi kỷ luật và chặt chẽ, thầy trò Okada hi vọng sẽ giành được ít nhất kết quả hòa trước Đan Mạch, để theo chân hàng xóm Hàn Quốc vào vòng hai.

Với lối chơi kỷ luật và chặt chẽ, thầy trò Okada hi vọng sẽ giành được ít nhất kết quả hòa trước Đan Mạch, để theo chân hàng xóm Hàn Quốc vào vòng hai.

Trong bảng đấu mà Hà Lan tỏ ra quá mạnh, còn những chú sư tử bất khuất Cameroon chơi ngờ nghệch đến khó hiểu, thì tấm vé thứ hai vào vòng knock-out sẽ là cuộc định đoạt giữa Nhật Bản và Đan Mạch.

Nhật đang sở hữu hàng thủ khá chắc chắn – Ảnh: Getty

Cùng được ba điểm sau hai lượt trận, nhưng nhờ kết quả thua Hà Lan thấp hơn nên Nhật Bản đang nắm lợi thế lớn trước cuộc đấu sinh tử. Chỉ cần giành kết quả hòa, các võ sĩ Samurai sẽ lần thứ hai trong lịch sử vượt quả vòng bảng World Cup.

Nếu đạt được chiến tích trên, đó sẽ là thành công to lớn của đội bóng xứ hoa anh đào. Bởi hiện tại, Nhật Bản đang trong thời kì chuyển giao, nhân tài hiếm như lá mùa thu, và nền tảng sức mạnh dựa chủ yếu và lối chơi tập thể đầy gắn kết.

Bị đánh giá thấp nhất bảng E trước khi vào giải, nhưng cho đến thời điểm này, thầy trò Takeshi Okada đã gây không ít ngạc nhiên cho các đối thủ với lối chơi phòng ngự phản công khoa học, kỷ luật với tính tổ chức rất cao.

Điều đó được thể hiện rõ trong ngày ra quân. Lép vế so với Cameroon trong phần lớn thời gian, nhưng chỉ cần đúng 3 cơ hội, Nhật đã tìm được bàn thắng quý giá do công của tiền đạo tóc vàng Keisuke Honda.

Đến cuộc đấu với Hà Lan, đại diện châu Á cũng gây ấn tượng mạnh trong 45 phút đầu, phong tỏa hầu hết các đợt tiến công bên phía đội quân da cam. Chỉ khi Sneijder tỏa sáng, với cú đại bác trời giáng khiến Kawashima bó tay, “Blue Samurai” mới chịu quy hàng.

Người Nhật muốn theo chân Hàn Quốc vào vòng 2 – Ảnh: Getty

Trước cuộc chạm trán then chốt với Đan Mạch, Okada khẳng định, Nhật Bản sẽ không đá với tư tưởng cầu hòa. Tuy nhiên, chắc chắn sơ đồ 4-5-1 sẽ được đem ra áp dụng, và nhạc trưởng Nakamura tiếp tục phải mài mông trên băng ghế dự bị.

“Chúng tôi thiếu tốc độ trong các đợt phản công nhanh. Nhưng Nhật Bản chưa bao giờ phụ thuộc vào một cá nhân. Chúng tôi có thể ghi bàn như một đội bóng. Bàn thắng sẽ đến từ nhiều hướng khác nhau.

Nhật đang sở hữu tuyến tiền vệ và hàng thủ mạnh và chúng tôi sẽ liên kết tốt bằng các đường chuyền cự ly ngắn” – HLV Okada vạch ra chiến lược cho đội nhà trước trận thư hùng mang tính quyết định.

Với “Những chú lính chì” Đan Mạch, nhiệm vụ tiên quyết được đặt ra – giành chiến thắng. Trong bối cảnh ấy, HLV Morten Olsen sẽ phải giở hết các chiêu bài tấn công, nhằm khoan thủng hàng phòng ngự kiên cố của đối phương.

Hi vọng của Đan Mạch đặt lên vai Bendtner & Rommedahl – Ảnh: Getty 

Chân sút chủ lực Nicklas Bedntner đã khai hỏa trước Cameroon. Tuy nhiên, sức khỏe của chàng tiền đạo Arsenal vẫn đang là dấu hỏi, khi thể lực anh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau chấn thương dài ngày trước giải.

Ở tình cảnh hiện tại, đội bóng Bắc Âu sẽ dựa rất nhiều vào các đợt lên bóng ở biên. Dù đã bước sang hàng lão tướng, nhưng cả hai cầu thủ chạy cánh Rommedahl và Gronjkaer vẫn cho thấy sự lợi hại qua các pha dốc bóng và tạt vào trong khá nguy hiểm.

Chính Rommedahl là ngôi sao sáng nhất trận gặp Cameroon với một bàn thắng và tung ra đường kiến tạo cho Bendtner lập công. Trước cuộc đấu, tiền đạo 22 tuổi khá tự tin: “Chúng tôi đã đánh bại Cameroon. Viwf thế, chẳng có lý do gì mà Đan mạch lại không thể hạ gục Nhật Bản”.

Vấn đề đối với “những chú lính chì” là họ sẽ không có sự phục vụ của trung vệ Kjaer trong lượt trận cuối do bị treo giò. Morten Olsen đang phân vân giữa hai sự lựa chọn Kroldrup & Mtiliga để đá cặp cùng Agger ở trung tâm hàng thủ.

Đội hình dự kiến:

Nhật Bản: Kawashima; Komano, Nakazawa, Tulio, Nagatomo; Matsui, Abe, Hasebe, Endo, Okubo; Honda.

Đan Mạch: Sorensen; Jacobsen, Kroldrup, Agger, S. Poulsen; Jorgensen, Gronkjaer, C. Poulsen; Rommedahl, Bendtner, Tomasson.
 
Dự đoán: Hòa 0-0