Phân công nhiệm vụ và quy định chế độ làm việc của Ban kiểm tra

– Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Kiểm tra quy định tại Điều 52 Điều lệ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Khóa VI; 
– Căn cứ Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Ban Kiểm tra được Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành theo Quyết định số:167/QĐ-LĐBĐVN, ngày16 tháng 4  năm 2010; 
– Căn cứ Chương trình toàn khóa của Ban Kiểm tra được Ban Chấp hành LĐBĐVN phê duyệt; 
Trưởng Ban Kiểm tra thống nhất phân công trách nhiệm các Ủy viên của Ban Kiểm tra và thống nhất quy định chế độ làm việc của Ban Kiểm tra như sau: 

I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ỦY VIÊN BAN KIỂM TRA. 
A. Trưởng Ban Kiểm tra

    1- Phụ trách chung và chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, Thường trực Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN) về toàn bộ hoạt động của Ban Kiểm tra; 
    2-  Xây dựng Kế hoạch, Chương trình hoạt động của Ban và phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên thực hiện Kế hoạch, Chương trình công tác của Ban; 
    3-  Chủ trì các phiên họp thường kỳ của Ban; Chủ trì các phiên họp của Ban giải quyết các vụ việc theo Điều lệ và Quy định của Liên đoàn;    
    4-  Chuẩn bị các báo cáo của Ban theo quy định của Liên đoàn; 
    5-  Thay mặt Ban tham gia các cuộc họp có liên quan của Liên đoàn; 
    6-  Soạn thảo và ký các văn bản ban hành của Ban theo thẩm quyền; 
    7-  Là người phát ngôn của Ban Kiểm tra và chịu trách nhiệm về những nội dung phát ngôn liên quan đến công tác của Ban; 
    8- Trực tiếp phụ trách theo dõi công tác kiểm tra đối với các đơn vị Thành viên của Liên đoàn khu vực phía Bắc. 
B. Các Ủy viên Ban Kiểm tra  
    1- Đồng chí Trịnh Đình Huấn, Ủy viên Ban Kiểm tra giúp Trưởng Ban phụ trách theo dõi công tác kiểm tra đối với các đơn vị Thành viên của Liên đoàn khu vực Nam Bộ; 
    2- Đồng chí Thái Hồng Hà, Ủy viên Ban Kiểm tra giúp Trưởng Ban phụ trách theo dõi công tác kiểm tra đối với các đơn vị Thành viên của Liên đoàn khu vực Miền Trung và Tây Nguyên; 
    3- Các đồng chí Ủy viên Ban Kiểm tra có trách nhiệm thực hiện tốt chương trình kiểm tra và triển khai công tác của Ban theo sự phân công cụ thể của Trưởng Ban và có trách nhiệm báo cáo với Trưởng Ban bằng văn bản kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công; 
    4- Ủy viên Ban Kiểm tra có trách nhiệm tham gia xây dựng Chương trình, Kế hoạch công tác của Ban, tham gia thẩm định và giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban theo quy định của Điều lệ; 
    5- Ủy viên Ban Kiểm tra có trách nhiệm giải quyết tốt công việc khi được Trưởng Ban ủy quyền; 
    6- Thư ký Ban có trách nhiệm giúp Trưởng Ban thực hiện các công việc hành chính của Ban và các công việc khác do Trưởng Ban phân công. 
II. QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA BAN VÀ CÁC ỦY VIÊN BAN KIỂM TRA 
    Để thực hiện tốt Điều 8 Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Ban Kiểm tra do Ban Chấp hành ban hành, Ban Kiểm tra thống nhất quy định chế độ làm việc cụ thể đối với các Ủy viên của Ban Kiểm tra như sau:  
    1- Ban Kiểm tra hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Tại các cuộc họp, mọi ý kiến của các Ủy viên đều được tôn trọng và được ghi trung thực, đầy đủ trong biên bản cuộc họp; 
    2- Mỗi cuộc họp của Ban Kiểm tra hoặc do Ban Kiểm tra chủ trì đều phải được kết luận thông qua biểu quyết. Trường hợp có ý kiến ngang bằng nhau thì bên nào có phiếu của Trưởng Ban thì đó là ý kiến kết luận của Ban Kiểm tra. 
    3- Do đặc thù nên Ban Kiểm tra họp toàn thể chính thức 6 tháng/lần. Mỗi Quý họp Ban một lần bằng hình thức trao đổi và thống nhất trên văn bản (mỗi thành viên gửi ý kiến của mình qua thư điện tử, fax, hoặc bằng văn bản). Trong điều kiện cụ thể Ban có thể họp bất thường theo yêu cầu triệu tập của Trưởng Ban; 
    4- Trong trường hợp không thể triệu tập họp toàn Ban, Trưởng Ban có thể gửi văn bản dự thảo nội dung (qua fax, thư điện tử hoặc qua đường bưu điện) đến các Ủy viên và ấn định thời gian để các Ủy viên có văn bản phúc đáp. Nếu đến hạn, Ủy viên nào không gửi ý kiến phúc đáp tới Trưởng Ban coi như đồng ý với nội dung dự thảo; 
    5- Kế hoạch họp Ban và các văn bản liên quan đến cuộc họp phải được Trưởng Ban thông báo tới các Ủy viên trước ít nhất 10 ngày, trừ trường hợp đặc biệt; 
    6- Các nội dung được Ban thảo luận và quyết định phải được ghi đầy đủ, chính xác trong biên bản cuộc họp và báo cáo của Ban gửi Thường trực BCH để báo cáo Ban Chấp hành theo quy định; 
    7- Chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 năm trước (đối với năm) và chậm nhất là ngày 15 của tháng cuối quý (đối với quý), Trưởng Ban Kiểm tra có trách nhiệm gửi kế hoạch công tác năm và quý của Ban mình đến Thường trực BCH để tổng hợp, báo cáo Ban Chấp hành; 
    8- Định kỳ sau mỗi quý (chậm nhất là ngày 10 của tháng tiếp theo), các Ủy viên phải gửi báo cáo kết quả hoạt động của mình với Trưởng Ban. Chậm nhất 10 ngày sau khi nhận được báo các của các Ủy viên, Trưởng Ban Kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp và gửi báo cáo hoạt động của Ban đến Thường trực BCH để tổng hợp, báo cáo Ban Chấp hành; 
    9- Báo cáo của mỗi cuộc họp của Ban Kiểm tra phải được Trưởng Ban gửi tới Thường trực BCH và các Ủy viên trong Ban trong vòng 3 ngày sau cuộc họp của Ban; 
    10- Hàng tháng, Trưởng Ban có trách nhiệm thông báo hoặc trao đổi tình hình và công việc của Ban hoặc những vấn đề liên quan đến Ban Kiểm tra cho các Ủy viên của Ban được biết; 
    11- Các Ủy viên có trách nhiệm phản ánh tình hình hoặc đề xuất giải quyết vụ việc với Trưởng Ban những vấn đề có liên quan đến khu vực mình được phân công phụ trách. Trưởng Ban có trách nhiệm trao đổi, thống nhất với các Ủy viên về những phản ảnh hoặc đề xuất ấy;  
    12- Mọi thành viên của Ban Kiểm tra không được tùy tiện phát ngôn hoặc thông tin về nội dung giải quyết các vụ việc. Trưởng Ban hoặc Ủy viên được Trưởng Ban ủy quyền mới có quyền phát ngôn về những vụ việc đã được Ban kết luận, nghiêm cấm phát ngôn những nội dung chưa được kết luận; 
    13- Khi chưa có kế hoạch của Ban hoặc chưa được sự phân công của Trưởng Ban thì mọi Uỷ viên của Ban không được tự ý tiến hành công tác kiểm tra tại các đơn vị Thành viên của Liên đoàn. Trường hợp đột xuất phát hiện vi phạm tại đơn vị Thành viên thì các Ủy viên phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban mới được tiến hành nghiệp vụ kiểm tra; 
    14- Ban hoặc các Uỷ viên tiến hành kiểm tra tại các đơn vị Thành viên (đột xuất hay định kỳ) đều phải thông báo bằng văn bản nội dung kiểm tra, thời gian kiểm tra, thành phần kiểm tra, phạm vi kiểm tra và các yêu cầu khác cho đơn vị Thành viên được kiểm tra biết trước ít nhất 7 ngày trước khi tiến hành kiểm tra; 
    15- Các Ủy viên của Ban Kiểm tra có trách nhiệm quản lý văn bản, hồ sơ, tài liệu các vụ việc và các văn bản có liên quan của Ban Kiểm tra một cách chặt chẽ, đúng quy định. Khi chưa được phép của Ban hoặc người có thẩm quyền thì không được phép cho người khác khai thác, sử dụng các văn bản, hồ sơ, tài liệu do mình quản lý. Ai làm trái sẽ bị xử lý theo quy định; 
    16- Mọi văn bản và hồ sơ, tài liệu có liên quan đến các cuộc kiểm tra tại các đơn vị hoặc các vụ việc phải được người phụ trách kiểm tra gửi đầy đủ về Ban Kiểm tra theo quy định.  
    17- Mọi Ủy viên Ban Kiểm tra phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định của Liên đoàn, của Ban; Giữ vững phẩm chất, đạo đức của người cán bộ Kiểm tra; Có thái độ và tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm với đồng nghiệp trong Ban và quan hệ đúng mực, thân thiện với cá nhân và tập thể trong cơ quan Liên đoàn;  
    18- Các Ủy viên Ban Kiểm tra có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng nguyên tắc về công tác phí hoặc kinh phí được sử dụng theo quy định của Liên đoàn. 
    Trên đây là phân công trách nhiệm của mỗi Ủy viên Ban Kiểm tra và quy định chế độ làm việc của Ban Kiểm tra. Mọi Ủy viên của Ban Kiểm tra phải có trách nhiệm thực hiện tốt Quy định này. 

TM.Ban Kiểm tra 
Trưởng Ban 
Phạm Thành Long
(đã ký)