Huyền thoại về các huyền thoại – Gianni Rivera

Gianni Rivera sinh ngày 18/8/1943, bố là công nhân đường sắt tại Alessandria, thành phố 90.000 dân nằm dọc hai bờ con sông Tanaro, miền đông Piemonte, cách Milan khoảng 45 phút xe chạy

Gianni Rivera (bìa trái)

Cậu bé không có tuổi thơ

Gianni Rivera sinh ngày 18/8/1943, bố là công nhân đường sắt tại Alessandria, thành phố 90.000 dân nằm dọc hai bờ con sông Tanaro, miền đông Piemonte, cách Milan khoảng 45 phút xe chạy. Thành phố cũng nằm ở phía đông Turin và phía bắc Genoa với khoảng cách tương tự.


Chính vị trí địa lý như vậy đã khiến cho các đội bóng ở Alessandria gặp khó khăn về mặt nhân sự. Vì bất cứ một cầu thủ nào cũng có suy nghĩ là tại sao lại phải thi đấu ở một câu lạc bộ hạng 2, thậm chí hạng 3 tại Alessandria, trong khi hoàn toàn có thể tìm vận may ở những câu lạc bộ hạng nhất như Milan, Inter, Juventus, Torino, Genoa, Samdoria hay thậm chí Piacenza?

Tuy nhiên, vào thời niên thiếu của Rivera thì câu lạc bộ bóng đá Alessandria – được thành lập từ năm 1912 – vẫn còn thi đấu ở giải hạng nhất của Ý. Năm Rivera lên 10 tuổi, cậu được nhận vào trường đào tạo bóng đá của câu lạc bộ Alessandria. Rivera thăng tiến rất nhanh trong các đội trẻ của câu lạc bộ và rồi chính tài năng bóng đá phát lộ quá sớm đã khiến cho Rivera là một cậu bé không có tuổi thơ. Đơn giản bởi vì ngày 2.6.1959, Gianni Rivera đã lần đầu tiên có mặt trong đội hình chính thức của câu lạc bộ Alessandria thi đấu với Internazionale (tức Inter Milan) ở Serie A. Khi ấy, Gianni Rivera mới 15 tuổi 9 tháng 15 ngày!

Rivera mới chơi cho câu lạc bộ Alessandria một mùa bóng với 26 trận và ghi được 6 bàn thắng thì tài năng thiên bẩm của cậu-bé-cầu-thủ đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của các câu lạc bộ lớn và đã diễn ra cuộc đua âm thầm nhằm giành giật chữ ký của Rivera.

SChỗ tôi có một thần đồng đấy!⬝

Lẽ ra Rivera đã thuộc về câu lạc bộ sọc đen trắng – Bianconeri-Juventus ở Turin. Trong một giải thi đấu dành cho các đội bóng trẻ tổ chức ở Turin, các nhà tuyển trạch của Juventus đã sớm nhận thấy tài năng của Rivera và tiến hành đàm phán nhằm đưa chàng cầu thủ trẻ măng về Juventus. Nhưng Juve đã phạm phải một sai lầm lớn: nhìn thân hình mảnh khảnh của Rivera, họ lo ngại cậu không đủ thể lực để tham gia những trận đấu khốc liệt ở Serie A. Bởi thế, đại diện của Juventus đã đưa ra cái giá mua cầu thủ trẻ Rivera là 2.500 bảng Anh!

Huấn luyện viên của câu lạc bộ Alessandria, khi ấy là Franco Pedroni, đã giận tái người khi nghe Juventus đưa ra một cái giá “xúc phạm” đến như thế. Thế là Franco Pedroni nói với người em rể của mình để người này tiếp xúc với một trong số những người quản lý câu lạc bộ AC Milan khi ấy là ông Giuseppe Viani. “Này, ở chỗ chúng tôi có một thần đồng đấy” – người em rể của Franco Pedroni nói với Giuseppe Viani. Sau khi xem Rivera thi đấu trên sân, Viani nói với những người của câu lạc bộ Alessandria: “Tuyệt đối đừng nói với ai chuyện đàm phán này nhé! Tôi ngưỡng mộ anh chàng này đấy. Anh ta sẽ là một nhà vô địch”.

Chính Giuseppe Viani là người đầu tiên đã gọi Rivera là Bambino d’Oro – Cậu bé Vàng – biệt danh sẽ đi theo suốt cuộc đời cầu thủ của Rivera. Rivera được mời tới sân của AC Milan chơi thử trong một trận giao hữu tại khu huấn luyện của đội bóng cùng với những ngôi sao lừng lẫy như Liedholm và Schiaffino. Sau trận đấu, hai cầu thủ này chạy tới chỗ huấn luyện viên của AC Milan và kêu to: “Mua anh ta ngay đi!”. Hợp đồng chuyển nhượng trị giá tới 65.000 bảng – một cái giá kinh khủng vào thời ấy đối với một cầu thủ hãy còn ở tuổi thiếu niên – đã được ký giữa AC Milan với Alessandria, theo đó hai câu lạc bộ sẽ là “đồng sở hữu” chú nhóc 15 tuổi. Gần ba năm sau, AC Milan mới chính thức ký hợp đồng với Rivera, cùng lúc với việc mua về một cầu thủ tài năng người Anh là Jimmy Greaves. Chơi được có nửa mùa bóng, Greaves bỏ về Anh vì… nhớ nhà! Thế là từ năm 1960, Gianni Rivera chính thức chơi trong đội hình chính của AC Milan, câu lạc bộ mà anh sẽ chơi trong suốt quãng đời cầu thủ của mình.

Giải pháp “mỗi người một hiệp”

Sau thảm bại tại World Cup 1966, huấn luyện viên Edmondo Fabbri bị sa thải, thay thế là huấn luyện viên lão luyện Ferruccio Valcareggi. Ông Valcareggi đã tập hợp được trong đội tuyển Ý lúc bấy giờ một lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng như thủ môn Dino Zoff, hậu vệ Giacinto Facchetti, các tiền đạo như Luigi Riva, Roberto Boninsegna; ở tuyến tiền vệ có hai gương mặt sáng giá nhất của bóng đá Ý thời bấy giờ, một người tất nhiên là Gianni Rivera, còn người kia là Alessandro Mazzola, thường gọi là Sandro Mazzola! Đó là một cái tên có rất nhiều duyên nợ với Rivera trong đội hình của Squadra Azzurra.

Rivera nhận giải thưởng Quả bóng vàng

Khoác áo số 10, Sandro Mazzola chơi cho đội bóng áo sọc xanh-đen Nerazzurri-Inter Milan – cừu địch cùng thành phố của AC Milan. Không nghi ngờ gì nữa, Sandro Mazzola cũng là một trong số những tiền vệ tiến công xuất chúng nhất trong cùng thời kỳ với Rivera và không phải là không có lý khi nhiều người cho rằng cuộc đối đầu dai dẳng giữa AC Milan với Inter Milan trong những năm 60 thực chất chính là cuộc so đọ tài năng giữa Gianni Rivera với Sandro Mazzola.

Điều oái oăm chính là ở chỗ khi được gọi vào đội tuyển quốc gia, do chơi cùng ở một vị trí như nhau trong câu lạc bộ nên cả hai lại cạnh tranh quyết liệt vị trí tiền vệ tổ chức tấn công. Ông huấn luyện viên Ferruccio Valcareggi cho rằng hai người không thể cùng một lúc chơi trong đội tuyển nên cuối cùng đã đi tới một giải pháp mà ông thường áp dụng trong đội tuyển Ý thời bấy giờ, đó là “staffetta”, có nghĩa là trong một trận đấu, mỗi người chơi một hiệp 45 phút!

Tuy nhiên, do đoạt được Quả bóng vàng năm 1969 cùng với phong độ đang chói sáng trong đội hình AC Milan thời gian đó nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Rivera có mặt trong đội thiên thanh tham dự Giải vô địch thế giới năm sau đó ở Mexico. Sandro Mazzola cũng có mặt; cuộc cạnh tranh vẫn tiếp diễn và huấn luyện viên Ferruccio Valcareggi tiếp tục thực hiện chính sách luân phiên thi đấu giữa hai cầu  thủ tài năng này. Để dung hòa, ông Valcareggi không trao áo số 10 trong đội tuyển cho Rivera hay Mazzola mà lại trao cho tiền vệ Mario Bertini; còn Rivera mang áo số 14, Mazzola mang số 15!

Trở thành thứ trưởng bộ quốc phòng

Mùa hè năm 1979, ở tuổi 36, Rivera chính thức từ giã sân cỏ, để lại sự tiếc nuối cho các cổ động viên của Rossonerri. Đối với họ, Rivera không phải là một phần của AC Milan – anh chính là AC Milan!

Rời khỏi cuộc đời bóng đá nhưng những phẩm chất có được trong những năm tháng trên sân cỏ như sự tinh tế, hào hoa và điềm tĩnh vẫn còn tiếp tục giúp Rivera rất nhiều trong một chặng đường mới của cuộc đời là hoạt động chính trị. Rất hiếm cầu thủ có được một sự tiếp nối thành đạt như Rivera. Chàng cầu thủ đẹp trai lịch lãm như một diễn viên năm nào được bầu làm Phó chủ tịch của AC Milan cho tới năm 1986  khi Berlusconi – người sau này làm Thủ tướng Ý, tiếp quản đội bóng. Sau đó, Rivera trở thành một nhà hoạt động xã hội, một nghị sĩ quốc hội, rồi… Thứ trưởng Bộ Quốc phòng!

(Theo TNO)