Huyền thoại về các huyền thoại – Di Stefano (Kỳ 2)

Năm 1952, Câu lạc bộ hoàng gia Real Madrid tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm thành lập câu lạc bộ. Trong chương trình kỷ niệm có việc mời một số đội bóng nước ngoài tới thi đấu với Real Madrid và Millionarios chính là một trong những…

Di Stefano (áo sáng)

Một phán quyết không tiền khoáng hậu

Năm 1952, Câu lạc bộ hoàng gia Real Madrid tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm thành lập câu lạc bộ. Trong chương trình kỷ niệm có việc mời một số đội bóng nước ngoài tới thi đấu với Real Madrid và Millionarios chính là một trong những câu lạc bộ được mời.


Gần như ngay lập tức, phong thái thi đấu dũng mãnh, khả năng bao quát trận đấu của một thủ lĩnh mà Di Stefano thể hiện trên sân cỏ đã làm mê hoặc các nhà tuyển trạch của câu lạc bộ Tây Ban Nha. Với tiềm lực tài chính hùng hậu của những mạnh thường quân như Saporta, không khó khăn gì, Real Madrid đã thuyết phục được Câu lạc bộ Millionarios “nhường” chàng trai vàng cho mình và hợp đồng chuyển Di Stefano sang thi đấu cho Real Madrid đã được ký.

Nhưng đối thủ không đội trời chung của Real Madrid trong giải vô địch Tây Ban Nha là Barcelona cũng đâu phải tay vừa! Nhận rõ được giá trị tài năng của anh chàng cầu thủ tóc màu sáng chơi trong giải vô địch Colombia, đội bóng xứ Catalan cũng tìm mọi cách giành Di Stefano. Và Barcelona đã tìm ra cách. Họ liên hệ trực tiếp với Câu lạc bộ River Plate và cũng nhanh chóng đạt được một thỏa thuận với câu lạc bộ này về việc mua lại Di Stefano. Tranh chấp giữa hai câu lạc bộ hàng đầu Tây Ban Nha lập tức nổ ra!

Khi ấy, các quy định về chuyển nhượng cầu thủ của FIFA còn hết sức lỏng lẻo, có nhiều kẽ hở. Barcelona đã tìm ra được một điểm yếu chí mạng trong hợp đồng mua Di Stefano của Real Madrid. Số là Câu lạc bộ River Plate, khi bán Di Stefano cho Câu lạc bộ Millionarios của Colombia, đã cẩn thận “thòng” trong hợp đồng một câu rằng mặc dù “bán” anh, thế nhưng chính thức mà nói, “quyền sở hữu” Di Stefano vẫn thuộc về River Plate! Điều đó có nghĩa là bất kỳ một sự chuyển nhượng nào mà Millionarios thực hiện đối với Di Stefano đến với một câu lạc bộ thứ ba đều phải có sự cho phép của River Plate. Real Madrid đã liên hệ trực tiếp với Millionarios, nhưng đó không phải là “chủ sở hữu” có quyền bán Di Stefano. Trong khi đó, Barcelona đã biết đường đi nước bước, thỏa thuận với River Plate nên quyền sở hữu Di Stefano phải thuộc về Barcelona!

Nhưng đời nào Real Madrid chịu chấp nhận như vậy, mặc dù trong vụ tranh chấp này, có vẻ như Real Madrid thất thế hơn so với đối thủ Barcelona. Vụ việc được đưa lên Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha để phân xử. Rất có khả năng là Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha, nếu cứ căn cứ theo lý mà nói, sẽ xử cho Barcelona thắng trong vụ tranh chấp này. Nhưng đúng lúc ấy thì một tác nhân đặc biệt xuất hiện: nhà độc tài Tây Ban Nha Franco. Vốn ưu ái câu lạc bộ bóng đá hoàng gia, ông ta đã gây sức ép mạnh mẽ với Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha và cuối cùng, một phán quyết không tiền khoáng hậu đã được đưa ra: cả hai câu lạc bộ Barcelona và Real Madrid đều có quyền sở hữu Di Stefano! Phán quyết còn quy định một cách cụ thể hơn: một mùa bóng Di Stefano chơi cho câu lạc bộ này thì mùa sau sẽ chơi cho câu lạc bộ kia, cứ luân chuyển xoay vòng như thế!

Dưới màu áo Barcelona, Di Stefano khởi đầu không mấy ấn tượng. Hơn nữa, Barcelona bực bội cảm thấy họ bị bắt ép bởi một quyết định kỳ lạ như thế nên cuối cùng bèn phản ứng phán quyết của Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha bằng cách đem nhường lại 50% “sở hữu” Di Stefano của họ cho Real Madrid. Chắc chắn sau này các nhà lãnh đạo của câu lạc bộ bóng đá xứ Catalan sẽ còn phải hối hận về quyết định “giận dỗi” này của mình.

Lev Yashin: Một thủ môn vụng về

Trong giai đoạn đầu tiên của sự nghiệp, Lev Yashin nổi tiếng là một thủ môn… vụng về. Đã từng có lần khi đội bạn tấn công, Yashin nhảy ra ôm nhầm chân cầu thủ hậu vệ đội nhà để bóng bay vào lưới! Một lần được thay thế Khomich trong một trận đấu khi đội Dinamo Moscow đang dẫn 1-0, Yashin đã để lọt lưới một bàn rất ngớ ngẩn, khiến cho đội bạn gỡ hòa 1-1, đã thế lại còn vui vẻ tuyên bố rằng “dù sao tôi cũng giúp đội giành được một trận hòa!”. Năm 1952, trong một lần cả hai thủ môn chính Khomich lẫn Sanyi đều bị chấn thương, Ban huấn luyện đội Dinamo Moscow quyết định đưa Yashin vào chơi ở vị trí chính thức trong trận đấu với Dinamo Tbilisi. Cho đến giờ nghỉ giải lao, đội Dinamo Moscow đã dẫn tới 4-1. Vậy mà bước sang hiệp 2, không rõ do quá run hay vì chưa có kinh nghiệm tham gia những trận đấu căng thẳng sau một thời gian dài ngồi dự bị nên Yashin đã để lọt lưới liền 3 quả, để đội bạn gỡ hòa 4-4. Rất may là tới phút 89 của trận đấu, một cầu thủ trong đội Dinamo Moscow là Bescov mới nâng được tỷ số lên 5-4, giúp Dinamo Moscow giành thắng lợi.

Ngay cả khi thi đấu đỉnh cao, Yashin cũng từng phạm phải những sai lầm khó giải thích nổi. Điển hình như trong trận tuyển Liên Xô gặp đội tuyển Colombia tại Giải vô địch thế giới năm 1962 ở Chile. Khi ấy, đội tuyển Liên Xô đã dẫn đội bóng Nam Mỹ 3-0 chỉ sau 11 phút và 4-1 kể từ phút 55. Không một ai nghi ngờ gì vào chiến thắng chung cuộc của các cầu thủ Xô viết. Vậy mà Yashin đã để lọt lưới trực tiếp từ một tình huống đá phạt góc bình thường và sai lầm này đã khiến cho các cầu thủ Colombia lấy lại cảm hứng để vùng lên. Thêm 2 bàn thua nữa chỉ trong vòng 10 phút và kết quả hai đội rời sân với tỷ số hòa 4-4!

Vô địch toàn liên bang khúc côn cầu trên băng!

Có thể sau này đó là một điều lạ lùng nhưng vào thời điểm đầu những năm 50 ấy, việc một câu lạc bộ ở Liên Xô vừa có đội bóng đá, đồng thời có luôn cả đội hockey (khúc côn cầu) trên băng là một chuyện hết sức bình thường. Thậm chí khi ấy huấn luyện viên Tchernychev của đội bóng đá Dinamo Moscow cũng đồng thời kiêm luôn vai trò huấn luyện viên của đội khúc côn cầu trên băng Dinamo Moscow!

Khi Yashin đề đạt nguyện vọng xin chuyển sang chơi cho đội khúc côn cầu trên băng của Câu lạc bộ Dinamo Moscow thì huấn luyện viên Tchernychev đồng ý ngay. Thế là với Yashin trong khung thành, đầu đội mũ giáp bảo vệ, tay cầm cây gậy để chặn những trái bóng cao su dẹt của đối phương, Câu lạc bộ khúc côn cầu trên băng Dinamo Moscow đã tiến băng băng trong giải vô địch quốc gia, vượt qua những đội khúc côn cầu sừng sỏ ở Liên Xô thời bấy giờ như các đội khúc côn cầu của không quân và lục quân Liên Xô. Dinamo Moscow lọt vào tới trận chung kết và giành chiến thắng trong trận đấu quyết định ngày 12.3.1953, giành chức vô địch khúc côn cầu toàn Liên Xô!

Thủ môn vĩ đại của mọi thời đại đã giành danh hiệu vô địch đầu tiên, không phải trong bóng đá mà là môn khúc côn cầu trên băng!

(Theo TNO)