HLV Hoàng Anh Tuấn: ‘Đá bóng ai chẳng muốn thắng’

HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết trong bóng đá ai ra sân cũng muốn đá hay, đá thắng. Dù vậy thất bại tại Asiad 19 là bài học để cầu thủ trẻ Việt Nam trưởng thành hơn trong tương lai.

Đội tuyển Olympic Việt Nam với đội hình trẻ nhất Asiad 19 (tuổi trung bình 20,3) đã dừng chân ở vòng bảng Asiad sau khi thắng Olympic Mông Cổ 4-2 rồi thua cả 2 trận sau đó trước Olympic Iran 0-4 và Olympic Saudi Arabia 1-3.

Ngày 26-9, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn trước khi đội Olympic Việt Nam về nước, kết thúc hành trình tại Asiad 19.

Ông Tuấn nói: “Cái được lớn nhất của các cầu thủ trẻ là có thêm kinh nghiệm khi đá với đối thủ mạnh và đá hay như thế. Trong tương lai, nếu gặp lại, các em sẽ trưởng thành hơn, biết phải làm gì để giành kết quả tốt hơn”.

“Cái chưa được của Olympic Việt Nam thì mọi người thấy cả rồi. Đáng lẽ thua Olympic Iran 0-4 thì có thể thua ít hơn. Những tình huống các em để thủng lưới đầu trận, cuối trận, đầu hiệp, cuối hiệp cứ diễn ra liên tục”, ông nói thêm.

Phải tìm ra nguyên nhân để tiến bộ

* Việc thủng lưới cứ lặp lại ở những thời điểm đó là do các cầu thủ mất tập trung hay hạn chế về chuyên môn, thưa ông?

– Có nhiều yếu tố. Các cầu thủ thiếu kinh nghiệm, khi xuống sức hoặc thiếu tập trung. Khi họp đấu pháp trước trận, tôi đều nhắc rồi. Thời điểm khai cuộc, hết hiệp đấu, đầu hiệp 2 và những phút bù giờ thường là những lúc dễ mất tập trung nhất. Nhưng cầu thủ không làm được và cứ lặp đi lặp lại.

Cái này phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Nó không đơn thuần về mặt chuyên môn mà còn tinh thần nữa. Dù vậy cần thời gian bởi khi thực chiến thì mới xảy ra vấn đề.

Cũng hàng phòng ngự đó ở Giải U20 châu Á 2023 và U23 Đông Nam Á 2023 thì không bị thua ở thời điểm như thế. Lý do vì đâu? Có thể là do đối tượng quá mạnh, ngoài việc họ gây sức ép trên sân thì sức ép tâm lý cũng sẽ ảnh hưởng đến chuyên môn, làm cầu thủ mất tập trung.

* Trả lời giới truyền thông, ông nói các cầu thủ có vẻ bị áp lực nên đã chơi không tốt tại Asiad 19. Tại sao các cầu thủ lại bị áp lực khi mà họ biết đến Trung Quốc chủ yếu là cọ xát để trưởng thành?

– Học hỏi là một chuyện, nhưng tuổi tác chênh lệch cũng là rào cản tâm lý. Đá cùng tuổi với Iran, Qatar, Úc ở Giải U20 châu Á 2023 thì các em bình thường. Còn ở Asiad 19, đội hình Olympic Việt Nam có 16/22 cầu thủ U20. 18 tuổi đá với 22 tuổi khác, 18 tuổi đá 24 tuổi khác. Kinh nghiệm và chuyên môn tốt của đối thủ sẽ tác động đến các cầu thủ trẻ Việt Nam về mặt tâm lý.

* Nếu có hậu vệ Phan Tuấn Tài và tiền đạo Nhâm Mạnh Dũng, ông có nghĩ Olympic Việt Nam sẽ chơi tốt hơn?

– Có thể tốt hơn. Tấn Tài và Nhâm Mạnh Dũng đều được đá rất nhiều nên có kinh nghiệm. Nếu không tốt hơn, tại sao tôi lại chọn họ để làm chỗ dựa cho các cầu thủ trẻ.

Thủ môn Đỗ Sỹ Huy không sẵn sàng

* Vậy sao ông lại không dùng thủ môn quá tuổi Đỗ Sỹ Huy tại Asiad 19?

– Nếu không sử dụng thì tôi chọn làm gì, đúng không? Nhưng lật lại thời gian, khi tôi đăng ký danh sách này thì đã cách đây 4 tháng rồi, và ban tổ chức không cho sửa đổi nữa trước khi vào Asiad 19.

4 tháng trước, Quan Văn Chuẩn không có cơ hội thi đấu ở CLB Hà Nội khi chỉ là thủ môn số 3. Nên tôi chọn tăng cường Đỗ Sỹ Huy – thủ môn đang bắt chính cho CLB Công An Hà Nội ở V-League 2023.

Nhưng sau khi tôi đăng ký danh sách Olympic Việt Nam lên Ban tổ chức Asiad 19 xong thì Sỹ Huy không bắt trận nào nữa cho CLB Công An Hà Nội. Thứ hai, sau khi V-League 2023 kết thúc, Sỹ Huy cũng không tập ngày nào. Trước khi sang Trung Quốc, anh ấy chỉ tập có 2 buổi cùng đội tuyển Olympic Việt Nam, và qua đây tập 1 buổi nữa trước khi bước vào trận mở màn.

Cuối cùng là câu chuyện nội bộ mà tôi nói cho anh nghe, khi tôi làm việc với Sỹ Huy, anh ấy nói không sẵn sàng vì 4 tháng nay chưa bắt 1 trận nào cả.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch Hoàng Đạo Cương khi đến động viên đội trước trận đấu với Olympic Saudi Arabia cũng hỏi tôi tại sao không dùng Sỹ Huy? Tôi cũng trả lời như ở trên.

Tôi không phải là không cầu thị đâu. Trước trận đấu với Olympic Saudi Arabia, người ta đã “tấn công” tôi rất nhiều tại sao không dùng Sỹ Huy. Nhưng sau trận đấu, anh thấy tôi đúng không? Quan Văn Chuẩn đã chơi 1 trận hay.

Kiên trì với lối chơi kiểm soát bóng

* Việt Nam đang xây dựng lối chơi kiểm soát bóng. Nhưng chúng ta có nên uyển chuyển, gặp đối thủ mạnh thì chơi phòng ngự phản công để có kết quả như ý không, thưa ông?

– Đương nhiên gặp đối thủ mạnh mà nói chơi kiểm soát bóng là vô lý. Nhưng phải làm quen cách chơi đó, vì nó mới mở ra cơ hội chiến thắng và đúng với sở trường của người Việt Nam. Còn phòng ngự phản công là thời điểm thôi.

HLV ngoại ký hợp đồng, hết hợp đồng họ đi, vấn đề là họ cần thành tích nên chọn lối chơi phòng ngự phản công. Mình làm công tác đào tạo trẻ thì cần xây dựng cho cầu thủ trẻ mọi thứ, còn sử dụng thế nào là chuyện của HLV.

Gặp đối thủ mạnh thì làm sao kiểm soát bóng. Như đá với Olympic Iran làm sao kiểm soát bóng, muốn đâu có được. Mà muốn đá phòng ngự phản công cũng đâu có được.

Trận gặp Olympic Saudi Arabia, nhiều người nhìn chúng tôi đá tưởng chúng tôi thay đổi lối chơi, chơi phòng ngự nhằm có điểm. Nhưng đó là do đối phương đè ra đá buộc chúng tôi phải chống đỡ.

Quan trọng là khi thực chiến, thấy đối thủ mạnh như thế, cầu thủ muốn kiểm soát bóng phải biết làm như thế nào.

* Ông nghĩ sao nếu chúng ta chơi phòng ngự để kiếm điểm trước Olympic Iran và Saudi Arabia, hy vọng vào vòng 16 đội tại Asiad 19?

– Bây giờ rất là khó nói. Chúng ta phải xây dựng định hướng là sử dụng cầu thủ trẻ để có kinh nghiệm. HLV Philippe Troussier muốn đá kiểm soát bóng, Olympic Việt Nam lại đá kiểu khác thì không đúng. Đương nhiên là tùy đối thủ và từng trận đấu. Chứ nói đá để kiếm 1 điểm chắc gì kiếm được.

Cầu thủ Olympic Việt Nam đa phần mới 18-19 tuổi thì đòi hỏi gì cao ở họ? Chứ đá ai chẳng muốn thắng, chẳng muốn đá hay. Nhưng gặp đối tượng nào mới được. Về mặt lý thuyết, chúng ta đánh giá Olympic Saudi Arabia nhẹ hơn Olympic Iran một chút. Nhưng ở World Cup 2022, đội nào đã thắng được Argentina? Nên đá để thủ làm sao mà đá.

* Chúng ta dùng cầu thủ trẻ hơn tuổi dự Asiad 19 nhằm chuẩn bị cho tương lai. Nhưng rõ ràng, đối thủ cũng không đứng yên để chúng ta vượt qua?

– Mọi thứ đều có ngưỡng. Ví dụ kỷ lục thế giới chạy 100m là 9 giây 58 của Usain Bolt, chạy xuống 7 giây là không tưởng.

Nếu đối thủ chạy từ 10 giây xuống 9 giây, mình chạy 12 giây có thể về 10 giây. Ví dụ như thế để thấy đối phương tiến chậm hơn chứ làm sao đi nhanh được nữa, nên khoảng cách sẽ dần được kéo gần. Quan trọng là chúng ta phải tìm mọi cách, mọi phương pháp để tiến bộ nhanh hơn.

Bóng đá Việt Nam muốn dự World Cup thì phải tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ cọ xát nhiều hơn. Nếu chúng ta nghĩ mình tiến người ta cũng tiến thì thôi đừng làm nữa. Dĩ nhiên là muốn tiến bộ thì cần cả một quá trình dài.

* Ông báo cáo gì với VFF và HLV Philippe Troussier về những điều thu hoạch được tại Asiad 19?

– Tôi sẽ có báo cáo cụ thể. Còn ngồi với HLV Philippe Troussier để tổng kết hay không thì chưa biết. Ngay từ đầu, trước khi đội lên đường chúng tôi đã trao đổi và định hướng rồi, chơi kiểm soát bóng. Nên tôi phải làm sao giúp các cầu thủ khi lên đội tuyển U23 hay quốc gia có thể làm được.

Asiad 19 là giải đấu để các cầu thủ trẻ trải nghiệm, cho HLV Philippe Troussier đánh giá và lựa chọn cầu thủ cho vòng chung kết U23 châu Á 2024, hay lên đội tuyển Việt Nam đá giao hữu dịp FIFA Days vào tháng 10 tới.

Nguồn: Tuổi Trẻ

NHÀ TÀI TRỢ ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA VIỆT NAM