Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động của LĐBĐVN khoá VII (Nhiệm kỳ 2014-2018)

26/03/2014 14:29:06

I. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG:

1. Xác định và lựa chọn mô hình tổ chức của LĐBĐVN hai cấp phù hợp với  hoàn cảnh cụ thể của nước ta theo hướng tăng cường tính xã hội,

2. Ưu tiên cho công tác đào tạo bóng đá trẻ, bóng đá nữ; bóng đá phong trào nhằm góp phần tích cực vào Chương trình “Nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam bằng biện pháp tập luyện thể thao và dinh dưỡng đến năm 2020”.

3. Tập trung đầu tư cao, có trọng điểm cho các tài năng bóng đá trẻ, cho các đội tuyển Quốc gia để đảm bảo vững chắc vị trí là 1 trong 3 nước hàng đầu khu vực và vươn tới vị trí trong “Tốp 15 nước hàng đầu châu lục” hướng đến năm 2020.

4. Tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hội nhập của Bóng đá Việt Nam với quốc tế;

5. Nghiên cứu và có biện pháp thiết thực để tăng cường giá trị các “thương hiệu” của Bóng đá Việt Nam nhằm bảo đảm các nguồn thu ổn định và ngày càng tăng để phục vụ các nhiệm vụ đặt ra trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020.

II. CÁC MỤC TIÊU CỤ THỂ:

Đội tuyển nam:

  • Đội tuyển U23 vào chung kết SEA Games  – 2015
  • Đội tuyển Quốc gia nam lọt vào chung kết Suzuki Cup 2014 và 2016, thứ nhì vòng đấu loại ở bảng trong khu vực.Vòng loại World Cup 2018

Đội tuyển Quốc gia nữ:

  • Lọt vào vòng chung kết FIFA World Cup nữ năm 2015
  • Huy chương vàng SEA Games 2015
  • Huy chương vàng Giải vô địch Đông Nam Á  2014,  2016

Đối với các đội tuyển trẻ khác, mục tiêu tại các giải quốc tế trong các năm cũng được xác định, phấn đấu lọt vào vòng chung kết các giải trẻ Đông Nam Á và châu Á, trong đó U19 phấn đấu lọt vào VCK U20 thế giới 2015.

Các mặt công tác khác:

  • Về bóng đá phong trào: Năm 2017 đạt 4500 câu lạc bộ
  • Về đào tạo vận động viên bóng đá trẻ:

+ Số lượng vận động viên trẻ U11 – U18 có năng khiếu tốt được đào tạo tập trung tính trung bình hàng năm: 4.000 VĐV;

+ Số lượng vận động viên trẻ từ 14 – 18 tuổi tập trung ở tuyến trung ương dưới sự huấn luyện của chuyên gia nước ngoài khoảng 400 vận động viên mỗi năm; số lượng vận động viên trẻ tập huấn ở nước ngoài hàng năm: khoảng 24 – 48 vận động viên.

Về tài chính:

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tự chủ về tài chính:

+ Nguồn thu của LĐBĐVN hàng năm đạt từ 100 – 130 tỷ đồng/năm;

+ Nguồn thu của VPF đạt 100 tỷ đồng/năm;

+ Nguồn thu của mỗi câu lạc bộ chuyên nghiệp trung bình hàng năm từ 40 – 50 tỷ đồng .

Về phát triển các câu lạc bộ chuyên nghiệp:

100% câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có hệ thống sân thi đấu, sân tập, các công trình phục vụ đào tạo vận động viên, có trung tâm y học thể thao, có đội ngũ huấn luyện viên, bác sỹ thể thao được đào tạo và được cấp chứng chỉ chuyên môn.

Về phát triển nguồn nhân lực:

LĐBĐVN có từ 10 – 15 cán bộ tham gia vị trí lãnh đạo trong tổ chức AFF, AFC; 10 trọng tài chính, 10 trợ lý trọng tài đạt tiêu chuẩn trọng tài FIFA.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

Trên cơ sở các mục tiêu được xác định trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam 2011-2020, kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong hoạt động bóng đá,  tiếp thu ý kiến đóng góp của các  thành viên Liên đoàn bóng đá Việt Nam, BCH trình Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam khoá VII, nhiệm kỳ 2014-2018 xem xét, thảo luận và thông qua phương hướng, mục tiêu hoạt động của Liên đoàn bóng đá Việt Nam từ năm 2014 – 2018 như sau:  

Nâng cao thành tích bóng đá ở cấp độ đội tuyển:

– Tăng cường đầu tư cho các ĐTQG chuẩn bị và tham gia cho các giải đấu quốc tế quan trọng.

Giải pháp : Triển khai các chương trình mục tiêu nhằm chuẩn bị lực lượng tham dự thi đấu vòng loại World Cup 2018 và ASIAD 2019

Chuẩn bị tốt nhất cho đội tuyển bóng đá nữ tham dự Vòng CK nữ 2014, giành quyền tham dự World Cup 2015

Thường xuyên chuẩn bị lực lượng để tham dự các Giải bóng đá Lứa tuổi Olympic, thiết thực chuẩn bị lực lượng cho đội tuyển bóng đá quốc gia.

Đề xuất cơ quan Quản lý nhà nước, Chính quyền địa phương có nhưng ưu đãi đối với các Trung tâm Đào tạo bóng đá trong nước  hợp tác đào tạo cầu thủ trẻ theo chương trình của các CLB danh tiếng nước ngoài.

Từng bước, tham dự đầy đủ các nội dung của bóng đá : nam, nữ, trẻ, futsal, bóng đá bãi biển, xã hội hoá những môn mới phát triển và có triển vọng như: futsal, bóng đá  bãi biển.

Triển khai đào tạo vận động viên bóng đá trẻ tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, đề nghị FIFA hỗ trợ chương trình đào tạo cầu thủ trẻ tại 3 khu vực trong chương trình mục tiêu của FIFA.

Từng bước tiêu chuẩn hóa đội tuyển quốc gia nam, đội tuyển quốc gia nữ và đội tuyển U23 dựa trên các tiêu chí cơ bản về chiều cao, thể lực, kỹ thuật, định hướng và làm cơ sở cho công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên ở các đội tuyển từ tuyến tuyển quốc gia đến các lứa tuổi trẻ.

Có chính sách khuyến khích các tài năng bóng đá người Việt ở nước ngoài tham gia thi đấu cho đội tuyển quốc gia.

Quy hoạch đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên bóng đá trẻ:

Hình thành chức danh Giám đốc kỹ thuật bóng đá quốc gia của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Hình thành hệ thống đào tạo trẻ cấp quốc gia tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ VN, ở các CLB và các địa phương;

Ban hành bộ tiêu chuẩn tuyển chọn vận động viên bóng đá năng khiếu ở các độ tuổi từ 7-11 và từ 12-15; 

Cải tiến hệ thống thi đấu bóng đá trẻ nhằm đảm bảo các vận động viên trẻ được thi đấu tối thiểu 20- 30 trận/năm. Nghiên cứu quy định bắt buộc về tỉ lệ cầu thủ trẻ thuộc hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp.

Phát triển bóng đá chuyên nghiệp:

Tổng kết mô hình, làm rõ lý luận về phát triển thể thao chuyên nghiệp; chú trọng tới cơ sở lý luận về vấn đề sở hữu trong bóng đá chuyên nghiệp. Đúc kết từ thực tiễn quan hệ quản lý của Liên đoàn bóng đá Việt Nam đối với đơn vị tổ chức các Giải bóng đá chuyên nghiệp. Tiếp thu, nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, thể thao và các văn bản pháp lý liên quan để mở rộng hoạt động của thị trường kinh doanh, dịch vụ, quảng cáo, môi giới bóng đá chuyên nghiệp, thị trường bản quyền truyền hình trong lĩnh vực bóng đá chuyên nghiệp.

Quy định cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ đáp ứng các điều kiện hoạt động của câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, như: cơ sở vật chất, tài chính, bộ máy tổ chức và nhân lực quản lý, điều hành câu lạc bộ, công tác đào tạo vận động viên trẻ, quản lý vận động viên, học văn hóa, thực hiện chế độ chính sách đối với vận động viên, công tác y học...

Xây dựng, ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn hành nghề,  đăng ký, quản lý thống nhất hồ sơ của các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực bóng đá chuyên nghiệp (cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài, nhà môi giới, cán bộ chuyên môn). Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin điện tử phục vụ cho công tác quản lý bóng đá chuyên nghiệp.

Nâng cao chất lượng Giải Vô địch quốc gia (V-League) và các giải khác trong hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia

Hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia.

Xây dựng, ban hành các quy chế, điều lệ tổ chức các giải thi đấu bóng đá chặt chẽ, có chế tài đủ mạnh để phòng ngừa sự cố, xử lý các biểu hiện tiêu cực và hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức giải.

Từng bước điều chỉnh giảm số lượng cầu thủ nước ngoài tại giải V-League và giải hạng Nhất.

Kiện toàn Ban trọng tài quốc gia. Thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ trọng tài, giám sát, cán bộ tổ chức thi đấu.

Tiếp tục hoàn thành mô hình pháp nhân tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp theo hình thức công ty.

Phát triển Fulsal, bóng đá bãi biển:

Định hướng phát triển các câu lạc bộ Futsal trong các tổ chức thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Từng bước nâng dần số đội  bóng Futsal tham dự giải.

Tăng cường tập huấn, chuẩn bị cho ĐTQG Futsal tham dự các giải thi đấu quốc tế.

Phát triển bóng đá bãi biển. Xây dựng đội tuyển bóng đá bãi biển quốc gia tập trung chuẩn tham dự tại Asian Beach Games.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động bóng đá:

Duy trì các khóa đào tạo trọng tài, huấn luyện viên theo chương trình của FIFA, AFC. Áp dụng các quy định tiêu chuẩn hóa  bằng cấp huấn luyện viên của các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp.

Phát triển lực lượng bác sỹ thể thao tại các trung tâm huấn luyện bóng đá và các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp

Phát triển cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và tổ chức thi đấu bóng đá thành tích cao và phát triển bóng đá phong trào:

Kết hợp giữa nhiều nguồn lực: đầu tư của nhà nước với đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức xã hội.

Nâng cấp, mở rộng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Định hướng và có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các học viện, trung tâm đào tạo bóng đá do tư nhân, doanh nghiệp đầu tư; khuyến khích các câu lạc bộ đảm bảo các công trình thể thao phục vụ thi đấu, tập luyện và đào tạo vận động viên trẻ. Phấn đấu đến năm 2015, tất cả các câu lạc bộ tham dự V-League và giải hạng Nhất quốc gia đều có tuyến đào tạo vận động viên trẻ.

Đề xuất nhà nước phát triển mạng lưới các sân vận động quy mô nhỏ tại các trường đại học, cao đẳng và các trường trung học phổ thông;  các sân vận động đơn giản tại xã, phường, liên thôn, khu đô thị, cụm dân cư, khu công nghiệp…. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp, tư nhân tham gia xây dựng các sân bóng đá mi-ni hoạt động theo hình thức kinh doanh dịch vụ có thu phí.

Giải pháp huy động kinh phí:

Hình thành chiến lược tiếp thị một cách toàn diện để nâng cao giá trị thương hiệu của các đội tuyển bóng đá quốc gia, các giải thi đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia và các giải thi đấu khác do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đăng cai tổ chức.

Tìm kiếm các đối tác tài trợ cho các ĐTQG. Đa dạng các hình thức quảng cáo, tài trợ dựa trên khai thác hình ảnh của các đội tuyển.

Phát huy mô hình đơn vị tài trợ, đơn vị chủ giải

Có những giải pháp đột phá về khai thác bản quyền truyền hình, bản quyền truyền thông đa phương tiện, quảng cáo trên radio, internet…

Xây dựng hệ thống các đối tác thương mại của Bóng đá Việt Nam với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn.

Đa dạng hóa các loại hình quỹ phát triển bóng đá ở nhiều cấp để tạo nguồn thu đầu tư cho phát triển tài năng bóng đá. Xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bóng đá Việt Nam do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trực tiếp quản lý.

Đa dạng hóa các nguồn thu của các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp.

Nghiên cứu, đề xuất thí điểm triển khai hoạt động đặt cược bóng đá hoặc dự báo kết quả bóng đá có thưởng để tạo nguồn thu cho Quỹ phát triển bóng đá Việt Nam.