VTV như con bò sữa
 
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 36/ 2008/CT-TTg về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan mới được Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội, đại diện VTV đã nhấn mạnh: Bản quyền truyền hình của VTV đang bị vi phạm nghiêm trọng như tự ý lấy chương trình VTV mà không xin phép, tiếp sóng VTV, nhưng đến phần quảng cáo thì chèn quảng cáo của đài địa phương vào, các chương trình đặc sắc bị ghi thu, in sao chép phát tán trên internet, in sao thành băng đĩa và bán ra ngoài thị trường. 
 
Đại diện VTV khẳng định: “Sự vi phạm này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của VTV và về lâu dài khán giả sẽ phải chịu ảnh hưởng vì thiếu những tác phẩm truyền hình hấp dẫn do bị vi phạm bản quyền mà nhà đài đành phải loại bỏ trong kế hoạch phát sóng”.
 
VTV cũng nêu những bất cập về quy định cho phép tiếp sóng, phát sóng không cần phải xin phép, thỏa thuận về bản quyền được thể hiện qua Điều 16 Quy chế Quản lý hoạt động truyền hình trả tiền. Điều này không đúng với Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật chuyên ngành.
 
Bởi vậy, sau khi có được bản quyền World Cup 2014 với giá rất cao, VTV đã lập tức có những yêu cầu với các nhà đài muốn chia sẻ bản quyền phải chọn một trong 2 phương án: Đàm phán để mua sóng sạch với mức giá do đôi bên thỏa thuận, hoặc phải tiếp sóng nguyên trạng cả khung chương trình (không được thêm bớt bất kỳ yếu tố quảng cáo hoặc hình, tiếng dưới mọi hình thức) có thời lượng 180 phút gồm cả quảng cáo lẫn chương trình đồng hành.
 
Cuộc chiến với báo mạng
 
Để bù đắp chi phí cho khoản tiền khổng lồ bỏ ra để có bản quyền World Cup 2014, VTV đã đưa ra khung quảng cáo “khủng” nhất từ trước tới nay: 350 triệu đồng/block 30 giây – với trận chung kết. Nghĩa là, mỗi giây quảng cáo ở trước và trong trận chung kết, VTV có hơn 10 triệu đồng. Thậm chí các chương trình đồng hành cũng có giá “khủng”: Bình luận vòng loại 105 triệu đồng/30 giây, chung kết 210 triệu đồng/30 giây… Tất nhiên, để giữ được “uy tín” và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, VTV phải “quản” bản quyền của mình thật chặt.
 
Với các nhà đài, hoặc đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền, xu hướng chung là đồng ý tiếp sóng nguyên trạng của VTV, hoặc… nghỉ chơi World Cup, chứ không hy vọng mua sóng sạch để bán lấy quảng cáo, vì xét trên bối cảnh kinh tế chung hiện nay, chỉ VTV mới có “thế” để đưa ra những đơn giá quảng cáo “khủng”.
 
Riêng với việc các báo mạng, báo điện tử hoặc các trang mạng thì việc quản lý bản quyền là điều rất khó, nếu như không nói là không thể. Trước đây, với EURO 2012, sau khi có bản quyền giải đấu này, VTV cũng “cấm” các trang mạng được đưa clip hình ảnh liên quan đến những trận đấu, hoặc quy định những clip trên 90 giây phải xin phép UEFA. Nhưng những biện pháp này xem ra không xuể.
 
Trong những năm gần đây, VTV phối hợp với thanh tra Bộ VHTTDL đã xử lý, phạt hành chính và yêu cầu hàng loạt các trang mạng gỡ các clip giải Ngoại hạng Anh, nhưng chỉ mới xử lý được một phần nhỏ.
 
Về bản quyền World Cup 2014, theo ông Nguyễn Hà Nam – Trưởng ban thư ký biên tập VTV: “Gói độc quyền của VTV không độc quyền trên mobile và internet. Các đơn vị cần căn cứ quy định của FIFA và quy định về quyền sở hữu trí tuệ để thực hiện nhu cầu”. Thực tế thì trong thông báo tới các báo mạng, báo điện tử, VTV chỉ “cấm” các đơn vị trên không “tự tiện tiếp sóng, phát sóng VTV các trận đấu World Cup”.
 
Còn những clip highlight trên mạng hoặc cắt từ sopcast thì… chịu và FIFA cũng chẳng đủ ngàn mắt mà theo dõi. Vì thế, cuộc chiến bản quyền hình ảnh World Cup sẽ còn nhiều phức tạp trong những ngày nóng bỏng ở Brazil.