VFF đào tạo bóng đá trẻ chuyên sâu: Muốn có quả ngọt, phải tự vun trồng!

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội VFF khóa VII xác định là phải xây dựng cho được một Trung tâm đào trẻ chuyên sâu, chất lượng. Lò đào tạo này sẽ tạo ra nguồn cung cho các đội tuyển, đồng thời, hỗ trợ đắc lực các địa phương trong chiến lược đào tạo trẻ.

17/09/2014 09:54:26
Một buổi tập luyện của đội tuyển trẻ ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF

TẠI SAO VFF PHẢI TẠO NGUỒN?

Ngay sau Đại hội VFF khóa VII, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã yêu cầu phải kiện toàn Trung tâm đào tạo trẻ VFF. Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn được giao trọng trách phác thảo kế hoạch và thực hiện việc đào tạo trẻ một cách bài bản, chất lượng, tạo ra hình mẫu để các địa phương học theo.
 
Thực ra, trên thế giới, có rất ít các liên đoàn bóng đá quốc gia tự đứng ra mở Trung tâm đào tạo trẻ. Nhiệm vụ tạo nguồn nhân lực thuộc về các địa phương, đội bóng. Thế nhưng, trong bối cảnh nền bóng đá vẫn đang trong giai đoạn xác lập những giá trị chuyên nghiệp thì không phải địa phương nào cũng quan tâm một cách đồng bộ, có định hướng đến công tác đào tạo trẻ. 
 
Một thực tế khác là hàng năm, các đội tuyển trẻ thường xuyên phải làm nhiệm vụ quốc tế. Việc các cầu thủ trẻ thường xuyên được tập luyện, thi đấu bên nhau dưới sự dẫn dắt của những chuyên gia nước ngoài (dự kiến là Nhật Bản) là điều kiện lý tưởng để VFF thực hiện những dự án có tính mục tiêu như VCK châu Á U19, Asiad 18… 
 
Ông Trương Hải Tùng, Quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã bắt đầu huấn luyện lớp U15 để xây dựng lực lượng cho ĐT U16 vào năm tới. Lẽ ra lớp U18 cũng được tập trung nhưng do có những điều chỉnh về phương án thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch vì lo ngại ảnh hưởng đến việc học hành của các VĐV. Nhưng về định hướng, chúng tôi sẽ tuyển chọn và đào tạo lứa U18 để chuẩn bị nhân sự cho các đội tuyển trong tương lai”.
 
 
KHÔNG CẠNH TRANH VỚI ĐỊA PHƯƠNG
Dư luận đang quan tâm, việc VFF tham gia đào tạo trẻ, dù ở cấp độ chuyên sâu, có nhận được sự ủng hộ của các địa phương hay không? Bởi lẽ, nguồn cung cầu thủ vốn phụ thuộc vào tuyến trẻ của các địa phương. Nếu chất lượng đào tạo không tốt, chính sách quản lý không phù hợp, chắc chắn các CLB sẽ không chịu nhả người cho Trung tâm đào tạo VFF. Thậm chí, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T, ông Nguyễn Quốc Hội còn nhấn mạnh: “Nếu ban tuyển chọn, ban huấn luyện của VFF không mạnh, chúng tôi sẽ rất ngần ngại để gửi quân lên. Chúng tôi muốn cầu thủ của mình phải được dẫn dắt bởi những chuyên gia ngoại”.
 
Trước sự băn khoăn của địa phương về chất lượng đào tạo cũng như quyền sử dụng cầu thủ sau đào tạo, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định: “VFF không cạnh tranh với các địa phương về đào tạo trẻ. Chúng tôi đào tạo chuyên sâu là nhằm tạo ra những cầu thủ chất lượng cho các ĐTQG cũng như chính các CLB. VFF đang hỗ trợ các đội bóng chứ không có ý định sở hữu cầu thủ sau này. Hàng năm, các cầu thủ sẽ được trả về địa phương tham gia các giải trẻ quốc gia. Kết thúc khóa đào tạo, cầu thủ vẫn thuộc quyền quản lý của đội bóng chủ quản. Tôi cũng phải nhấn mạnh rằng, không dễ để cầu thủ được chọn vào các lớp đào tạo của VFF. Ban tuyển chọn của VFF đã có mặt tại các đội, các giải trẻ để chọn ra những cá nhân xuất sắc nhất trong độ tuổi.
 
Hàng năm, chúng tôi sẽ sàng lọc những cá nhân không tiến bộ về chuyên môn và bổ sung những cầu thủ xuất sắc hơn”.
 
 
Đã chọn được 23 cầu thủ U15 xuất sắc
Chính nhờ niềm tin về quyết tâm xây dựng một lò đào tạo chất lượng của lãnh đạo VFF mà đến nay, một loạt trung tâm, địa phương như: Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An, PVF, Bình Định, Đà Nẵng, HN.T&T, Viettel, Nam Định… đã đồng ý cử quân lên tham gia lớp U15 (23 VĐV). Về phần mình, VFF đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để tháng 11 tới, chuyên gia người Nhật Bản sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam. Còn trước mắt, các cầu thủ trẻ sẽ được giao cho những HLV uy tín mà VFF đã tuyển chọn kỹ càng.
 
NHỮNG ĐIỂM NHẤN CỦA TRUNG TÂM ĐÀO TẠO TRẺ VFF
 
Cầu thủ trẻ hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước
Hiện nay, theo các quy định thì mỗi cầu thủ trẻ tham gia các khóa đào tạo dài hạn của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF sẽ được Tổng cục TDTT cấp chế độ tiền ăn là 150.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, các cầu thủ trẻ còn nhận được phụ cấp trách nhiệm là 120.000 đồng/người/ngày.
 
Được biết, tùy vào tình hình thực tế trong thời gian tới, nếu các chế độ kể trên chưa đủ đáp ứng thì Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF sẽ trình lên VFF đề nghị được hỗ trợ.
 
Có “đường dây nóng” với phụ huynh cầu thủ
Nhằm giúp phụ huynh các cầu thủ trẻ theo dõi quá trình tập luyện và học tập của con em mình, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF sẽ thường xuyên tổ chức diễn đàn thông tin đến các địa phương về kết quả tập luyện bóng đá, học văn hóa của cầu thủ.
Với “đường dây nóng” này, dù các cầu thủ trẻ phải xa nhà và tập trung dài hạn tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF nhưng tình hình phát triển của các “mầm non’ vẫn được các phụ huynh nắm rõ. Qua đó, phụ huynh sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trong quá trình quản lý cầu thủ.
 
Học văn hóa tại các trường chính quy
Các cầu thủ trẻ được đào tạo tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF sẽ tham gia học văn hóa tại các trường chính quy, như các bạn đồng trang lứa bình thường. Việc này giúp trang bị cho cầu thủ nền tảng kiến thức cơ bản để trong trường hợp không tiếp tục theo nghiệp cầu thủ, các học viên vẫn dễ dàng chuyển sang hướng đi mới.
 
Đặc biệt, các em sẽ có 2 buổi học ngoại ngữ mỗi tuần. Theo đánh giá của các chuyên gia, cầu thủ được đào tạo ngoại ngữ sẽ tự tin hơn và có “bàn đạp” để tự nghiên cứu, lĩnh hội thêm các kiến thức bóng đá từ tài liệu của nước ngoài. Trước mắt, tiếng Anh sẽ là ngoại ngữ được đào tạo cho các cầu thủ trẻ.
Nguồn: bongdaplus.vn