V-League đã kiếm được tiền

Sau thời gian dài khủng hoảng, nhiều thương hiệu mất tên, bóng đá nước nhà đang đón nhận những tín hiệu tích cực. Điểm sáng nhất chính là việc, các đội bóng đã bắt đầu khai thác được giá trị riêng có để tìm ra nguồn tài chính hoạt 

Đá tử tế là có tiền
 
Một ngày sau chiến thắng trước SLNA, đội bóng Hải Phòng đã có nhà tài mới, đó là một thương hiệu của Hàn Quốc. Đây là một tin vui đối với những người yêu bóng đá đất Cảng bởi sau khi Xi măng Hải Phòng rút lui, CLB Hải Phòng đối diện với rất nhiều khó khăn. Họ không còn dồi dào về kinh phí để chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu V-League. Một số cầu thủ trụ cột như Quang Hải, Tấn Tài vì không nhìn thấy tương lai của đội bóng đã xin ra đi. Đỉnh điểm của sự khủng hoảng về tài chính là việc Hải Phòng xin rút lui khỏi AFC Cup vì lo ngại bài toán tài chính.
 
Cổ động viên đội Đồng Tháp tại V.League
 
Thế nhưng, trong khó khăn, Hải Phòng đã tìm được cho mình hướng tiếp cận đúng. Dùng những cầu thủ khát khao thể hiện và theo đuổi một lối chơi cống hiến, lãnh đạo đội bóng cam kết, họ có thể thua kém về chuyên môn nhưng luôn ra trận hết mình. Và chiến thắng trước SLNA ngay tại sân Vinh đã mang đến cho đội bóng này bước ngoặt về tài chính. Dưới sự ủng hộ của lãnh đạo TP, một DN nước ngoài đã đứng ra tài trợ bằng một bản hợp đồng trị giá hàng tỷ đồng.
 
Không chỉ Hải Phòng, nhiều đội bóng khác cũng bày tỏ quyết tâm đá sạch để khơi nguồn tài chính từ các nhà tài trợ. Mới đây nhất, HAGL đã có bản hợp đồng lên đến 15 tỷ đồng từ thương hiệu NutiFood. Tất nhiên, HAGL là một thương hiệu lớn, nhưng lý do quan trọng nhất khiến NutiFood quyết định giải ngân khoản tiền tài trợ lớn là do tin tưởng vào một đội bóng luôn đá sạch, đá đẹp.
 
Đa dạng nguồn thu
 
Đến mùa giải này, trước sự khó khăn về tài chính, các đội bóng đã dành thời gian nghĩ cách kiếm tiền. Lần đầu tiên sau nhiều năm, các đội bóng coi nguồn thu từ bán vé là một kênh vô cùng quan trọng.Cũng lần đầu tiên V-League có khái niệm bán vé theo mùa cùng một chiến dịch hậu mãi cho những người bỏ tiền đến sân. Từ HAGL đến SLNA, Quảng Ninh, Đồng Tháp, các đội bóng đua nhau bán vé cả năm nhằm sớm có được khoản tiền để chi dùng cho hoạt động của mình. Theo ước tính, trận đấu đầu tiên ở V-League, HAGL thu về gần 400 triệu đồng tiền vé. Nếu duy trì được phong độ, họ có thể kiếm được khoảng 6 tỷ đồng tiền vé mùa này cùng 3 tỷ đồng tiền bán bảng quảng cáo trên sân.
 
Các đội bóng tỏ ra nhanh nhạy trong việc khai thác tối đa các nguồn thu. Họ thực hiện cả những chiến dịch truyền thông, tổ chức nhiều hoạt động giải trí nhằm lôi kéo khán giả đến sân. Điển hình như ở sân Cẩm Phả, Quảng Ninh mỗi trận đấu luôn có các ca sĩ, nhóm múa đến biểu diễn. Chỉ chi vài chục triệu đồng cho các chương trình nghệ thuật nhưng BTC sân lại thu về hàng trăm triệu đồng tiền vé. Quan trọng hơn, càng có đông người đến sân, các đội bóng càng có cơ hội kiếm được nhiều tiền từ các nhà tài trợ đặt bảng quảng cáo trên sân.
 
Có một thời, V-League sống nhờ sự hào phóng của các ông bầu. Khi sức khỏe của nền kinh tế có vấn đề thì các ông bầu đầu tư cho bóng đá ít hơn. Thế nhưng, chính điều đó lại góp phần giúp tạo ra một nền bóng đá năng động, hiệu quả. Bởi khi ấy, thay vì trông chờ vào các ông bầu, bộ phận điều hành các đội bóng đã phải tự thân vận động nếu không muốn tự đào thải khỏi sân chơi khắc nghiệt.
Nguồn: Kinh tế Đô thị

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA