TTK danh dự AFF Dato’ Paul Mony: “Các đội tuyển đã thể hiện sự tiến bộ rõ nét về trình độ”

Có mặt tại Hà Nội để dự cuộc họp Hội đồng LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) lần thứ 7 và theo dõi trận chung kết lượt về gữa ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan, TTK danh dự AFF Dato’ Paul Mony đã dành thời gian trả lời phỏng vấn nhanh của website VFF về một số vấn đề xoay quanh giải vô địch bóng đá Đông Nam Á.

29/12/2008 00:00:00

Có mặt tại Hà Nội để dự cuộc họp Hội đồng LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) lần thứ 7 và theo dõi trận chung kết lượt về gữa ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan, TTK danh dự AFF Dato’ Paul Mony đã dành thời gian trả lời phỏng vấn nhanh của website VFF về một số vấn đề xoay quanh giải vô địch bóng đá Đông Nam Á.

Ông Dato’ Paul Mony

 

PV- Là người luôn đồng hành cùng những thăng trầm của bóng đá Đông Nam Á, cho đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về giải bóng đá vô địch Đông Nam Á kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1996?

Ông Dato’ Paul Mony: Điều dễ nhận thấy nhất là qua 8 lần được tổ chức, các đội tuyển đã thể hiện sự tiến bộ rõ nét về trình độ chuyên môn, đặc biệt là đội tuyển Việt Nam. Các bạn đã lọt vào đến tứ kết Asian Cup 2007 và bây giờ là trận chung kết AFF Suzuki Cup 2008. Một thành tích đáng tự hào và cũng trở thành sự khích lệ to lớn đối với chúng tôi khi được chứng kiến sự vươn lên của bóng đá khu vực. Ngày 1/2/2009 tới, chúng tôi sẽ có cuộc họp để tổng kết lại chặng đường đã qua, rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch phát triển mới nhằm nâng cao hơn nữa tầm vóc của giải đấu này.

 

– Ông có thể cho biết những lợi ích mang lại của thể thức thi đấu theo 2 lượt sân nhà- sân khách của bán kết và chung kết AFF Cup?

+ Đây là lần thứ ba vòng bán kết và chung kết AFF Cup được tổ chức theo thể thức sân nhà-sân khách. Mục đích chính của chúng tôi khi quyết định tổ chức bán kết và chung kết AFF Cup theo thể thức này là nhằm tăng cơ hội được thi đấu tại những trận đỉnh cao cho các đội tuyển, đồng thời giúp khán giả hâm mộ có thêm điều kiện được cổ vũ trực tiếp cho đội tuyển của mình. Cũng từ thể thức thi đấu này, các Liên đoàn thành viên đã được hưởng nhiều lợi ích khi được AFF trao toàn bộ nguồn thu nhập từ bán vé các trận đấu sân nhà, đồng thời qua đó cũng thể hiện được khả năng tổ chức của mình. Về khía cạnh này, Việt Nam đã làm rất tốt.

 

Tôi xin nhấn mạnh rằng, kể từ áp dụng thể thức thi đấu này, lượng khán giả xem AFF Cup tăng lên với con số kỷ lục. Điều này đã khẳng định tính đúng đắn trong quyết định của AFF.

 

– Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc không áp dụng luật lợi thế bàn thắng sân khách cũng như việc tổ chức trận chung kết theo 2 lượt trận là bất hợp lý, ông nghĩ sao về điều này?

+ Rất đơn giản, đấu trường Đông Nam Á không thể so sánh được với các đầu trường đỉnh cao như UEFA Champions League chẳng hạn. Ở đó, các đội bóng thi đấu với trình độ rất cao và chỉ một bàn thắng cũng tạo nên khác biệt. Còn tại một nền bóng đá còn yếu như Đông Nam Á, chúng tôi quyết định không áp dụng luật bàn thắng sân nhà-sân khách và tổ chức trận chung kết theo 2 lượt đi và về là nhằm chia đều cơ hội cho các đội tuyển, kích thích nhu cầu đến sân của khán giả hâm mộ. Nếu tổ chức chỉ một trận chung kết thì trong trường hợp vắng mặt đội chủ nhà hoặc 2 đội thi đấu tại một sân trung lập, ai sẽ đảm bảo các khán đài sẽ được lấp đầy?

 

– AFF Suzuki Cup 2008 đã gặp phải sự cố khi bảng B tại Thái Lan phải chuyển địa điểm thi đấu từ Bangkok sang Phuket do sân bay quốc tế Suvarnabhumi bị phong toả, ông có thể giải thích lý do AFF đưa ra quyết định này thay vì có thể chuyển hẳn bảng B sang 1 quốc gia khác?

+ Đây là một sự cố nằm ngoài mong muốn của tất cả mọi người. Trước sự việc ngày, chúng tôi đã nhóm họp và tham khảo ý kiến của các Liên đoàn thành viên. Trên tinh thần hợp tác, đoàn kết và cùng nhau chia sẻ khó khăn, tất cả đều thông cảm và ủng hộ giải pháp chuyển địa điểm thi đấu từ Bangkok về Phuket. Tất nhiên, các đội bóng sẽ gặp nhiều thiệt thòi hơn khi không được thi đấu tại Bangkok nhưng sau những gì đã diễn ra tại Phuket, chúng tôi cảm thất thực sự hài lòng vì đã cùng chung sức khắc phục thành công trở ngại này. Mặc dù vậy, trong cuộc họp tới đây, chúng tôi cũng sẽ nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này để rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức tiếp theo.

 

– Xin cảm ơn ông!