Trưởng đoàn U19 Việt Nam Dương Vũ Lâm: "Brazil, Đức và Argentina mới là ứng viên vô địch hàng đầu"

Sau vòng bảng, vị phó chủ tịch LĐBĐ Đông Nam Á, đồng thời là trưởng đoàn đội U19 Việt Nam Dương Vũ Lâm, đánh giá cao Costa Rica. Tuy nhiên, theo ông Lâm, chỉ có những tên tuổi lớn cỡ Brazil, Argentina, hay Đức mới là ứng viên nặng ký cho ngôi vô địch…

27/06/2014 14:43:25

Sau vòng đấu bảng, đâu là đội bóng gây ấn tượng đặc biệt đối với ông?

ông Dương Vũ Lâm: Costa Rica! Trước giờ bóng lăn, nhiều người xem họ là đội bóng “lót đường” ở bảng D – bảng tử thần, gồm có Anh, Ý, Uruguay và họ. Nhưng cách tiếp cận các trận đấu cho thấy họ không hề ngán các ông lớn. Thậm chí, trong trận đấu với Ý, họ còn đá trên chân đội 4 lần vô địch thế giới. Đấy là sự chuẩn bị rất nghiêm túc của Costa Rica trước khi vào giải, về mặt thể lực, lối chơi, cũng như việc nghiên cứu đối thủ. 

Dù vậy, theo tôi thì bất ngờ về Costa Rica sẽ sớm chấm dứt, bởi các đội bóng lớn giờ đã hiểu họ. Vòng knock-out cũng khác vòng ngoài. Các ông lớn nếu gặp Costa Rica bây giờ sẽ đá dè dặt hơn, không đá thoáng như vòng bảng, vì giai đoạn loại trực tiếp là giai đoạn mà các đội bóng lớn cũng không cho phép mình sẩy chân.

Theo ông Dương Vũ Lâm (trái) ngôi vô địch khó thoát khỏi tay các đại gia 

Còn đâu là những ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch?

3 ứng cử viên lớn nhất là Brazil, Đức và Argentina. Họ có lực lượng mạnh, có những ngôi sao sáng trong đội hình. Ngoài ra, yếu tố truyền thống cũng rất quan trọng. Có thể ở vòng ngoài họ đá không thật bùng nổ, nhưng đấy cũng có thể là cách để họ nghĩ đến chiến lược đường dài.

Nhiều ông lớn của bóng đá châu Âu rơi rụng sau vòng bảng, theo ông thì nguyên nhân vì đâu? Thời tiết có phải là trở ngại lớn với các đội bóng châu Âu?

Chênh lệch múi giờ, khác biệt về khí hậu và độ cao của một số sân bóng so với mựt nước biển đúng là tạo nên khó khăn cho các đội bóng châu Âu trong việc thích nghi. Nhưng đấy chỉ là một phần, còn phần chính trong thất bại vẫn là nguyên nhân từ chuyên môn.

Tây Ban Nha và Ý sử dụng dàn cầu thủ có quá nhiều danh hiệu, đặc biệt là Tây Ban Nha, nên khát khao giảm đi. Trường hợp của Tây Ban Nha khá giống với đội Pháp năm 2002, cầu thủ hầu như không còn động lực, trong khi lối chơi đã bị đối phương nghiên cứu kỹ. Riêng đội Anh thật ra không có nhiều cầu thủ giỏi, nhất là không có cầu thủ trẻ tốt. Những vị trí quan trọng nhất ở các CLB bóng đá Anh đều là cầu thủ nước ngoài phản ánh điều đó. Thế nên, việc Anh bị loại sau vòng bảng không phải là bất ngờ.

Về vai trò của các cá nhân, đâu là những ngôi sao gây ấn tượng sau vòng bảng?

Messi (Argentina) và Neymar (Brazil). Ấn tượng mà họ để lại ở chỗ họ là linh hồn của đội bóng, ghi những bàn thắng quan trọng, tạo ra bước ngoặt cho đội chủ nhà. Trong khi Ronaldo quá mờ nhạt, vì đặc điểm của Ronaldo ở Real Madrid khác với Ronaldo trong đội Bồ Đào Nha. Ở Real, Ronaldo được đá bên cạnh những đồng đội rất giỏi, trong khi ở Bồ Đào Nha anh không thể tỏa sáng giữa một tập thể trung bình.

Bóng đá châu Á thất bại, trong khi châu Phi cũng không tạo ấn tượng rõ nét. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Đúng là vẫn còn khoảng cách giữa bóng đá châu Á, châu Phi với châu Âu và Nam Mỹ. Đầu tiên, trình độ giải quốc nội của các quốc gia đến từ 2 châu lục này (nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc) có tiến bộ, những vẫn còn khoảng cách với các giải hàng đầu thế giới. Cũng không phải đội nào trong số họ cũng sở hữu nhiều cầu thủ đá bóng ở đẳng cấp hàng đầu. Rồi về vấn đề tố chất (châu Á) cũng như khả năng tổ chức (châu Phi) nữa. Thế nên, dù có đội chuẩn bị khá chu đáo như Nhật, nhưng họ vẫn thất bại.

Trong số những cặp đấu thuộc vòng 2, ông thích cặp đấu nào nhất?

Hà Lan gặp Mexico. Đấy là trận đấu giữa 2 trường phái bóng đá đối lập, một bên đại diện cho châu Âu và bên kia đại diện cho Mỹ la-tinh. Một bên kỷ luật chiến thuật cao và bên còn lại đá bóng rất ngẫu hứng, dựa trên trình độ kỹ thuật tốt.

Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn: Dân Trí