Trần Văn Học: 6 trận “bay” thẳng lên ĐTQG

Nếu không lầm, Trần Văn Học là cầu thủ người Quảng Trị duy nhất được vinh dự khoác áo ĐTQG. Chưa biết lên ĐTQG có tồn tại và khẳng định được được hay không, nhưng với người Quảng Trị là chuyện đặc biệt khi nghe tin “anh chàng Học” đá bóng giỏi trong Đà Nẵng. Được lên ĐTQG, đường đến thành công của Học là cả một câu chuyện dài.

 

1. Sân vận động Đông Hà đang trong quá trình xây dựng bề bộn, nhưng mặt cỏ thì tuyệt đẹp bởi được làm theo công nghệ như các sân Chi Lăng, Thiên Trường, Tự Do. Chẳng thế, QK4 thường hay chọn sân này tập huấn. HLV trưởng Vũ Quang Bảo thích lắm, nhất là sự yên tĩnh cho việc tập trung chuyên môn.

 

Nhưng cái sân dù đẹp cỡ mấy, không có đội bóng đỉnh cao thì chẳng khác cô gái nhà giàu mà chẳng ai để ý đến. Thành tích đáng kể nhất của bóng đá Quảng Trị là tấm HCĐ của lứa U11 năm 2003. Có điều, lần vui hiếm hoi ấy trôi qua nhanh khi bị BTC tước mất danh hiệu vì gian lận tuổi.

 

Đấy cũng là năm chú nhóc Trần Văn Học 16 tuổi, nhân dịp nghỉ hè khăn gói quả mướp vào thăm anh ruột đang học trung cấp thương mại ở Đà Nẵng. Một buổi sáng, cậu ta lân la đến gặp HLV Bùi Thông Tân, xin được thử chân cẳng. Đấy cũng là lúc lứa Thanh Hưng, Hoàng Quãng, Văn Mẹo, Cao Cường…đã tập trung được 2 năm. Ai ngờ, Văn Học trúng tuyển được đặc cách vào tập cùng đội. Một chân trời mới mở ra. Với Học chẳng khác gì được vé độc đắc bởi giấc mơ đá bóng và đổi đời từ bóng đá đã hiện ra trước mắt, chứ không phải chập chờn trong giấc ngủ nữa.

 

Dù Văn Học không muốn nhắc lại những ký ức buổi đầu chân ướt chân ráo vào Đà Nẵng, nhưng thực tế là hai anh em cậu sau giờ học tập, đá bóng đã phải bươn chải rất nhiều công việc khác nhau để nuôi dưỡng cái nghiệp đã chọn. HLV Bùi Thông Tân vẫn nhắc lại cậu học trò cũ với sự nể phục: “Tính tự lập, ý chí vươn lên hiếm người được như Học”.

Văn Học trong màu áo SHB Đà Nẵng.

 

2. Học không có ai nâng đỡ, không có điều kiện như nhiều đồng đội cùng lứa khi sau những buổi chiều đá bóng xong có phụ huynh đến tận nơi đón về, quây quần cùng gia đình.

 

Thực tình, trước mùa giải 2009, anh chàng gốc Quảng Trị không gây được sự chú ý nào đáng kể ngay với người Đà Nẵng. Đá giải U21 trong Quy Nhơn, Đà Nẵng vô địch người ta chỉ nhắc đến Nguyên Sa, Cao Cường, Hữu Hùng, Thanh Hưng, Hoàng Quãng, Văn Mẹo, Hùng Sơn. Còn anh chàng hậu vệ trái cao cỡ 1,65 m và nhỏ choắt Văn Học thì lẫn trong cờ hoa. Thực tình giải ấy, nếu Học để lại dấu ấn đậm nét hẳn câu đã có tên trong thành phần U21 Việt Nam ra Huế đá giải quốc tế.

 

Nhưng ít ra chiến tích chung của lứa U21 đã tạo cho Học cùng đồng đội củng cố thêm cái suất được có tên ở đội 1. Có nghĩa, sẽ sống được bằng tiền lương và gieo hy vọng có ngày đá chính. Chỉ cần có tên thôi, không đá đấm gì thu nhập cũng hơn chục triệu đồng/tháng. Thế nên, cầu thủ SHB.ĐN mới có câu cửa miệng: “Loạng quạng anh Đức cho xuống đội trẻ chết đói chừ!”. Học lận đận quá nhiều rồi. Năm 2007 được đưa lên đội 1, nhưng lượt về bị đẩy sang QK5 đá hạng Nhất. Năm ngoái, đang hy vọng ra T&T.HN được đá chính nhưng rốt cuộc phải mòn mỏi trên ghế dự bị cho Lê Văn Thành (em trai tiền vệ Lê Hồng Minh, người giới thiệu Văn Học cho bầu Hiển).

 

3. Hai năm qua, vị trí hậu vệ trái của SHB.ĐN Quốc Thanh là số 1. Đào Thế Phong từ Hải Phòng vào cũng phải dự bị cho Thanh. Nếu Hữu Hùng không chấn thương nặng ở VCK U21 thì Học chắc chắn là sự lựa chọn thứ 3.

 

Vào giải, 3 trận gặp XM.HP (sân nhà), T&T.HN, HA.GL (khách) Học ngồi ngoài. Nhưng, cậu đã có biểu hiện sự “đe doạ” vị trí Quốc Thanh bằng trận đá chính gặp Đồng Tháp ở Cúp QG (trước khi SHB.ĐN lên Pleiku đá vòng 3). Học đá trọn 90 phút, gây ấn tượng mạnh với sự láu lỉnh, quyết chiến, không ngán va chạm. Vòng 4 tiếp TP.HCM trên sân nhà, hình ảnh đó được tái hiện khi Học được Huỳnh Đức tung vào sân thay Quốc Thanh ở phút 60. Đấy là thời khắc quan trọng trong sự nghiệp cầu thủ của anh chàng Quảng Trị, bởi sau trận đấu đó Văn Học chính thức “đảo chính” Quốc Thanh.

 

Văn Học giải thích mình bằng giọng trọ trẹ rất…thơ: “Thực ra, em yếu cả tinh thần và thể hình. Nhưng vào sân, nếu thế thì khó tồn tại. Em phải bù lại bằng lối chơi khôn khéo, quyết liệt và kỷ luật”. Đúng là Học đá rất quái, thực sự láu lỉnh, kiểu Phúc “gà”, Văn Mẹo. Chỉ có những người từng trải ngoài đời mới có những phẩm chất “dị nhân” như thế. Dù nhỏ con, nhưng Học được giao nhiệm vụ đeo chết ai thì rất khó chịu. Hôm đá Bình Dương, cỡ Vũ Phong, Quang Thanh không thể qua nổi Văn Học trong nhiều lần chồng biên. Những chân sút ngoại như Lazaro, Timothy, Kesley, Philani, Tshamala… thấy hậu vệ trái Đà Nẵng nhỏ con, tưởng ngon ăn khoét vào cánh của Học, đâu dễ qua mặt. Hay ở chỗ những pha va chạm Học đều không quá lép vì cậu cài người rất khá. Đá tốt cả hai chân, những cú tạt bóng của Học ngày càng chuẩn xác và… thực dụng khiến Huỳnh Đức vui về cậu học trò nhỏ ra mặt.

 

Cho đến nay, khi đọc cái tên Trần Văn Học hẳn nhiều người còn không biết mặt mũi anh chàng này ngang dọc ra sao. Thế đấy, chỉ 6 trận đá chính trong màu áo SHB.ĐN đã đưa Văn Học bay thẳng lên ĐTQG. Đấy là điều không tưởng bởi ngay cả đàn anh Quang Cường phải 27 tuổi mới có vinh dự ấy. “Anh đừng có mà đùa em. Em không tin đâu”, đấy là phản ứng của Văn Học khi người viết báo tin cho cậu.

 

Ở SHB.ĐN hiện nay, Học đã chắc suất hơn cả Thanh Hưng, Cao Cường, Văn Mẹo, Hùng Sơn, Nguyên Sa bởi vị trí cậu đá thuộc dạng “độc”. Trên ĐTQG cũng vậy, hậu vệ trái luôn là vị trí nhạy cảm. Đấy là lý do mà Văn Học bảo vẫn tin có cửa trụ được, để mà cắn răng phấn đấu.

 

Nói chung, Văn Học phải hoàn thiện mình nhiều lắm nếu muốn có được chỗ đứng ở ĐTQG. Đời Học đã gặp thử thách nhiều rồi, nếu không thành “thân” thì phải cố gắng thành “nhân” trong chuyến đi quan trọng nhất cuộc đời của mình. Ít ra, chuyến đi Hà Nội sắp tới sẽ đánh bóng cho thương hiệu của Học.

 

Nguồn: Theo TTVH

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA