Thị trường chuyển nhượng trước mùa giải 2014: Tiền ít vẫn có “Dream Team”

Các CLB Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn khó khăn về tài chính nên dòng tiền đổ vào TTCN tiếp tục ở trong tình trạng “nhỏ giọt” giống như cách đây 1 năm. Nhưng khác với kỳ chuyển nhượng trước mùa giải 2013, các CLB hiện đang dễ thở hơn khi chiêu mộ nhân sự do nhận được sự “hợp tác” của giới cầu thủ.

Quang Thanh (phải) không nhận được hơn con số 1 tỷ đồng khi ký hợp đồng với các CLB thời gian qua
Quang Thanh (phải) không nhận được hơn con số 1 tỷ đồng khi ký hợp đồng với các CLB thời gian qua

KHÔNG “SAO” NÀO CÓ GIÁ HƠN 1 TỶ ĐỒNG

Sau hơn 1 năm trực tiếp chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính ở khắp các CLB, giới cầu thủ Việt Nam không còn tư duy kiểu “mình là ngôi sao nên chẳng lo thất nghiệp”. Bây giờ, mỗi người đều tự hạ thấp các đòi hỏi về tài chính khi đàm phán với các CLB. Trong thời gian qua, hàng loạt những gương mặt “sao số” hồ hởi cập bến mới dù số tiền “lót tay” nhận được chẳng thấm vào đâu so với thời họ kiếm vài tỷ đồng cho 1 năm hợp đồng. 

Ví dụ tiêu biểu là tiền đạo Việt Thắng – người từng “khoe” kiếm được “khoảng 16 tỷ đồng” sau những lần chuyển nhượng thời anh ở đỉnh cao phong độ. Còn lúc này, chân sút từng là công thần của ĐT Việt Nam ở  AFF Suzuki Cup 2008 vừa được ĐT.LA “tậu” từ B.BD với chi phí chỉ khoảng 700 triệu đồng.  

Theo tìm hiểu, không ngôi sao nội nào nhận được hơn con số 1 tỷ đồng khi đặt bút ký hợp đồng với 1 đội bóng trong thời gian qua. Người duy nhất chạm tới con số kể trên là tiền đạo Công Vinh khi anh trở lại SLNA. Được biết, dù đang là “báu vật” của Consadole Sapporo nhưng khi hết hợp đồng cho mượn ở Nhật và tái xuất tại  V.League 2014, Công Vinh chỉ nhận mức lương chưa tới 2.000 USD/tháng, tức là chỉ khoảng 1/4 mức lương anh nhận ở Nhật Bản.

Không hề khó để chỉ ra những thương vụ “bom tấn” – giá phải chăng khác. Đó là trung vệ Phước Tứ (về QNK.QN, “lót tay” 990 triệu đồng/năm, lương 30 triệu đồng/tháng), tiền vệ Tài Em (về ĐT.LA, “lót tay” 600 triệu đồng/năm, lương 30 triệu đồng/tháng)…

NHÌN ĐÂU CŨNG CÓ “DREAM TEAM”

Điểm chung của những thương vụ tậu ngôi sao tên tuổi trên TTCN trước mùa giải 2014 chính là thái độ hợp tác trong đàm phán của cả cầu thủ lẫn CLB. Việt Thắng, Tài Em về ĐT.LA để cống hiến “trả ơn” CLB này, trong khi  Công Vinh cũng về  SLNA để đóng góp cho đội bóng quê hương. 

Nhiều gương mặt tiếng tăm khác còn sẵn sàng cho CLB “thử việc chán thì thôi” như tiền vệ Vũ Phong (về SHB.ĐN), hậu vệ Quang Thanh (về ĐT.LA)… để chứng tỏ rằng mình chưa hết thời và sẽ tiếp tục là những ngôi sao, cống hiến cho CLB mới tại V.League 2014. Trong khi Vũ Phong, Quang Thanh đã được ký hợp đồng thì vẫn còn nhiều ngôi sao phải thử việc chẳng khác thời còn là cầu thủ trẻ như hậu vệ Việt Cường (tại SHB.ĐN).

Mức phí chuyển nhượng thấp của các ngôi sao danh tiếng khiến mặt bằng giá chuyển nhượng của giới cầu thủ nội trở nên dễ chịu với các CLB. Vì thế, rất nhiều đội hình “Dream Team” đang được xây dựng. Các CLB có tài chính tốt như Thanh Hóa, B.BD thoải mái sắm “sao” đã đành, ngay cả cái tên phải vật lộn cuối BXH mùa trước như ĐT.LA, hay những tân binh như QNK.QN, HV.AG cũng tấp nập hoàn tất các hợp đồng chất lượng.

“Phản ứng dây chuyền” đã xảy ra trên TTCN khiến chất lượng đội hình mỗi CLB được nâng lên rõ rệt mà không làm hầu bao của họ vơi đi quá nhiều. V.League 2014 vì thế sẽ hứa hẹn là mùa giải rất quyết liệt nhờ những màn chạm trán của các “Dream Team”. Rõ ràng, một cuộc khủng hoảng cũng có cả mặt xấu lẫn mặt tốt!

 

Nguồn: Báo Bóng Đá

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA