Rợp cờ hoa đón các cầu thủ miền Bắc – Bài 1: Những người lính trên mặt trận thể thao

Họ – các cầu thủ Tổng cục Đường sắt (TCĐS) khi ấy được giao nhiệm vụ chính trị quan trọng là mang bóng đá đến với đồng bào miền Nam. Rất nhiều người đã khóc trong trận đầu tiên của bóng đá hai miền Nam, Bắc…

Họ – các cầu thủ Tổng cục Đường sắt (TCĐS) khi ấy được giao nhiệm vụ chính trị quan trọng là mang bóng đá đến với đồng bào miền Nam. Rất nhiều người đã khóc trong trận đầu tiên của bóng đá hai miền Nam, Bắc…

 

Phó Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Duy Long là HLV trưởng đội TCĐS thời bấy giờ. Đội bóng có vinh dự nhận nhiệm vụ vào Nam đá giao hữu với các đội bóng miền Nam. Ông Long còn nhớ như in chuyến du đấu ấy có một ý nghĩa lịch sử lớn trong suốt chiều dài của lịch sử bóng đá Việt Nam.

 

Đó là một ngày vào tháng 6-1976, cả đội ngồi trên chiếc IL16 từ Hà Nội bay vào Sài Gòn. Các anh em cầu thủ cứ nhốn lên mong nhanh đến để được gặp người hâm mộ miền Nam ở Sài Gòn.

Khi máy bay vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, hàng ngàn người đã đứng chật phòng chờ. Phía ngoài cờ hoa ngợp rừng vẫy chào. “Trên con đường từ sân bay về trung tâm Sài Gòn hai bên đường hàng ngàn người tay cầm hoa, cầm cờ đứng vẫy chào chúng tôi. Những tình cảm chân thật và bất ngờ vô cùng của người dân miền Nam dành cho chúng tôi, cho những người lính trên mặt trận thể thao khiến anh em rưng rưng nước mắt…” – ông Long kể lại hình ảnh mà đời HLV ông không bao giờ quên.

 

Chuyến vào Nam ấy đội TCĐS đá tất cả năm trận. HLV Trần Duy Long còn nhớ như in buổi chiều đội đến sân Thống Nhất đá trận đầu tiên với Cảng Sài Gòn. Trận đấu diễn ra lúc 17 giờ nhưng 15 giờ xe chở đội bóng đã đến. Vất vả cả giờ đồng hồ nhờ bộ đội và công an dọn đường xe mới tiến vào được sân Thống Nhất trước rừng người hâm mộ, trên tay cờ, hoa vẫy chào. Lượng khán giả đông đến độ ngồi tràn xuống đường chạy gần sát lằn vôi sân. Hàng ngàn người khác không có vé vào sân phải leo tường. Nhiều người còn trèo lên cả cây cao bên ngoài sân để quan sát. Trên các nhà cao tầng quanh sân Thống Nhất cũng chật cứng người đứng xem.

 

Thành phần đội TCĐS vào Nam thi đấu trận đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước. Người đứng bìa trái là HLV Trần Duy Long, người ngồi bìa trái là cầu thủ Lê Thụy Hải. Đứng thứ sáu từ trái sang là Mai Đức Chung. Ảnh: TƯ LIỆU


Ông Mai Đức Chung khi ấy là cầu thủ ra sân trong thành phần chính nhớ lại: “Lúc ấy nhiều người bảo đội chúng tôi không thể thắng nổi Cảng Sài Gòn hay Hải quan đâu vì đó là những đội bóng tập trung nhiều danh thủ hay nhất của bóng đá miền Nam mà đội chúng tôi thì còn quá trẻ. Trận ấy chúng tôi thắng Cảng Sài Gòn 2-1. Hồi ấy tôi còn nhớ đội Cảng Sài Gòn có các anh như Tam Lang, Thà, Tư Lê, Ngôn, Cù Sinh, Cù Hè, Lưu Kim Hoàng, Lê Đình Thăng…”.

 

Với vai trò HLV trưởng đi thực thi một sứ mệnh đặc biệt, ông Trần Duy Long cho biết với chúng tôi chuyến đi thi đấu ấy quan trọng không phải là thắng thua mà đó là sứ mệnh và những tình cảm của người miền Nam dành cho chúng tôi vượt xa cả những trận bóng.

 

Khi trận đấu bắt đầu cùng lúc những tràng pháo tay vang lên, hai bên thi nhau cống hiến những pha bóng đẹp nhưng rất quyết liệt. Hết trận người hâm mộ kéo đến ôm hôn các cầu thủ TCĐS như ôm những người thân trong một gia đình sau nhiều năm xa cách.

 

Ông Long nhớ lại: “Thực chất hồi đấy ít ai quan tâm chuyện thắng thua lắm vì ý nghĩa trận đấu vượt lên tất cả. Tôi nhớ các anh cầu thủ trong Nam hồi ấy rất nho nhã, ít va chạm, đá phối hợp nhỏ, giàu chất kỹ thuật. Còn chúng tôi thì quen với lối đá thể lực giàu sức mạnh cùng tính đồng đội cao bởi sự dẫn dắt của đội trưởng Phạm Kỳ Thụy… Nhiều người đã khóc không phải vì thắng thua mà vì họ quá hạnh phúc khi bóng lăn ở Sài Gòn giữa hai đội bóng đầu tiên của hai miền”.

Trước khi đội TCĐS vào Nam thực hiện chuyến du đấu lịch sử, đồng chí Tổng Cục Trưởng TCĐS Hà Đăng Ấn cùng đồng chí Trưởng ban TDTT TCĐS Tạ Đình Đề làm công tác tư tưởng với toàn đội: “Đây là một chuyến thi đấu đặc biệt. Thi đấu bóng đá nhưng làm công tác chính trị. Do đó không để một sai lầm nào về tư tưởng và chính trị cũng như chuyên môn…”.