Phóng viên trên "chiến trường" World Cup

Vào những ngày này, giới phóng viên quốc tế đã đổ về nước Đức để sẵn sàng lao vào ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Người thì túi tiền rủng rỉnh, kẻ phải tằn tiện từng đồng, họ góp phần tạo nên thế giới muôn màu muôn vẻ…

03/06/2006 00:00:00

Vào những ngày này, giới phóng viên quốc tế đã đổ về nước Đức để sẵn sàng lao vào ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Người thì túi tiền rủng rỉnh, kẻ phải tằn tiện từng đồng, họ góp phần tạo nên thế giới muôn màu muôn vẻ của World Cup 2006.


Cặp phóng viên Argentina chịu trách nhiệm đưa tin về đội nhà trong thời gian diễn ra World Cup 2006

Giàu và nghèo

Xe hơi riêng, khách sạn xịn, đồ nghề đắt tiền và chỉ phụ trách một đội bóng duy nhất, đó là nét đặc trưng của cánh phóng viên thuộc các hãng tin, tờ báo lớn của quốc tế. Chẳng hạn như phóng viên Stephen Wade của AP. Ông là phóng viên chuyên trách thể thao đóng tại London, Anh. Nhiệm vụ của ông là theo sát hành trình của đội tuyển Argentina tại Đức. Phối hợp tác chiến với ông là phóng viên ảnh kỳ cựu Christof Stache. Tại World Cup 2006, các hãng tin lớn như AP thường bố trí một Scặp bài trùng⬝ kiểu như Stache – Wade theo sát một đội bóng. Kiểu “2 kèm 1” này chắc chắn sẽ giúp họ quan sát được nhất cử nhất động của mục tiêu.

Tuy nhiên, không phải tờ báo, hãng tin nào cũng triển khai chiến thuật “pressing toàn sân” kiểu đó. Khi đến sân Frankfurt hôm qua, tôi đã gặp bộ ba phóng viên Báo Jawa Pos của Indonesia. Là dân Đông Nam Á, họ bắt chuyện khá cởi mở. “Ồ, anh có thẻ FIFA à?”, phóng viên Tatang Mahardika hỏi. “Có chứ, tôi đăng ký từ năm ngoái cơ”, tôi nói. “Bọn tôi đi ba người, nhưng chỉ một anh có thẻ”, Mahardika nhăn nhó rồi chỉ sang chàng phóng viên bên cạnh, “Tôi và cậu này chạy vòng ngoài”. Dưới cái lạnh như cắt da, ba anh chàng đến từ Indonesia run cầm cập. Vì túi tiền ít ỏi, ba chàng đã thuê lại một phòng trọ của cậu sinh viên đồng hương tại Bochum. “Tiền là một vấn đề lớn. Chúng tôi phải tự nấu ăn đấy”, Mahardika nói và anh cho biết việc tự nấu ăn vừa giúp họ tiết kiệm tiền lại vừa có món phù hợp với dân đạo Hồi.

Ba người đến từ Indonesia này thuộc dạng “phóng viên hổ lốn”, tức là bao quát mọi chuyện, từ trong ra ngoài sân cỏ. Tuy nhiên, về mặt này thì có lẽ họ vẫn còn thua xa phóng viên Việt Nam. Mỗi một phóng viên Việt Nam thường làm tất cả mọi việc, từ viết bài đến chụp hình, từ phóng sự đường phố đến diễn biến trên sân. Khi tôi mô tả nhiệm vụ của mình tại World Cup cho đồng nghiệp ở hãng tin DPA (Đức) nghe, anh ta lắc đầu: “Hổng hiểu!”.

Có số và không số

Họ đã góp phần tạo nên thế giới muôn màu của World Cup 2006

Tại World Cup 2006, cùng với những phóng viên được cấp thẻ chính thức, hàng loạt phóng viên không có thẻ cũng đến để theo dõi những sự kiện bên lề. Nếu chịu khó tìm hiểu và “xin xỏ”, họ cũng có thể tham gia một số hoạt động báo chí tại nơi đóng quân của các đội tuyển. Tôi đã gặp một nhóm phóng viên Đài truyền hình Arirang (Hàn Quốc) tại Frankfurt, họ không có thẻ nên chủ yếu làm phóng sự bên lề. Đạo diễn Park Jeong-woo cho biết đài này tổ chức nhiều nhóm phóng viên. Nhóm hoạt động với thẻ hành nghề chính thức sẽ theo dõi các sự kiện mang tính chuyên môn. Riêng nhóm vòng ngoài của Park sẽ theo dõi tình hình cổ động viên, không khí bóng đá và những câu chuyện bên lề.

Ban tổ chức World Cup 2006 có một quy định rất chặt chẽ về việc cấp thẻ. Mỗi người mang thẻ báo chí có một số quyền lợi nhất định và không phải ai cũng như ai. Quyền lợi ở đây được mã hóa bằng từng con số 1, 2, 3, 4… Mỗi con số tương ứng với mỗi sự kiện, khu vực mà người đeo thẻ được tham gia hoặc tiếp cận. Theo cách này, phóng viên có càng nhiều số thì phạm vi hoạt động càng rộng. Ngoài thẻ chính của FIFA, tại World Cup 2006 còn có rất nhiều thẻ phụ, kiểu như giấy phép con bên ta vậy. Muốn tham gia một cuộc họp báo, đón tiếp một đội tuyển hoặc vào căn cứ của đội bóng nào đó, bắt buộc các phóng viên phải có thẻ phụ. Đó là loại thẻ chỉ sử dụng trong ngày và chỉ phát huy tác dụng tại một nơi hoặc một sự kiện nhất định.

Quy định đối với phóng viên ảnh cũng chặt chẽ không kém. Tại World Cup 2006, các phóng viên ảnh có thẻ chính thức sẽ phải đăng ký chỗ đứng xung quanh đường biên. Sau đó, mỗi người sẽ được cấp một vị trí để từ đó họ sẽ chụp những bức ảnh gửi đến người hâm mộ toàn cầu. Chỉ đứng ở đó thôi chứ không được chạy lung tung nhé!

(Theo TNO)