Phó đoàn ĐT bóng đá Nam QG, Nguyễn Lân Trung: Tôi cố gắng làm một chiếc cầu nối hữu dụng!

Làng bóng đá Việt Nam gọi vui ông Trung là “người hay nói và nói hay nhất ở LĐBĐVN”. Cũng không có gì lạ, bởi ông là một tiến sĩ ngôn ngữ học. Nhưng vai trò phó đoàn bóng đá quốc gia vốn không chỉ trông vào tài ăn nói của vị trưởng Ban truyền truyền thông Liên đoàn bóng đá Việt Nam mà thôi.

Làng bóng đá Việt Nam gọi vui ông Trung là “người hay nói và nói hay nhất ở LĐBĐVN”. Cũng không có gì lạ, bởi ông là một tiến sĩ ngôn ngữ học. Nhưng vai trò phó đoàn bóng đá quốc gia vốn không chỉ trông vào tài ăn nói của vị trưởng Ban truyền truyền thông Liên đoàn bóng đá Việt Nam mà thôi.

 

– Chức danh Phó đoàn của ông bao gồm những nhiệm vụ gì/

+ Có thể hình dung tôi đóng vai trò một cầu nối: giữa lãnh đạo LĐBĐVN với BHL đội tuyển , giữa cầu thủ và BHL và giữa đội tuyển và cánh phóng viên báo chí. Cụ thể hơn, tôi giúp lãnh đạo Liên đoàn nắm bắt, động viên tinh thần HLV Trưởng Calisto, giúp ông Calisto và BHL gần gũi động viên cầu thủ, giúp đội tuyển giải quyết những mối quan hệ cần thiết liên quan đến công tác truyền thông, giảm thiểu những bất đồng, hiểu lầm không đáng có….

Trưởng Ban Truyền thông VFF kiêm Phó Trưởng Đoàn bóng đá nam QG Nguyễn Lân Trung

– Từng đảm nhận nhiệm vụ này hồi Việt Nam đăng cai VCK Asian Cup 2007, theo ông, công việc hiện tại có “căng” hơn?

+ Xét về quy mô, Asian Cup là giải đấu châu lục đương nhiên là hơn AFF Cup. Cũng chính vì vậy, khi ấy chúng ta chủ yếu đặt hi vọng vào thành công trong công tác tổ chức hơn là chuyên môn vì phải gặp những đối thủ vượt tầm. Còn bây giờ thì khác, AFF  Suzuki Cup là mục tiêu thiết thực buộc phải nhắm đến, nhưng cũng hoàn toàn không dễ dàng chút nào. Chúng ta đã 10 năm không thắng Thái Lan trong khuôn khổ các giải chính thức, đã không thể giành hơn 1tấm HCB khu vực ở cấp độ ĐTQG và U23 suốt kể từ khi tái hoà nhập với bóng đá quốc tế… Sự khát khao của người hâm mộ rất lớn, vì vậy mà trở thành sức ép ghê gớm lên mọi thành viên trong đội tuyển, hơn hẳn so với hồi Asian Cup. Chính vì vậy mà lãnh đạo LĐBĐVN xác định: công tác tư tưởng là cực kỳ quan trọng. Tôi được các anh ấy tin tưởng giao nhiệm vụ phải nỗ lực góp phần giúp giải toả các thành viên trong ĐTQG giảm bớt sức ép để công tác chuyên môn đạt hiệu quả tốt.

– Người đầu tiên ông cần hỗ trợ về mặt tinh thần có lẽ chính là HLV Calisto?

+ Thực ra, về mặt quan điểm thì tôi chỉ là người thay mặt lãnh đạo Liên đoàn tiếp xúc với HLV Calisto một cách thường xuyên để trò chuyện, tìm hiểu tâm tư của ông ấy. Tôi và Calisto vốn đã là bạn của nhau suốt 7 năm qua. Ông ấy cũng thích nói chuyện bằng tiếng Pháp với tôi và đặc biệt là chúng tôi luôn tin tưởng, tôn trọng nhau trong giao tiếp… Đúng là trong thời gian qua, ông ấy chịu rất nhiều áp lực về tinh thần, nhưng mọi thứ đã và đang tốt lên.

– Còn các cầu thủ, trạng thái tâm lý của họ hiện nay ra sao?

+ Mọi người vẫn thường thấy tôi và các cầu thủ xưng hô thân mật “bố bố, con con”. Các cầu thủ quý mến tôi và ngược lại… Trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm và khả năng của mình, tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ các em khi gặp những vướng mắc trong cuộc sống. Ngày trước, tôi từng đi xin Bộ GD – ĐT để những cầu thủ như Văn Quyến, Lâm Tấn, Như Thuật . được miễn thi tốt nghiệp THPT. Và bây giờ, tôi đang tiếp tục cố gắng giúp Tấn Tài và Như Thành nhận được sự ưu đãi nhất định về chứng nhận học văn hoá. Mới đây nhất, các cầu thủ đề đạt tôi về nguyện vọng tăng chế độ khi khoác áo ĐTQG ( hiện tại mỗi tuyển thủ nhận hơn 6 triệu đồng/tháng trong thời gian tập huấn ở ĐTQG, chưa tính thu nhập ở CLB và các chế độ khác). Tôi đã chuyển đề nghị này tới lãnh đạo VFF.

Sau Cúp TP.HCM, cũng như HLV Calisto, các cầu thủ đều tỏ ra căng thẳng vì áp lực quá lớn trên công luận. Nhưng tôi nghiệm ra rằng các chàng trai đá bóng cũng có thể xả stress rất nhanh. Mọi thứ đã tốt lên rất nhiều trong những ngày qua. Các phóng viên theo dõi đội tuyển hẳn đều cảm nhận được bầu không khí khẩn trương nhưng dễ chịu hơn hẳn trong đội. Thời điểm hiện tại, ĐTQG đang tập với chế độ nặng, HLV Calisto hay quát tháo trên sân, nhưng các cầu thủ đều hiểu đây là chuyện bình thường, phải nỗ lực mới mong được hiệu quả cao trong thi đấu.

– Từng làm việc với HLV Riedl và Calisto. Ông có thể so sánh gì về cách làm việc và con người họ?

+ Mỗi người có một phong cách làm việc riêng, một cách sống riêng. Trong đó, Riedl trầm hơn và có thiên hướng tìm niềm vui trong sự yên tĩnh. Còn Calisto lại tỏ ra hoà đồng với cầu thủ hơn hẳn. Thời Riedl, rất ít khi người ta thấy ông đùa vui với các tuyển thủ. Ông ấy cũng hạn chế tiếp xúc riêng với cầu thủ, trừ khi cần thiết. Calisto thì khác, không những tạo không khí nhẹ nhàng và gần gũi trên sân, ông ấy luôn muốn được cùng các cầu thủ tâm sự, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống.

– AFF Cup đang đến gần. Vậy bao giờ thì ĐTQG mới có trưởng đoàn, thưa ông?

+ Thực tình tôi cũng chưa biết liệu đội tuyển có thể có trưởng đoàn ngay từ Cúp T&T hay không. Nhưng theo tôi được biết, lãnh đạo VFF chủ trương ĐTQG chỉ cần có một phó đoàn ở sát với đội trong thời gian tập luyện chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup là đủ. Trước mắt, trong phạm vi nhiệm vụ được giao, tôi đã và đang có gắng thu xếp công việc giảng dạy ở trường ĐHSP để có thể tận dụng quỹ thời gian, góp mặt cùng đội tuyển hàng ngày…

Nguồn: Theo Thể thao HCM

NHÀ TÀI TRỢ ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA VIỆT NAM