PCT VFF Nguyễn Lân Trung: “Cần tập trung việc nâng cao chất lượng giải đấu”

Hôm qua (9/2), vấn đề tên gọi của giải bóng đá vô địch quốc gia Eximbank 2012 tiếp tục được đề cập trong cuộc gặp giữa lãnh đạo VPF và đại diện các cơ quan báo chí. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Bóng đá đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lân Trung, Phó chủ tịch VFF.

PCT VFF Nguyễn Lân Trung

 

-PV: Thưa ông Nguyễn Lân Trung, với tư cách là Phó chủ tịch VFF, ông có thể nói rõ hơn quan điểm của VFF về tên gọi của giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia? Vì sao VFF lại yêu cầu công ty VPF phải trở lại với tên gọi cũ V-League thay vì Super League?

 

– Ông Nguyễn Lân Trung: Tôi xin nhấn mạnh là thực ra không phải thay đổi tên, mà là giữ lại cái tên trong 10 năm đi lên chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam đã sử dụng. Đó là giải Vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, viết tắt là V-League. Khi công ty VPF ra đời, họ đề nghị đổi tên giải đấu từ V-League thành Super League. Tuy nhiên, Điều lệ giải Vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp năm 2012 chưa được Tổng cục TDTT thông qua do có nhiều nội dung mới so với Quy chế bóng đá chuyên nghiệp năm 2011. Để giải đấu diễn ra theo đúng tiến độ, Tổng cục TDTT đã cho phép sử dụng Điều lệ và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp năm 2011 trong quá trình chờ phê duyệt bản Điều lệ và Quy chế mới. Thế nên, việc dùng tên gọi mới khi vẫn sử dụng Điều lệ, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp năm 2011 là vội vàng. Vì vậy, ngày 2/2/2012, Tổng cục TDTT đã có công văn số 107/TCTDTT-VP chỉ đạo yêu cầu giữ nguyên tên gọi bằng tiếng Việt của giải Vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, đồng thời khi viết tắt phải có chữ V. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Tổng cục TDTT, VFF có công văn số 58/LĐBĐVN-PL&TCCT do Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ ký ngày 7/2/2012 yêu cầu Công ty VPF giữ nguyên tên gọi giải bóng đá vô địch quốc gia Eximbank 2012 thay vì Super League Eximbank 2012. Ngày 8/2/2012, VPF có công văn số 53 gửi lãnh đạo VFF về việc xin đổi tên giải bóng đá Ngoại hạng (Super League Eximbank 2012) thành giải Ngoại hạng Việt Nam (V-Super League Eximbank 2012). Ngay trong ngày, VFF đã có công văn số 68/2012-CV/LĐBĐVN (TT) do tôi ký phúc đáp với nội dung:

 

  1. Yêu cầu công ty VPF chấp hành đúng tinh thần công văn số 58/LĐBĐVN-PL&TCCT do Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ ký ngày 7/2/2012;
  2. Những thay đổi về các giải bóng đá chuyên nghiệp 2012 sẽ được thảo luận, xem xét và thông qua tại hai văn bản “Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2012” và “Điều lệ các giải bóng đá chuyên nghiệp 2012)

 – Nhưng trong cuộc gặp với báo chí, ông Nguyễn Đức Kiên- Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPF lý giải rằng, sở dĩ có cái tên Super League là do Điều lệ của công ty vốn đã được các cổ đông sáng lập thông qua có điều khoản cho phép tổ chức giải bóng đá Ngoại hạng quốc gia. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

 

– Tôi xin nói rõ là điều lệu của công ty VPF khác với điều lệ của giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2011. VFF yêu cầu công ty VPF thực hiện đúng với những quy định trong điều lệ giải bóng đá chuyên nghiệp và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2011. Theo đó, tên viết tắt của giải đấu là V-League chứ không phải là Super League hay bất cứ tên gọi nào khác. Theo tôi, điều cần thiết nhất lúc này là nên tập trung vào việc xây dựng lộ trình, làm sao cho giải đấu của chúng ta có chất lượng tốt nhất. Còn những việc khác thì VFF và VPF sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất và tìm ra tiếng nói chung. Theo những gì tôi ghi nhận được, BTC giải đã nỗ lực rất cao, có nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể kịp thời để V-League diễn ra một các suôn sẻ. VFF đã và sẽ tiếp tục đồng hành với VPF trong việc tổ chức các giải đấu với tư cách là cơ quan nhà nước giao quản lý, tổ chức và điều hành bóng đá trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

 

– Xin cảm ơn ông!

 

Khắc Sơn(thực hiện)

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA