Người ghi bàn thắng thứ 1000 tại giải VĐQG

Xuất thân từ bóng đá phong trào, sau đó đầu quân cho Công nhân Nghĩa Bình, tiền đạo Trương Anh Đạt đã may mắn đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam với tư cách cầu thủ ghi bàn thắng thứ 1000 tại giải bóng đá A1 toàn quốc. 25 năm đã trôi qua, những ký ức về một thời hoa lửa vẫn hiện về trọn vẹn trong tâm thức cầu thủ từng khoác áo số 11 đội bóng đất Võ.

Xuất thân từ bóng đá phong trào, sau đó đầu quân cho Công nhân Nghĩa Bình, tiền đạo Trương Anh Đạt đã may mắn đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam với tư cách cầu thủ ghi bàn thắng thứ 1000 tại giải bóng đá A1 toàn quốc. 25 năm đã trôi qua, những ký ức về một thời hoa lửa vẫn hiện về trọn vẹn trong tâm thức cầu thủ từng khoác áo số 11 đội bóng đất Võ.

Một tài năng bóng đá

C­­­ựu cầu thủ Trương Anh Đạt

Như một đinh mệnh, ngay từ thủa nhỏ, Trương Anh Đạt đã gắn chặt niềm đam mê với trái bóng tròn. Nhà ở gần biển, hàng ngày anh vẫn thường cùng bạn bè đồng trang lứa chơi bóng ở những bãi cát gần nhà ở khu 2. Nổi lên là một chân sút có hạng, anh được gọi vào chơi cho đội bóng thị xã Quy Nhơn, góp phần giúp đội bóng này vô địch lần thứ 4 liên tiếp ở những giải bóng đá toàn tỉnh đầu tiên (từ năm 1976 đến 1979). Điều đặc biệt là mùa nào anh cũng đứng đầu danh sách cầu thủ ghi nhiều bàn thắng cho đội thị xã Quy Nhơn.

Tài năng của Trương Anh Đạt sớm lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển quân đội Công nhân Nghĩa Bình. Năm 1980, giấc mơ được chơi bóng đá “chuyên nghiệp” đã trở thành hiện thực với anh, khi anh được gọi vào đội đất võ, cùng lứa với Dương Ngọc Hùng. Do còn ít tuổi, ở mùa đầu tiên, anh được chọn tham dự giải bóng đá trẻ toàn quốc. Năm đó, anh cùng đội trẻ Công nhân Nghĩa Bình giành chức vô địch.

Ở đội Công nhân Nghĩa Bình thời điểm đó có nhiều tiền đạo xuất sắc như Nguyễn Ngọc Thiện, Đặng Gia Mẫn, Tổng Anh Hoàng. Vì vậy, trong thời gian đầu, Trương Anh Đạt thường chỉ được vào sân từ băng ghế dự bị. Tuy vậy, cầu thủ dự bị hạng sang này vẫn thể hiện phong độ xuất sắc khi được trao cơ hội. Những pha bứt phá thần tốc, những đường chuyền thuận lợi cho đồng đội và những cú sút như trái phá của anh đã góp phần đem lại nhiều chiến thắng vang dội cho đội công nhân Nghĩa Bình, giúp đội trở thành một tập thể có lối chơi khó chịu vào bậc nhất thời bấy giờ trong làng bóng Việt Nam.


Mùa giải 1984 đáng nhớ

Ở giải bóng đá A1 toàn quốc năm 1984, Công nhân Nghĩa Bình đã có lúc “lâm nguy”. Nếu để thua An Giang trên sân Đà Lạt, đội sẽ phải xuống hạng. Áp lực là vậy, nhưng không ngờ đó là một trận đấu đáng nhớ nhất, đem lại nhiều niềm vui nhất cho các cầu thủ đội bóng đất Võ. Trương Anh Đạt nhớ lại: “Khi mới đặt chân lên Đà Lạt, đội bóng đã được lãnh đạo tỉnh (gồm nhiều vị quê ở Nghĩa Bình) đưa về tận trụ sở Uỷ ban, gặp gỡ động viên. Bước vào trận đấu, bằng cú đánh đầu sở trường, tiền đạo Tống Anh Hoàng sớm đem về lợi thế cho Công nhân Nghĩa Bình. Tuy nhiên, sau đó không lâu, đội bạn đã có bàn san bằng tỷ số. Đến phút 44 Lân “dzẽ” (Phan Kim Lân) đi bóng khép léo qua hai hậu vệ đối phương sau đó bấm bóng cho tôi thoát xuống phá bẫy việt vị, sửa bóng vào góc xa. Đến cuối trận, tôi chuyền bóng cho Nguyễn Ngọc Thiện để anh hứng ngực tung vô lê sở trường ấn định chiến thắng 3-1 cho đội Công nhân Nghĩa Bình”. Bừng bừng khí thế sau trận cầu then chốt, ở trận đấu tiếp theo, Công nhân Nghĩa Bình tiếp tục hạ gục Thể Công ( khi đó được xem là đội mạnh nhất VN) với tỷ số 2-1 trên sân Nha Trang.

Buổi sáng ngay sau trận đấu với An Giang, các cầu thủ Công nhân Nghĩa Bình đọc báo mới biết Trương Anh Đạt là người ghi bàn thứ 1000 tại giải A1 toàn quốc (cầu thủ Nguyễn Viết Cường ghi bàn thứ 999, còn Lê Quang ninh của Cảng Hải Phòng ghi bàn thứ 1001), thế là “nạn nhân” bị các đồng đội bắt khao một chầu cafe hoành tráng. Trong lễ tổng kết giải năm đó ( tổ chức tại sân Thống Nhất – TPHCM). Trương Anh Đạt được nhận giải thưởng gồm: bằng khen của Trung Ương Đoàn và một bộ quần áo khoác thể thao. Cũng trong năm đó, anh còn được các đồng đội bầu chọn cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải của đội Công nhân Nghĩa Bình với phần thưởng là bằng khen của UBND tỉnh kèm 10.000 đồng và một chiếc xe đạp Cửu Long mà theo Đạt thì “với tôi khi đó nó có giá trị như một chiếc Mercedes bây giờ”.


Cơm áo không đùa với …cầu thủ

Chia tay bóng đá vào năm 1988 không có nghề ngỗng gì trong tay, Sở TDTT lại bố trí công việc không phù hợp, Trương Anh Đạt chỉ biết về nhà phụ vở  buôn bán nhỏ. Mệt mài làm lụng nhưng với lưng vốn ít ỏi, 2 vợ chồng chật vật nuôi 3 đứa con ăn học. Dù vậy, anh vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương, hiện kiêm nhiệm 2 chức danh là ônt “hội đồng” Phường Quang Trung và là một khu vực trưởng gương mẫu. Hàng ngày Đạt lặng lẽ cùng vợ chăm lo cho quán bánh xèo trước căn nhà nhỏ, trong khu vực tái địng cư ở xóm Tiêu.

Đến thăm anh vào một ngày đầu xuân, người viết chợt lặng đi vì không còn nhận ra một Trương Anh Đạt vốn từng tung hoành ngang dọc trên các sân cỏ cả nước trước đây. Bóng đá cho anh rất nhiều niềm vui những cũng lấy đi của anh rất nhiều, 1tình trạng chung của lớp cầu thủ “xưa”.


Có lẽ với Trương Anh Đạt, những kỷ niệm khó quên trong màu áo của Công nhân Nghĩa Bình vẫn là những ký ức ngọt ngào nhất trong cuộc đời anh, để anh vơi đi những nhọc nhằn cuộc mưu sinh hàng ngày.