Ngoại hạng Anh tìm cách siết lương cầu thủ

Các ông chủ ở Ngoại hạng Anh, trong đó có Roman Abramovich và nhà Glazers, đang tiến rất gần đến thỏa thuận về việc khống chế lương của cầu thủ và giảm bớt quyền lực của những tay cò.

Các cuộc đối thoại đang được 20 đội bóng Ngoại hạng Anh tích cực tiến nhằm  đưa ra một quy định riêng về công bằng tài chính cho giải giải đấu này. Và nếu không có bất ngờ quá lớn, quy định này sẽ được chính thức thông qua trong hội nghị Chủ tịch các CLB Ngoại hạng Anh ngày 15/11 tới.

Quy định mới về tài chính này xuất phát từ bản hợp đồng truyền hình mới trị giá tới 5 tỷ bảng bắt đầu có hiệu lực từ mùa tới. Các ông chủ ngoại quốc ở Ngoại hạng Anh muốn giữ lại miếng bánh lớn hơn cho CLB của họ, thay vì để phần lớn nguồn thu béo bở này chảy vào túi cầu thủ và các tay đại diện, môi giới cầu thủ. Và để làm điều đó, quy định mới sẽ có một nội dung quan trọng là “khống chế quỹ lương”, theo đó, các đội bóng bị cấm tăng quỹ lương quá 5% mỗi năm.

Abramovich-jpg-1352074642-1352074823_500

Chelsea đang thành công, nhưng Abramovich thì bắt đầu mệt mỏi vì liên tục phải bỏ tiền túi ra bù lỗ cho những khoản thâm hụt từ việc mua sắm, trả lương cho cầu thủ.

Một lý do quan trọng nữa khiến các ông chủ Ngoại hạng Anh phải ngồi lại với nhau bàn cách khống chế tiền lương là Đạo luật Công bằng Tài chính của UEFA. Số liệu mùa 2010-2011 cho thấy các CLB Ngoại hạng Anh chi tới 1,5 tỷ bảng vào tiền lương, chiếm 69% tổng thu nhập, trong khi số nợ của họ đã lên tới 2,4 tỷ bảng, vượt quá khoản tiền họ kiếm được. Thống kê mùa này cũng cho thấy tổng số nợ của các CLB Ngoại hạng Anh lên tới 361 triệu bảng, lỗ nặng nhất trong số này là Man City (197 triệu), Chelsea (68 triệu) và Liverpool (49 triệu).

Hiện trạng này nhất thiết phải được chấm dứt, nếu các CLB Ngoại hạng Anh muốn tránh sự trừng phạt từ UEFA.

Chủ tịch West Ham, David Gold thậm chí còn đề xuất một biện pháp mạnh tay để chống lại tình trạng “thu không đủ bù chi” hiện tại. Theo đó, ban tổ chức Ngoại hạng Anh sẽ trừ điểm với những CLB có số nợ vượt quá doanh thu. Biện pháp này, nếu được thông qua, sẽ là đòn nặng giáng vào những đội bóng lớn sống dựa vào túi tiền của các ông chủ ngoại quốc như Chelsea (với Roman Abramovich) hay Man City (Sheikh Mansour).

Tuy nhiên, điều tích cực, theo Sport Mail, là Abramovich và Sheikh Mansour đã bắt đầu chán cảnh phải bỏ tiền túi ra để bù cho các khoản thâm hụt, nợ của Chelsea và Man City. Những ông chủ đến từ Mỹ như John W Henry (Liverpool), Ellis Short (Sunderland), Stan Kroenke (Arsenal), nhà Glazers (MU), Randy Lerner (Aston Villa) cũng sốt ruột muốn thấy những khoản đầu tư lớn của họ sớm sinh lợi nhuận.

Quy định mới, nếu được thông qua, sẽ là một cột mốc lịch sử, kết thúc hai thập niên, tính từ năm 1992, mà các CLB Ngoại hạng Anh phải è cổ trả những khoản tiền lương tăng phi mã cho các ngôi sao hàng đầu. Người hâm mộ cũng sẽ chào đón quy định này, khi họ đã chán cảnh những khoản tiền lương trên trời tạo nên một thế hệ các ngôi sao xa rời công chúng.

Van-Persie-Rooney-jpg-1352074823_500x0.j

Lương cho những ngôi sao hàng đầu như Rooney hay Van Persie đã tăng tới mức khó tin so với thời điểm Ngoại hạng Anh mới ra đời cách đây 20 năm.

Thống kê cho thấy cách đây 20 năm, lương trung bình của một cầu thủ chơi ở Ngoại hạng Anh chỉ là 1755 bảng. Con số này, ở thời điểm 2010, là 35.000 bảng, cao gấp gần 20 lần. Mức tăng lương cho các ngôi sao hàng đầu cũng có xu hướng tăng đáng kể gần đây với các bản hợp đồng mới, trên 200.000 bảng mỗi tuần (khoảng 10 triệu bảng mỗi năm) cho Wayne Rooney hay Van Persie. Khi bản hợp đồng bản quyền truyền hình béo bở với BT Vision và Sky có trị giá 5 tỷ bảng và thời hạn ba năm có hiệu lực từ mùa tới, các nhà làm bóng đá Anh lo ngại rằng các ngôi sao sẽ có cớ để đòi hỏi tăng lương hơn nữa.

Đã có 14 trong tổng số 20 CLB Ngoại hạng Anh nhất trí về đề xuất về quy định mới. Fulham được cho là đội duy nhất khước từ mọi hình thức khống chế tài chính, do ông chủ CLB này, Mohamed Al Fayde lo ngại những chế tài sẽ khiến đội của ông chịu thiệt khi bán cầu thủ trong tương lai.