New York – ngày nào cũng mừng thắng trận

Ba lần một ngày, 7 ngày một tuần, ở một nơi nào đó, một phần của New York nhảy múa ăn mừng chiến thắng trong khi phần còn lại chìm trong niềm tiếc nuối và thất vọng.

21/06/2006 00:00:00

Ba lần một ngày, 7 ngày một tuần, ở một nơi nào đó, một phần của New York nhảy múa ăn mừng chiến thắng trong khi phần còn lại chìm trong niềm tiếc nuối và thất vọng.

Các cổ động viên Hàn Quốc ở New York, Ảnh AFP

Sự đa dạng dân số ở New York có thể minh chứng ngay bằng quốc gia như Trinidad & Tobago – nước nhỏ nhất từng tham dự vòng chung kết bóng đá thế giới – cũng có hẳn một nơi để các fan tụ tập, cổ vũ cho đội nhà. Phần lớn trong số họ tập trung tại quán bar Sugarcane vào chiều thứ năm tuần trước, hy vọng đội nhà có thể đánh bật được đội Anh – nước từng đô hộ họ.

“Đây là điều tuyệt vời nhất mà đất nước Trinidad của chúng tôi từng có được”, Sheldon Bridgeman, một công nhân xây dựng, hào hứng nói.

Anh không quan tâm tới việc có thể bị sa thải vì đi xem bóng đá sẽ khiến chủ của anh không hài lòng. “Ông ấy có để ý không ấy à? Ai thèm quan tâm cơ chứ”, anh nói. “Tôi có thể tìm một công việc khác nhưng Trinidad chưa chắc vào World Cup lần nữa”.

Khi các trận cầu diễn ra ở Đức, quang cảnh giống như ở Sugarcane hiển hiện ở khắp nơi tại New York với những sắc thái văn hóa khác nhau.

Những cổ động viên của đội Italy vẫy tay và hét lớn, chúc mừng chiến thắng của đội nhà ở cửa hàng Fortunato Brothers Bakery ở khu Brooklyn. Trong khi đó, người Thụy Điển ăn mừng đội bóng của họ với bốn loại cá trích khác nhau tại quầy bar Good World ở Manhattan, còn fan của đội Cộng hòa Czech đập phá quán bia Bohemian ở Queens.

Cũng có những nơi, số người ăn mừng đội nhà không nhiều đến thế. Tại cửa hàng châu Phi In God We Trust ở khu The Bronx – trung tâm của người Ghana ở New York – Ahmed Belly, 20 tuổi, vừa ra giấu chiến thắng vừa nhìn quanh để tìm một người để ăn mừng. Tuy nhiên, mặc dù Ghana đã bất ngờ ghi bàn vào lưới đội Czech, chẳng có ai ở đó để anh ôm vai bá cổ. “Chẳng ai tin rằng đội chúng tôi sẽ thắng”, anh nhún vai. “Họ cần phải có niềm tin vào đội nhà. Nơi này, thiếu một cái gì đó rất quan trọng”.

Trái với sự vui mừng trong cô đơn của Belly, hàng nghìn người hâm mộ Hàn Quốc đã kéo xuống phố để xem trận bóng giữa đội của họ với Pháp trên một màn hình lớn. “Chúng tôi không muốn xem một mình. Người Hàn Quốc cảm thấy mạnh hơn khi họ ở bên nhau”, Byunn Young – 49 tuổi, cùng đi với vợ và con gái – nói.

Ngay cả nhà chức trách cũng tham gia cổ vũ. “Đây là một cơ hội lớn để mọi người đến với nhau”, John Liu – làm việc trong chính quyền thành phố – nói. “Khu phố của người Hàn Quốc hôm nay mang một vẻ Hàn hơn bao giờ hết”.

Bên kia sông, ở Brooklyn, cổ động viên của đội Pháp gào lớn khi đội nhà dẫn bàn và chỉ lặng đi khi Hàn Quốc cân bằng tỷ số vào những phút cuối.

Chủ quầy bar ở Brooklyn Didier Chanteloup tin rằng niềm đam mê bóng đá ở New York đã dần phá vỡ sự thờ ơ của người Mỹ đối với môn thể thao vua. “~ Barcelona, bạn chỉ gặp fan của đội Tây Ban Nha, ở Paris, bạn toàn gặp fan đội Pháp”, Chanteloup nói. “Nhưng New York có nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Vì thế, bạn không thể nào tránh được không khí World Cup tại đây. Ngay cả người bản địa cũng bị lôi cuốn”.

Các cổ động viên bóng đá ở New York gặp may khi World Cup lần này diễn ra ở Đức. Điều đó có nghĩa họ được xem các trận cầu vào 9h sáng, giữa trưa và 15h chiều. Lần trước, vòng chung kết bóng đá thế giới được tổ chức ở Hàn Quốc và Nhật. Phần lớn các trận cầu diễn ra ban đêm hoặc sáng sớm.

Tất cả 64 trận cầu trong World Cup được phát trực tiếp trên mạng lưới truyền hình quốc gia ABC và kênh thể thao ESPN cũng như kênh tiếng Tây Ban Nha Univision.

Với Juan Pablo Munoz, mới từ Ecuador tới New York, xem đội bóng của anh thi đấu với vô số người cùng quê tại quán rượu Lighthouse ở Brooklyn, là một điều rất ý nghĩa. “Cứ như là tôi được trở về nhà”, Munoz nói. “Như thể chúng tôi lại được uống bia và thưởng thức các bữa tiệc bóng đá tại quán Avenida Amazonas ở quê nhà vậy”.

(Theo Reuters, VNE)