Một thời tung hoành sân cỏ: Hồ Thanh Cang – "sát thủ" những trận đấu lớn

Trong số những tiền vệ tấn công hay nhất của bóng đá Việt Nam, Hồ Thanh Cang là một cái tên gây ấn tượng với nhiều bàn thắng để đời.

Trong số những tiền vệ tấn công hay nhất của bóng đá Việt Nam, Hồ Thanh Cang là một cái tên gây ấn tượng với nhiều bàn thắng để đời.

 

Nhận huy chương bạc từ tay Thủ tướng Lý Quang Diệu

Con ngựa bất kham

Dáng chạy của Hồ Thanh Cang trên sân cho đến bây giờ vẫn không lẫn với ai được. Cái lưng cong luôn đổ người về phía trước, mái tóc dài bồng bềnh hất ngược về phía sau, đôi chân thoăn thoắt bất ngờ băng lên từ tuyến 2 tung ra cú sút như trái phá… Những pha biểu diễn của ông một thời làm sân bóng bùng nổ mỗi khi đội tuyển miền Nam hay Hải Quan thi đấu.

 

Cho đến giờ, thế hệ trên dưới 50 tuổi vẫn chưa ai quên được bàn thắng đẹp như mơ cách đây đã hơn 30 năm của Hồ Thanh Cang. Đó là cú ngả bàn đèn nâng tỷ số lên 2-1 cho Hải Quan trong trận thắng Tổng cục Đường sắt 2-1 vào năm 1976. Lúc bấy giờ, Tổng cục Đường sắt  với các tên tuổi như Phạm Kỳ Thụy, Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Nguyễn Minh Điểm, Hoàng Gia, Nguyễn Ngọc Phương, Nguyễn Trường Sinh… lần đầu tiên vào Nam thi đấu, thắng như chẻ tre trước Tây Ninh 2-0, Cần Thơ 3-1, Đồng Tháp 2-0, Cảng Sài Gòn 2-0. Đến trận cuối gặp Hải Quan, tiền đạo Văn Lộc ghi bàn dẫn trước cho Tổng cục Đường sắt. Nhưng sự phối hợp tài tình giữa Thanh Cang và Cù Sinh đã giúp trung phong của Hải Quan gỡ hòa. Sau đó, chính Thanh Cang đã ấn định kết quả khiến cả sân như vỡ tung.

 

Chưa dừng lại đó, Hồ Thanh Cang còn được nhắc đến như “sát thủ” của những trận đấu lớn. Năm 1977, tuyển TP.HCM thi đấu với Thiên Tân (Trung Quốc) – một đội rất mạnh. Khán giả dù nườm nượp đến sân nhưng ai cũng lo đội bóng thành phố sẽ thất bại. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra trong trận này khi dưới sự dẫn dắt của Hồ Thanh Cang, tuyển TP.HCM thắng 4-1. Chính ông Cang là người đã đóng góp 2 bàn trong trận này, trong đó có cú dứt điểm bất ngờ khi vừa chạy vừa sút từ ngoài vòng 16m50, bóng đập xà ngang đi luôn vào lưới.

 

Chạy nhiều, chuyền hay, sút khỏe và lên xuống nhịp nhàng, có mặt đúng lúc ở những điểm nóng, Hồ Thanh Cang là một trong số ít cầu thủ thời đó đá đủ 90 phút mỗi trận mà vẫn giữ được sự bền bỉ, dẻo dai nên các chuyên gia gọi ông là “con ngựa bất kham”. Nhờ ghi bàn đều đặn, tên tuổi Hồ Thanh Cang đã vượt ra khỏi biên giới. Báo Frane Football từng có bài viết khen ngợi Hồ Thanh Cang khi ông là cầu thủ của đội tuyển miền Nam ghi bàn gỡ hòa 1-1 vào lưới đội Olympic Pháp năm 1973. Báo chí Indonesia năm 1974 cũng đã ca ngợi cú sút ghi bàn mở tỷ số phá vỡ thế bế tắc trong trận đội tuyển miền Nam hạ Indonesia 2-0… Kỷ niệm đáng nhớ trong đời cầu thủ của Hồ Thanh Cang là lần được Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu trao huy chương bạc tại SEAP Games năm 1973. Ông bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi xúc động lắm khi được một vị nguyên thủ quốc gia nổi tiếng đích thân trao huy chương. Ông đã khen đội chơi hay, khen cầu thủ VN rất khéo léo”.

 

Hồ Thanh Cang nâng cao Cúp vô địch giải Cửu Long – Ảnh: Nhân vật cung cấp


Thăng trầm nghiệp HLV

Năm 1981, Hồ Thanh Cang trở thành HLV trưởng đội Hải Quan, dẫn dắt đội đoạt chức á quân giải vô địch quốc gia 1982-1983, hạng ba năm 1986. Thời đó dưới bàn tay của ông, Hải Quan có lứa cầu thủ đồng đều về kỹ thuật và phong độ xuất sắc như: Nguyễn Kim Hằng, Phan Văn Tần, Thái Công Hoàng, Tô Văn Hải ở dưới, Hồ Thanh Dũng, Trương Văn Dưỡng ở giữa, Nguyễn Hoàng Minh (Minh nhí), Lưu Tấn Liêm, Nguyễn Văn Thành ở trên. Thế nhưng sự nghiệp cầm quân của ông đã phải chấm dứt sau mùa bóng 1987. Ông kể: “Năm đó bóng đá TP.HCM bị hạn lớn sau khi cả 3 đội Hải Quan, Cảng Sài Gòn và Sở Công nghiệp cùng lúc thất bại ở tứ kết giải VĐQG trong một chiều mưa. Cảng Sài Gòn bị An Giang loại, Sở Công nghiệp thua Quảng Nam – Đà Nẵng, còn Hải Quan thất thủ trước Phú Khánh. Trở về ai cũng buồn, thêm vào đó có thông tin Sở TDTT TP.HCM bấy giờ muốn nâng chất khi từ 3 đội hàng đầu gom lại còn 2 đội bằng cách giải thể Hải Quan, lấy lực lượng tăng cường cho Sở Công nghiệp và Cảng Sài Gòn, nên tâm trạng mỗi người hết sức dao động. Thế là tôi chia tay để ra làm một viên chức bình thường trong ngành hải quan”.

 

Trao cờ lưu niệm trước trận đấu tại Thái Lan năm 2007 – Ảnh: nhân vật cung cấp

Những năm rời xa bóng đá, ông Cang vẫn ở khu tập thể đội Hải Quan nằm trên đường Hai Bà Trưng. Ông bùi ngùi nhắc lại: “Mỗi lần đội đi tập, lòng tôi như nghẹn lại. Bóng đá là tất cả cuộc sống của tôi nên tôi không thể không trăn trở với anh em cầu thủ, tương lai đội bóng. Tôi chỉ thực sự tìm lại được cảm giác vui mừng vào năm 1991 khi Hải Quan được phục hồi và lần đầu tiên vô địch quốc gia”.

 

Hiện tại, Hồ Thanh Cang đang chơi cho đội cựu tuyển thủ TP.HCM. Ông là một người mẫn cán, rất tâm huyết với phong trào, ghi chép cẩn thận từng trận đấu của đội, được anh em tín nhiệm như một người điều hành đội. Ông Cang giở sổ ra, cho biết: “Mỗi năm đội cựu tuyển thủ TP.HCM thi đấu trung bình 60-70 trận, nghĩa là tuần nào cũng đá từ 1 – 2 trận, có tuần 3 trận. Năm 2007, đội đá đến 76 trận, năm 2008 đá 55 trận, còn từ đầu năm 2009 đến nay đã đá 20 trận; đặc biệt năm rồi đoạt á quân cùng giải phong cách tại giải cựu danh thủ ở Hải Phòng. Hơn thế, chúng tôi còn đi đấu ở Thái Lan, Malaysia“. Không những vậy, ông còn tham gia thành lập hội ái hữu giúp đỡ cho các cựu cầu thủ có hoàn cảnh khó khăn, luôn tổ chức thăm hỏi và mỗi năm gặp mặt tất niên để trao quà. Với Hồ Thanh Cang, dòng máu bóng đá không bao giờ ngừng chảy.

 

Hồ Thanh Cang sinh ngày 28.12.1943; từng 4 lần dự SEAP Games, á quân SEAP Games 1967, 1973; đồng vô địch giải Petra Sukan năm 1971; vô địch giải Cửu Long năm 1976. Từng dẫn dắt đội Hải Quan đạt á quân giải VĐQG năm 1982-1983, hạng ba năm 1986. Cả gia đình ông, 7 anh em trai đều chơi bóng đá.

Nguồn: Báo Thanh niên