Kiều Trinh – cô thủ môn gan góc

Sau trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 25 với Thái Lan mà Kiều Trinh trở thành “người hùng” khi đẩy được một cú sút 11m và hai cú sút còn lại của các tuyển thủ Thái cũng lần lượt lên “giời” vì bị cô thủ môn Việt Nam át vía, Trinh đã nhận được rất nhiều sự tôn vinh.

Sau trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 25 với Thái Lan mà Kiều Trinh trở thành “người hùng” khi đẩy được một cú sút 11m và hai cú sút còn lại của các tuyển thủ Thái cũng lần lượt lên “giời” vì bị cô thủ môn Việt Nam át vía, Trinh đã nhận được rất nhiều sự tôn vinh.

 

Nhưng ít ai biết rằng, giấu sau nụ cười tươi tắn, dễ thương của cô gái trẻ là nghị lực phi thường của một “thương binh” đã thi đấu từ 2 năm nay với hai bên đầu gối bị đứt hết dây chằng.

Thủ môn Kiều Trinh – Ảnh: VSI

 

Chiến thắng là mục tiêu duy nhất

Năm 2006, dây chằng bên gối phải của Kiều Trình bị đứt khi cô tham dự Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á tại TPHCM (mà tuyển nữ VN vô địch). Một năm sau ở SEA Games 24 tại Thái Lan, trong trận bán kết gặp Myanmar, va chạm với tiền đạo của đội khách đã khiến dây chằng gối trái của Kiều Trinh đứt nốt.

 

Khó có thể tin rằng, với chiếc đầu gối đầy thương tích như thế, sau khi được băng bó cố định, Kiều Trinh vẫn thi đấu tiếp 2 hiệp phụ, góp phần vào chiến thắng của tuyển nữ VN trước Myanmar. Vào trận chung kết với Thái Lan, cô cũng… thi đấu luôn với hai đầu gối được bó cứng lại.

 

“Nghiến răng chịu đựng, đau đến chảy nước mắt luôn, nhưng cũng không sao, chỉ tiếc vì VN không giành được HCV ở SEA Games năm đó” – Kiều Trinh tiếc nuối. Sau khi từ Thái Lan về, Trinh chỉ nghỉ đúng 1 tháng để dưỡng thương, rồi từ bấy đến nay, trong suốt hơn 2 năm, cô thủ môn gan góc vẫn đứng vững trong khung thành ở vị trí thủ môn số 1 của đội tuyển nữ VN.

 

“Kim Chi ở SEA Games 25 vừa rồi cũng cắn răng thi đấu dù đầu bị thương đến chảy máu, dường như các cô gái của đội nữ VN ai cũng gan lỳ và dũng cảm như thế, có khi còn hơn cả các cầu thủ nam ấy chứ?” – đáp lại câu hỏi của tôi, Kiều Trinh chỉ cười hiền: “Không biết có dũng cảm hơn không, nhưng lúc vào trận thì chị em chỉ nghĩ đến việc thi đấu hết sức. Lúc đó chỉ có chiến thắng là mục tiêu duy nhất”.

 

Ước mơ đầu năm

13 tuổi làm quen với trái bóng trong đội bóng đá nữ của Trường THCS thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), sự nghiệp đứng trong khung gỗ của Kiều Trinh bắt đầu một cách tình cờ, bởi tuy cao to hơn các bạn khác (1,63m), nhưng lại… nhát, nhìn quả bóng đến mà đá không nổi, nên HLV cho xuống… bắt bóng. Đứng trong khung thành, Trinh như cá gặp nước và làm các chân sút đối phương nản lòng bởi khả năng phán đoán tốt và phản xạ tuyệt vời.

 

“Bóng đá cho tôi nhiều thứ: Niềm đam mê được thoả mãn, và cũng đỡ đần được cho ba mẹ nhiều” – Trinh tâm sự. Gia cảnh khó khăn (bố chạy xe ôm, mẹ ở nhà nội trợ), nên ngay từ khi mới lớn, cô gái sinh năm 1985 này đã là trụ cột kinh tế của gia đình.

 

SEA Games 23 ở Phillippines, với khoản thưởng hơn 100 triệu đồng nhờ giành HCV, Kiều Trinh đã xây được căn nhà nhỏ cho ba mẹ. SEA Games năm nay, đội nữ giành HCV vẻ vang.

 

Hỏi cô khoản thưởng chắc cũng mấy trăm triệu đồng sẽ để làm gì, Trinh cười hiền: “Chắc lại gửi mẹ giữ như mọi khi, tích cóp lại để sau này không đá bóng được nữa mình muốn làm gì cũng có chút vốn”.

 

8 năm kể từ khi khăn gói lên TPHCM theo nghiệp bóng tròn, Trinh vẫn sống trong căn phòng tập thể cùng các cô gái của đội bóng nữ TPHCM ở sân Tao Đàn. Và vẫn…độc thân. “Con gái đá bóng khó có người yêu lắm chị ơi” – “cô thủ môn tội nghiệp” nửa đùa nửa thật!

 

“Nhưng tụi em cũng chẳng buồn lâu đâu. Năm mới, đội nữ còn có hai mục tiêu phải hoàn thành: Tấn công vào đấu trường châu lục – ở ASIAD 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc) và bảo vệ ngôi nữ hoàng tại giải vô địch Đông Nam Á. Cả hai mục tiêu này em sẽ cố gắng không để lỡ thứ nào, cho dù hai đầu gối thì cứ… vậy thôi. Đó cũng là ước mơ trong năm mới này của em” – Kiều Trinh cười hồn nhiên “bật mí”.

 

Diệu An

Báo Lao Động