Huyền thoại về các huyền thoại – Di Stefano (Kỳ 1)

Ngày 24.8.1963, tin tức phát đi từ Caracas, thủ đô của Venezuela, cho biết đã diễn ra một vụ bắt cóc. Gần như ngay lập tức, những thông tin liên quan đến vụ bắt cóc này được đăng tải trên hầu khắp các trang báo lớn trên thế giới

Di Stefano cùng các chiến tích sân cỏ

Vụ bắt cóc chấn động thế giới

Ngày 24.8.1963, tin tức phát đi từ Caracas, thủ đô của Venezuela, cho biết đã diễn ra một vụ bắt cóc. Gần như ngay lập tức, những thông tin liên quan đến vụ bắt cóc này được đăng tải trên hầu khắp các trang báo lớn trên thế giới và lan ra khắp mọi ngõ ngách địa cầu với tốc độ nhanh như điện giật! Đó quả là một điều đáng ngạc nhiên bởi vì vào đầu những năm 60 ấy, những vụ bắt cóc ở Venezuela xảy ra như cơm bữa, đến mức người ta đã nhàm với những tin tức như vậy. Vậy mà chỉ một vụ bắt cóc đã gây nên một chấn động chưa từng có lúc bấy giờ…


Đơn giản bởi vì nạn nhân của vụ bắt cóc này là một người gốc Argentina có tên là Alfredo Di Stefano!

Những kẻ tổ chức vụ bắt cóc đã rất biết chọn mục tiêu của mình. Vào thời điểm đó, Di Stefano, cầu thủ của câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Real Madrid, đang là một trong những người nổi tiếng nhất thế giới. Những chiến tích phi thường trên sân cỏ của cầu thủ này khiến cho anh có được một tiếng tăm vang dội trên toàn cầu và không phải là không có lý khi đi kèm với sự nổi tiếng luôn là sự nguy hiểm.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, người ta đã biết được thủ phạm gây nên vụ bắt cóc chấn động này. Mặt trận giải phóng dân tộc (FALN), một tổ chức vũ trang nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Venezuela Romulo Betancourt, đã lên tiếng nhận trách nhiệm tổ chức vụ bắt cóc. ~ Venezuela, người ta không lạ gì tiếng tăm của FALN, tổ chức đã có những hành động bạo lực quyết liệt chống chính phủ trong thời kỳ đầu những năm 60 mà đỉnh điểm là năm 1962-1963. Chính tổ chức này đã thực hiện các vụ phá hoại đường ống dẫn dầu ở Venezuela, đốt phá cửa hàng của Công ty Sears Roebuck và táo bạo nhất là họ còn đánh bom cả sứ quán Mỹ  ngay tại thủ đô Caracas… Những hành động đó khiến cho người ta có đủ cơ sở để lo ngại cho tính mạng của người cầu thủ bóng đá nổi tiếng.

Một cú đi bóng điệu nghệ của Di Stefano

Nhưng “nhân vật” chính của vụ bắt cóc, Di Stefano, lại không cảm thấy lo ngại. Cùng với đội Real Madrid tới Caracas để tham gia một giải đấu tập huấn chuẩn bị cho mùa bóng mới, sau khi nhận phòng ở khách sạn, Di Stefano ngủ thiếp đi vì quá mệt sau chuyến bay dài dằng dặc. Vào lúc gần sáng, anh bị dựng dậy bởi những tiếng gõ cửa gấp gáp và khi còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã thấy những người lạ mặt ập vào trong phòng. Một người trong số đó, sau này Di Stefano biết tên anh ta là Paulo Del Rio, còn gí súng vào đầu Di Stefano bắt anh phải im lặng, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng! Mọi chuyện sau đó diễn ra y như trong một cuốn phim trinh thám. Di Stefano bị bịt mắt, đẩy lên một chiếc ô tô, đi vòng vèo rồi sau đó, khi được tháo băng bịt mắt, thấy mình đang ở trong một ngôi nhà xa lạ. Những người bắt cóc anh đối xử khá tử tế. Họ cho biết tính mạng của anh hoàn toàn không bị đe dọa, bởi mục đích của cuộc bắt cóc này hoàn toàn khác so với những vụ bắt cóc vẫn xảy ra trước đó ở Venezuela. Thậm chí, trong câu chuyện phiếm giữa Di Stefano với những kẻ bắt cóc anh, chủ đề thường xuyên được đề cập tới là bóng đá. Những người canh gác tỏ ra khá am hiểu về bóng đá và về bản thân đối tượng mà họ đang canh giữ. “Hội chứng Stockholm” dùng để chỉ hiện tượng người bị bắt cóc lại có cảm tình với những người bắt cóc mình tỏ ra đúng trong trường hợp này. Di Stefano thấy có thiện cảm với những người bắt cóc anh, và anh cũng biết họ đã cam kết với thế giới rằng sẽ chỉ giam giữ Di Stefano đúng 48 giờ đồng hồ, sau đó sẽ thả anh ra, an toàn, nguyên vẹn.

Vậy mục đích của những người tổ chức vụ bắt cóc Di Stefano là gì? Một thỏa hiệp với chính phủ? Một yêu cầu tiền chuộc lên đến 6 chữ số? Hay một hành động nhằm thể hiện thái độ chống chính quyền Franco ở Tây Ban Nha?

Tất cả đều không phải. Mục đích của vụ bắt cóc sau đó đã được thủ lĩnh của FALN, Canales, tuyên bố rõ ràng: “Bằng việc bắt cóc Di Stefano, chúng tôi muốn thế giới chú ý đến tình trạng chính trị ở Venezuela”.

Nói cách khác, Di Stefano quá nổi tiếng đến nỗi Canales và các chiến hữu của ông cho rằng việc bắt cóc anh sẽ thu hút được chú ý của toàn thế giới đối với tình hình chính trị ở Venezuela cũng như cuộc đấu tranh vũ trang của họ chống chính quyền của Tổng thống Romulo Betancourt.

Và có vẻ như họ đã tính toán đúng. Sau 48 giờ đồng hồ, khi đã đạt được mục đích thu hút sự chú ý của thế giới, những người bắt cóc đã thả Di Stefano tại một khu phố ở trung tâm Caracas, rồi anh đi taxi về sứ quán Tây Ban Nha. Hai ngày sau, Di Stefano đã có mặt trong trận đấu giữa Real Madrid với Câu lạc bộ Sao Paulo của Brazil…

Năm 2002, khi Real Madrid kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của câu lạc bộ này, bạn bè và thân nhân của Canales đã gửi thư xin lỗi đội bóng và Di Stefano về sự kiện hy hữu xảy ra 40 năm trước. Còn tới năm 2005 thì Paulo Del Rio, người đã gí súng vào đầu Di Stefano năm xưa, đã thân hành tìm gặp lại con tin của anh ta để hồi tưởng lại những gì đã diễn ra trong sự kiện gây chấn động thế giới hơn bốn thập niên trước…

(Theo TNO)