HLV Nguyễn Văn Nhã: CAHN – Ký ức một thời…

Hà Nội bây giờ không còn cái nắng oi ả của mùa Hè nhưng ở một đô thị ngày càng đông đúc và ồn ào vẫn khiến người ta khao khát được tận hưởng…

Năm 1989, TTVN chính thức trở lại với đấu trường khu vực thông qua SEA Games 15 tại Malaysia. Nhưng cũng phải tới 2 năm sau, bóng đá mới có mặt trong đoàn đại quân… Ngay từ đại hội đầu tiên với cái tên SEAP Games (năm 1959 tại Thái Lan), bóng đá Việt Nam đã có mặt và ngay lập tức giành tấm HCV, một kỳ tích mà đã gần nửa thế kỷ qua chúng ta vẫn chưa thể tìm lại. Sau 1975, ở miền Nam không còn, không có một tờ báo hay tạp chí thể thao nào, còn nay cả nước có trên 20 tờ báo, tạp chí thể thao. Một trong số ít người có công mở đường, gây dựng phong trào làm báo thể thao, đặc biệt ở miền Nam, sau đó…Tháng 6 năm 1976, nhằm kỷ niệm ngày 30/4/1975 khi đất nước thống nhất, đội Tổng cục Đường sắt đã được giao trọng trách thi đấu giao hữu với 5 đội bóng miền Nam. ~ Đội CA Hà Nội, Hiển Scooc⬝ có những đồng đội giỏi, gắn bó như Điệp Slùn⬝, Đặng Scóc⬝, Quang Sbéo⬝, Nghị Schớp⬝, Thành SC⬝… Hồi đó, GĐ Công an TP. Hà Nội Nguyễn Văn Long từng nhận xét: SCác cầu thủ CA Hà Nội đã gây thiện…Kỳ 1: Từ thủa sơ khai

Hà Nội bây giờ không còn cái nắng oi ả của mùa Hè nhưng ở một đô thị ngày càng đông đúc và ồn ào vẫn khiến người ta khao khát được tận hưởng không khí trong lành, dù chỉ trong giây lát. Ông Nguyễn Văn Nhã có lẽ cũng là một trong số những người như thế.

Đã ngót nửa năm, chiều nào ông cũng có mặt ở sân Hàng Đẫy. Và không chỉ là người đi dạo, ông còn tự “định” cho mình một khối lượng vận động phù hợp, để vừa duy trì thể lực, vừa có thể tận hưởng chút không khí “đồng quê giữa đô thị”.

HLV Nguyễn Văn Nhã

Bước ngoặt “hạng A”

Ông Nguyễn Văn Nhã sinh năm 1952, tức là bây giờ tuổi tác chỉ cách “đầu 6” một chút. So với cách đây hơn chục năm, ông gần như không thay đổi. Vẫn chất giọng ồm ồm và cách nói chuyện chậm rãi, hiếm khi có điểm nhấn khiến người nghe phải thật tập trung mới có thể rõ ràng mọi thứ. Sự khiêm tốn của ông có lẽ được vun đắp sau quãng thời gian vài chục năm lăn lộn với bóng đá trên cả tư cách cầu thủ lẫn nhà cầm quân. Cách đối thoại đó thể hiện ông là một người từng trải và có độ “lỳ” nhất định. Cũng phải thôi, dù gì ông cũng kinh qua gần chục năm dẫn dắt đội bóng sở hữu nhiều cầu thủ đá “gấu” có tiếng một thời trên sân cỏ Việt Nam.

Thận trọng là thế, nhưng vẻ trầm ngâm của ông nhanh chóng biến mất khi đề tài giữa chúng tôi hướng về bóng đá, mà cụ thể là CAHN thời ông còn làm HLV.

Như sống lại với ký ức, ông nói say sưa về những năm 1993-1994, khi lần đầu tiên ông được bổ nhiệm vào vị trí HLV trưởng CAHN. “Năm đó, CAHN đang ở hạng A1. Lãnh đạo ngành công an đặt chỉ tiêu quyết lên hạng A (tương đương V.League bây giờ, sau là giải Các đội mạnh toàn quốc). Chuyên gia người Nga và anh Trần Đình Đức (cựu HLV CAHN) dẫn dắt đội lúc đó được điều chuyển công tác khác. Tôi được bổ nhiệm vào vị trí HLV trưởng sau 2 năm làm đào tạo trẻ.

Trước giải, tôi cũng lo lắng vì lực lượng đội mỏng hơn những giải trước, các cầu thủ mượn từ Thể Công, Đường Sắt Việt Nam phải trở về CLB chủ quản. Trụ cột quanh đi quẩn lại chỉ có vài ba người vững vàng là Lã Xuân Thắng, Bùi Hữu Lợi, Vũ Minh Hiếu, Lý Thái Hùng. Tình thế đó buộc tôi phải đôn nhiều cầu thủ trẻ như Đỗ Thành Tôn, Nguyễn Tuấn Thành, Nguyễn Thanh Minh, Mai Tiến Dũng và mượn thủ môn trẻ của Nam Định là Trần Quốc Trung về bổ sung. Tuy họ là những cầu thủ giàu tiềm năng, nhưng thời điểm đó cũng chưa dùng được nhiều. Mỗi trận đấu là một sự tính toán khác nhau. Cũng may, càng đá thì đội càng thể hiện sự tiến bộ. Chỉ tiêu thăng hạng cũng được hoàn thành khi chúng tôi chiến thắng Bình Thuận ở loạt luân lưu thứ 6 (hòa 2-2 trong 120 phút) trong trận bán kết ở Pleiku, Gia Lai. Và dù thua Cần Thơ ở trận chung kết nhưng thành tích hạng Nhì giải A1 cũng đủ khiến chúng tôi cảm thấy hài lòng”.

Thông qua các chi tiết được diễn đạt trôi chảy, ông thể hiện mình là một người có trí nhớ tương đối tốt. Mọi dữ liệu mà ông cung cấp đều có thể trở thành nguồn tư liệu quý, nếu ai đó muốn thực hiện công tác “chép sử” cho bóng đá Hà Nội.


Tuyển binh cũng là… kỳ tích

Câu chuyện của ông kéo chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lịch sử và những thăng trầm của CAHN được ông nhớ đã đành, nhưng hấp dẫn và ly kỳ nhất lại là những cuộc tuyển binh mà ông thực hiện.

Ông kể, không năm nào ông không phải đi tuyển quân vì CAHN thiếu hụt tuyến kế cận. Chính vì không có nguồn nên binh sỹ mà ông “nhặt” về đều đã cứng tuổi, chỉ dùng ở mức tận dụng hoặc duy trì ở một trình độ nhất định, còn phát triển là chuyện không thể.

“Nếu không phải những người đã hết hợp đồng với CLB chủ quản, hoặc đã nghỉ nghề một thời gian thì đâu đến lượt tôi đến tuyển”, ông nhớ lại.

Dừng một lúc, ông kể tiếp về chuyến hành quân vào Thanh Hóa để thuyết phục một loạt cầu thủ như Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Hùng B, Hoàng Trung Phong, Nguyễn Ngọc Long đầu quân cho CAHN. Trong số đó, quyết định trở lại sân cỏ, chấp nhận theo ông về Hà Nội khởi nghiệp trở lại ở tuổi “gần băm” của trung vệ Nguyễn Văn Thuận khiến người ta liên tưởng đến thời… chiến. Ông bảo, hồi đó, Văn Thuận đã chuyển hẳn sang nghề lái xe tải được vài năm, nên các cuộc tiếp xúc giữa ông và trung vệ này trở nên rất khó khăn. Ông đã phải dùng nhiều “chiêu”, thuyết phục nhiều người xung quanh Văn Thuận như bố mẹ, vợ, anh chị quyết tâm… bán xe tải – “cần câu cơm” của cả gia đình, để anh có thể yên tâm lên Hà Nội.

Khi tôi hỏi, CAHN có gì hứa hẹn hoặc ưu đãi về kinh tế cho Văn Thuận không, ông cười: “Đội nghèo như thế có gì mà hứa. Chúng tôi chỉ có cái tình với nhau thôi. Văn Thuận cũng thế, các cầu thủ khác cũng vậy. Chả có gì cả”.

Câu trả lời của ông không quá đặc biệt. Nó hiện hữu rất đơn giản trong tiềm thức của HLV từng lăn lộn với cơ chế bao cấp. Nhưng có lẽ, nhiều người sẽ phải suy nghĩ, phải nhớ về “bóng đá ngày xưa” và thở dài cho “bóng đá vị tiền” của ngày nay. Thời ông làm HLV (và trước đó) là thời của niềm đam mê, là thời của tình cảm chân thành giữa thầy với trò. Ở đó, người ta có thể đến với nhau vì cái bắt tay thân ái, vì chút đam mê còn dang dở, tuyệt đối không có mùi tiền hoặc những tác động mưu mẹo chốn hậu trường. Nếu là bóng đá thời nay, ai dám đảm bảo, ông sẽ thành công trong thương vụ Nguyễn Văn Thuận, khi hành trang của ông chỉ là chuyến xe khách đơn độc chạy lúc chập tối và hai bàn tay trắng!


10 năm CAHN, 10 năm thăng trầm

Ông gắn tên tuổi mình với CAHN từ khi đưa đội lên hạng A mùa giải 1993-1994 cho đến khi Hàng không Việt Nam tiếp nhận “cơ ngơi” năm 2003.

Ngót 10 năm làm việc ở CAHN, ông thu được nhiều chiến tích nhưng cũng hứng chịu không ít cay đắng và gian. Tuy nhiên, cái “được” lớn nhất của ông chính là sự tôn trọng mà ông nhận được từ đồng nghiệp và những học trò. Chính bởi quản được quân, chứng minh được năng lực trên băng ghế chỉ đạo, ông mới “ngồi trên ghế nóng” yên ổn chừng ấy năm. Điều đáng nói, CAHN không phải là đội bóng dễ quản. Lợi thế ngành chỉ là một trong số rất ít các yếu tố đảm bảo cho sự tồn tại của ông. Trong đội bóng tập hợp quân tứ xứ ấy, chỉ riêng việc dung hòa và làm hài lòng nhiều cá tính cũng đòi hỏi người cầm quân phải đầu tư trí tuệ rất lớn. Chưa kể, CAHN thời đó có rất nhiều “dị nhân” trong đội và luôn cần có chế độ đãi ngộ riêng biệt.

Nói khác đi, nếu không phải là người căn cơ, sống có tình, biết tiến – thoái, ông đã không thể trở thành một trong những biểu tượng của đội bóng ngành công an. Nếu đem thành tích tại vị của ông so sánh với các HLV nội địa, có lẽ không nhiều người vượt được ông về thâm niên cầm quân ở một CLB.

Nhiều người tiếc khi ông mất hơn 5 năm gián đoạn và giờ mới rục rịch đợi một cơ hội trở lại khi đã xấp xỉ lục tuần. Nhưng theo cách lý giải của ông, thì quyết định tạm dừng đó chính là một trong những cách trả ơn ý nghĩa nhất mà ông muốn thực hiện với nơi đã giúp ông trưởng thành và gây dựng tên tuổi.


Thành tích của CAHN dưới thời HLV Nguyễn Văn Nhã

Thăng hạng A (V.League bây giờ) mùa giải 1993-1994

Á quân Cúp QG 1995, 2001.

Hạng Nhì Dunhill Cup 1998 (dành cho 8 đội dẫn đầu giải Các đội mạnh toàn quốc).

HCĐ giải Các đội mạnh toàn quốc 1998.

Nguồn: Theo Bóng Đá