HÀN QUỐC – NHẬT BẢN: Kỳ phùng địch thủ

Giấc mơ châu Á rốt cuộc đã không trở thành hiện thực. Thay cho giấc mơ đá trận chung kết, Nhật Bản và Hàn Quốc giờ phải hài lòng với một trận quyết chiến để tranh HCĐ Olympic.


Dù sao đi nữa, giới quan sát đã đặt vấn đề “châu Á qua mặt châu Phi” khi theo dõi trận địa bóng đá nam tại Olympic London. Và dù đấy chỉ mới là đề tài tranh cãi chưa có hồi kết, thì việc Hàn Quốc, Nhật Bản cùng nhau lọt vào bán kết cũng đã là một thành công cho bóng đá châu Á tại Olympic 2012. Một thành công không trọn vẹn!


Vấn đề không chỉ là hy vọng của bóng đá châu Á lập tức tắt ngúm ngay khi nó bùng lên, chiếm đến phân nửa số chỗ ở vòng bán kết Olympic. Cách thua của Hàn Quốc và Nhật Bản cũng cho thấy vẫn còn những điều sơ đẳng mà nền bóng đá này có thể tiếp tục học hỏi.

Niềm tiếc nuối của các CĐV Nhật Bản.

Về mặt đẳng cấp cá nhân, Park Jong-woo hoặc Ki Sung-yeung của Hàn Quốc đều không đến nỗi tồi. Họ tổ chức hàng tiền vệ rất tốt, với lối chơi thiên về kỷ luật, âu cũng là một lựa chọn hợp lý của đội bóng này. Không tồi, nhưng cũng không thể gọi là giỏi. Một khi những cá nhân sáng chói trong đội hình Brazil hiển lộ tài năng thì Hàn Quốc bị đè bẹp một cách dễ dàng ở vòng bán kết.


Khi đã tiến đi thật xa như thế, và khi đã thành công bằng một lối chơi dựa vào kỷ luật đấu pháp như thế, Hàn Quốc tấn công làm gì trước một Brazil mà ai cũng thấy là hơn hẳn về mặt tài năng? Giống như ở vòng bảng, Hàn Quốc khi nào cũng tấn công khá nhiều, nhưng lại không giải quyết được khâu ghi bàn vì hầu hết các đường chuyền cuối cùng đều đặt đồng đội vào thế khó, chứ không phải cơ hội ghi bàn.


Nếu như Hàn Quốc tự làm hại mình bằng sự thiếu sáng tạo trong lối chơi, cũng như lựa chọn không thật logic của HLV Hong Myung-bo, thì Nhật Bản lại dừng chân vì quá tự tin. Quả thật, đây là một trong những đội đáng xem tại đấu trường Olympic. Họ đá nhanh, kỹ thuật tốt, kinh nghiệm cũng già dặn với 5 cầu thủ đang khoác áo các CLB Đức. Suy cho cùng, đội đã loại Tây Ban Nha ra khỏi cuộc chơi thì tất nhiên là không yếu. Khổ nỗi, chính những điểm mạnh của Nhật đã làm cho họ trở nên chủ quan, quá ham trình diễn và bị Mexico trừng phạt.


Có những thời điểm, người xem thật sự bất ngờ trước kiểu chuyền bóng một chạm, rất nhẹ nhàng và lập tức đưa bóng đến khu vực tấn công khi Nhật có bóng. Họ đá như Brazil trong thời kỳ của Zico và Socrates, nhưng đây lại không phải là kỷ nguyên của thứ bóng đá như vậy. Những pha chuyền hỏng bất ngờ hoặc thái độ bình tĩnh đến mức phớt lờ đối với những tình huống xảy ra ngay trước khung thành rút cuộc đã khiến Nhật trả giá đắt. Đấy là cái giá của sự tự tin quá mức cần thiết.


Nói theo kiểu tiêu cực thì đấu trường bóng đá nam tại Olympic đúng là… chẳng ra gì, với bằng chứng rõ ràng: châu Á có đến hai đội vào tận bán kết. Còn nói theo cách tích cực, nghĩa là vẫn phải ghi nhận một giá trị nào đó cho trận địa bóng đá Olympic, thì châu Á quả đã thể hiện được một bước tiến đáng kể tại Olympic London. Ít ra, các đội châu Á hay hơn các đội châu Phi. Chọn cách nói nào là tùy quan điểm riêng của mỗi người.