FIFA chính thức áp dụng công nghệ “goal-line” ở World Cup 2014

Các CĐV từ lâu sẽ không còn phải ấm ức vì những bàn thắng hợp lệ bị từ chối như của Frank Lampard vào lưới ĐT Đức ở World Cup 2010. Ở World Cup 2014, FIFA sẽ chính thức áp dụng công nghệ “goal-line” nhằm hỗ trợ cho các trọng tài.

Trong lịch sử bóng đá thế giới, có rất nhiều lần những “bàn thắng ma” thì được công nhận còn nhiều trường hợp dù bóng đã đi qua vạch vôi cỡ nửa mét nhưng lại bị ngó lơ. Những tình huống gây tranh cãi nhất có thể kể tới như “bàn thắng ma” của Geoff Hurst vào lưới đội tuyển Đức ở trận chung kết World Cup 1966 hay việc các trọng tài từ chối pha lập công của Lampard ở VCK World Cup 2010 (cũng là trước người Đức).

FIFA sẽ chính thức áp dụng công nghệ “goal-line” nhằm hỗ trợ cho các trọng tài.

Công nghệ goal-line sẽ là lời giải cho những tình huống gây tranh cãi như trong trận đấu Anh – Đức ở VCK World Cup 2010.


Lâu nay, FIFA vẫn luôn ấp ủ dự định áp dụng công nghệ “đường biên điện tử” (goal-line) vào các trận đấu. Tuy nhiên, đây không phải chuyện đơn giản bởi nhiều người lo ngại rằng việc sử dụng công nghệ sẽ khiến bóng đá, một trò chơi của con người, trở nên kém hấp dẫn đi.

Dù vậy, sau nhiều lần thử nghiệm và cân nhắc thiệt hơn, cuối cùng thì cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới đã đi tới kết luận chính thức. Theo đó, công nghệ “goal-line” sẽ được đưa vào sử dụng bắt đầu từ giải đấu Confederations Cup 2013 và sau đó là VCK World Cup 2014 trên đất Brail.

Trong tuyên bố của mình, FIFA cho biết: “Sau khi thử nghiệm thành công công nghệ goal-line (GLT) ở FIFA Club World Cup tại Nhật Bản vào tháng 12/2012, FIFA đã quyết định sẽ sử dụng GLT tại Confederations Cup 2013 và World Cup 2014 ở Brazil. Mục đích sử dụng GLT là để hỗ trợ các trọng tài và để thiết lập được hệ thống này trên tất cả các SVĐ thì cần phải cài đặt thành công và các trọng tài cần kiểm tra trước trận đấu”.

Hệ thống GLT sẽ gồm 2 phần chính là Hawk-Eye (Mắt diều hâu) và GoalRef (Goal Referee, trọng tài bàn thắng). Hawk-Eye liên quan đến việc sử dụng các máy quay tốc độ cao (đã được áp dụng trước đó trong bộ môn tennis và cricket) còn GoalRef sẽ dựa trên các cảm biến trong trái bóng và ở khung thành để xác định xem bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa trước khi truyền tín hiệu tới chiếc đồng hồ đeo tay của trọng tài chỉ trong tích tắc.