ĐTVN làm nên kỳ tích nhờ… V-League!

Có rất nhiều lí do để làm lên chiến thắng của ĐTVN, nhưng chiến thắng tưng bừng trước đội bóng vùng Vịnh UAE có lẽ lại nhờ vào… V-League…

Có rất nhiều lí do để làm lên chiến thắng của ĐTVN, nhưng chiến thắng tưng bừng trước đội bóng vùng Vịnh UAE có lẽ lại nhờ vào… V-League…

Chiến thắng là phải nhờ tới ông Riedl, là có công của các cầu thủ đã chơi một trận đấu xuất thần. Tuy vậy, để có 1 đêm không ngủ với những người yêu bóng đá Việt Nam thì cũng cần phải cảm ơn giải đấu V-League mà các cầu thủ đang chơi.

Cọ xát với các ngoại binh giúp cho chất lượng nội binh có bước tiến đáng kể. Ảnh: VNN

Quay về với những thời điểm của đầu thập niên 90, khi bóng đá Việt bắt đầu hội nhập trở lại đấu trường quốc tế có thể thấy rõ được tầm ảnh hưởng của một giải đấu chuyên nghiệp lớn như thế nào.

Ngày đó, giải đấu cao nhất của chúng ta chỉ là giải A1, và sau này được chuyển tên thành giải VĐQG thì những cuộc chơi của bóng đá Việt cũng theo đó chỉ dừng lại ở “vùng trũng” Đông Nam Á mà thôi.

Còn ở những vòng loại World Cup, vòng loại Asean Cup hay Champion League châu Á việc tìm kiếm một chiến thắng chỉ là những giấc mơ xa xỉ, quá tầm của bóng đá Việt.

Ngay cả thời thế hệ vàng như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Chiến… những chiến thắng trước các cầu thủ Tây của các đội bóng hạng 2, hạng 3 đến từ những nền bóng đá phát triển đã được coi vĩ đại đến nhường nào.

Thì sau hơn 1 thập niên, hay chính xác hơn kể từ khi bóng đá Việt Nam chuyển mình lên chuyên nghiệp thành tích mà Thế hệ vàng đã không còn là ngạc nhiên nữa. Và thành tích đó cũng chỉ là những điều đáng trân trọng trong cuốn biên niên kỷ của bóng đá Việt.

Bởi thời thế thay đổi, ĐTVN giờ đây đã mang tầm vóc mới, những điều vốn chỉ là giấc mơ đã trở thành hiện thực. ĐTVN đã có chiến thắng trước những đội bóng đại gia, có được những chiến thắng để báo chí quốc tế ca ngợi…

Thành tích đó đạt được không phải nhờ một phút xuất thần, hay sự may mắn mà trên hết chính là sự chuyển mình của bóng đá nước nhà trong những năm gần đây.

Và điều đó đã giúp cho ĐTVN có được tầm vóc mới. Ảnh: VNN

Giải đấu cao nhất của bóng đá nước nhà đã lên chuyên, và đúng như tên gọi của nó chất lượng cũng đã được cải thiện rất nhiều khi có làn sóng cầu thủ, HLV ngoại tràn vào.

Thay vì mỏi mắt đi tìm đối tượng mạnh để cọ xát, đối tượng cầu thủ hơn hẳn thể hình, trình độ kỹ thuật để nâng cao khả năng chơi bóng như những thời điểm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Thì giờ đây, các cầu thủ của chúng ta đã có cơ hội cọ xát thường xuyên hơn với những ngoại binh, với những cầu thủ đến từ những nước có nền bóng đá cao hơn Việt Nam.

Và những cơ hội cọ xát, thi đấu thường xuyên như thế các cầu thủ Việt Nam đã học được rất nhiều điều, từ cách chơi bóng, đến những kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.

Đồng thời, sự tiếp xúc, va chạm thường xuyên trên sân bóng đã tạo cho thế hệ cầu thủ mới như Công Vinh, Thanh Bình, hay Huy Hoàng gần như không còn cảm giác sợ những đối thủ to cao như các đàn anh đi trước từng sợ nữa.

Bóng đá Việt lên chuyên, cũng đồng nghĩa với việc tiếp cận, và thực thi lịch thi đấu của FIFA để rồi từ đó các cầu thủ cũng có nhiều cơ hội cọ xát quốc tế hơn thay vì chỉ thi đấu ở giải quốc nội.

Cọ xát nhiều đã giúp cho cầu thủ của chúng ta gần như không còn cảm giác tự ti trước những đội bóng lớn như ngày trước nữa mà ngược lại, sự tự tin vào khả năng của mình đã được nâng lên đáng kể.

2 trận đấu giao hữu, và trận thắng trước UAE ở ngày ra quân đã nói lên được điều đó. Chúng ta dám tự tin cầm bóng, tự tin đối đầu 5 – 5 với những đối thủ to cao, kỹ thuật hơn…

3 chiến thắng không phải đến từ việc các đối thủ đi du lịch, hay coi thường đối thủ mà phần lớn đều bắt nguồn từ chính bản thân ĐTVN: Tự tin chơi bóng mà không cần biết đối thủ là ai.

Rõ ràng, dù giải đấu chuyên nghiệp của chúng ta chưa phải là hoàn thiện, nhưng chắc chắn những gì đã đạt được vào thời điểm hiện tại càng khiến cho người hâm mộ tin rằng tiềm năng của chúng ta sẽ được phát huy hơn nữa trong tương lai không xa khi mà giải đấu V-League ngày một hoàn thiện hơn.

Theo VNN

NHÀ TÀI TRỢ ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA VIỆT NAM