Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động của LĐBĐVN khoá IX (Nhiệm kỳ 2022-2026)

07/11/2022 16:09:13

Căn cứ các nhiệm vụ mục tiêu đã đạt được trong nhiệm kỳ 2018- 2022, để nâng cao chất lượng của bóng đá Việt Nam một cách toàn diện, xứng đáng với tiềm năng và thúc đẩy hội nhập đời sống bóng đá quốc tế một cách vững vàng, đề nghị Đại hội LĐBĐVN khóa IX (nhiệm kỳ 2022- 2026) thống nhất bổ sung phương hướng hoạt động của LĐBĐVN khóa IX (nhiệm kỳ 2022- 2026) trên các lĩnh vực sau:

1/ Tiếp tục đầu tư cho công tác phát triển bóng đá trẻ và hệ thống các giải trẻ; Kiện toàn và nâng cao chất lượng các giải bóng đá chuyên nghiệp, ổn định số lượng các CLB tham dự V.League, hạng Nhất trước hết thông qua đầu tư vào các giải pháp phát triển các giải đấu thuộc hạng dưới gồm: Giải hạng Nhì, hạng Ba Quốc gia;

2/ Tăng cường các giải pháp đối với công tác đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng trọng tài; rà soát kỹ càng các trọng tài đủ năng lực, có triển vọng phát triển để xét lên hạng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của Bóng đá chuyên nghiệp.

3/ Thực hiện việc cấp phép, quy hoạch các CLB tham gia các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2023 và những năm tiếp theo; tiếp tục hỗ trợ các CLB bóng đá chuyên nghiệp duy trì và phát triển việc thực hiện công tác cấp phép CLB một cách chuyên nghiệp, bài bản, đảm bảo về số lượng và chất lượng, góp phần tạo sự ổn định, bền vững cho hệ thống thi đấu của các giải Bóng đá chuyên nghiệp;

4/ Phổ biến và tập huấn theo định kỳ hàng năm cho các CLB/Đội bóng thực hiện đăng ký, chuyển nhượng cầu thủ theo quy định của FIFA và LĐBĐVN; giám sát việc thực hiện các quy định này của CLB/Đội bóng; tổ chức hội thảo về các vấn đề liên quan đến lao động giữa CLB/Đội bóng và cầu thủ, những vấn đề thường phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo giữa các bên và đưa ra hướng giải quyết để hạn chế mức thấp nhất tranh chấp có thể xảy ra.

5/ Xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện hoạt động cấp phép CLB bóng đá Futsal và hoạt động cấp phép CLB bóng đá Nữ; đặc biệt là phương án tổ chức giải futsal quốc gia và giải nữ quốc gia theo thể thức League (sân nhà – sân khách). Đây là điều kiện bắt buộc để các CLB futsal và các CLB bóng đá nữ của Việt Nam tham dự các giải đấu của AFC.

6/ Từng bước thực hiện điều chỉnh thể thức thi đấu đối với một số giải trẻ (U15, U17, …), bóng đá nữ và futsal phù hợp với xu hướng phát triển, đáp ứng các yêu cầu của AFC; nghiên cứu tổ chức giải futsal dành cho lứa tuổi U20. Duy trì tổ chức giải futsal nữ Vô địch quốc gia hàng năm.

7/ Khuyến khích các địa phương phát triển phong trào bóng đá nữ, bóng đá bãi biển, futsal; kêu gọi nhiều nguồn đầu tư và xã hội hóa qua đó thu hút được nhiều cầu thủ ở các lứa tuổi khác nhau tham dự; tổ chức được các giải bóng đá phong trào bóng đá (nam, nữ), Futsal trong hệ thống trường học phổ thông để hỗ trợ các CLB tuyển chọn và tìm kiếm tài năng đào tạo chuyên nghiệp.

8/ Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập và tăng cường giao lưu, hợp tác với các tổ chức, liên đoàn bóng đá quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ cho các đội tuyển quốc gia được giao lưu, học hỏi, cọ xát tích lũy kinh nghiệm; tranh thủ sự hỗ trợ của FIFA, AFC cho công tác đào tạo bóng đá nữ và bóng đá trẻ dựa trên các chương trình mục tiêu.

9/ Tăng cường công tác Y học thể thao, dinh dưỡng thể thao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hỗ trợ vào công tác tuyển chọn, huấn luyện và phát triển thể lực, thể chất cho VĐV bóng đá.

10/ Nâng cao thành tích cho các đội tuyển bóng đá ở các cấp độ, tiếp tục đầu tư cho công tác đào tạo Bóng đá trẻ, Bóng đá nữ, Futsal. Đặc biệt là đầu tư cho các tài năng bóng đá trẻ để làm lực lượng kế cận, bổ sung cho các ĐTQG.

11/ Phối hợp FIFA, AFC tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo chuyên môn, các khoá học đào tạo Huấn luyện viên bóng đá các cấp độ phù hợp với tiêu chí nâng cao trình độ chuyên môn của các HLV và đáp ứng được các yêu cầu về bằng cấp phù hợp với quy chế cấp phép và tiêu chuẩn quy định của các HLV khi tham gia vào các giải đấu quốc tế của FIFA/AFC. Chú trọng tới chất lượng đào tạo các Huấn luyện viên đang làm việc tại Việt Nam. Tiến tới áp dụng hệ thống cấp phép chứng chỉ huấn luyện viên theo mô hình và quy chuẩn của FIFA & AFC.

12/ Tăng cường sự phối hợp và hỗ trợ công tác của LĐBĐVN đối với các Tổ chức thành viên; hỗ trợ các địa phương hiện nay chưa có Liên đoàn bóng đá phấn đấu thành lập Liên đoàn bóng đá để phát triển phong trào tập luyện và thi đấu bóng đá trong tỉnh, thành cũng như đóng góp cho quốc gia; tiếp tục khuyến khích, phát triển, hướng dẫn các CLB bóng đá có nguyện vọng và đủ điều kiện gia nhập thành viên LĐBĐVN theo quy định.

13/ Bám sát hoạt động chuyên môn, chiến lược bóng đá và tầm nhìn 2030, mục tiêu World Cup năm 2026-2030 để xây dựng kế hoạch mục tiêu công tác tiếp thị và vận động tài trợ; Tăng cường hợp tác, phối hợp với các Công ty truyền thông, tiếp thị thể thao chuyên nghiệp nhằm nâng cao hơn nưa giá trị hình ảnh của bóng đá Việt Nam, xây dựng hình ảnh bóng đá gắn với cộng đồng và thu hút nguồn thu cho bóng đá Việt Nam; Phấn đấu có tài trợ các giải bóng đá phong trào.

II- CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1/ Các Đội tuyển quốc gia

1.1 Bóng đá nam:

– Đội tuyển quốc gia:

+ Phấn đấu vào Top 10 đội tuyển tại khu vực châu Á (xây dựng lộ trình đến năm 2030);

+ Phấn đấu giành quyền vào Vòng loại thứ ba FIFA World Cup 2026 khu vực châu Á, cạnh tranh cơ hội dự VCK FIFA World Cup 2026 và hướng tới tham dự VCK FIFA World Cup 2030;

+ Phấn đấu giành quyền vào Tứ kết tại VCK Cúp bóng đá châu Á 2023 (AFC Asian Cup 2023); Giành quyền tham dự VCK AFC Asian Cup 2027;

+ Giành quyền vào Chung kết giải bóng đá vô địch Đông Nam Á 2022/2024/2026; ít nhất 01 lần vô địch.

– Đội tuyển U23 quốc gia:

+ Giành quyền vào VCK và phấn đấu đạt thứ hạng cao tại Cúp bóng đá U23 châu Á (AFC U23 Asian Cup) 2024/2026;

+ Phấn đấu bảo vệ thành công huy chương Vàng bóng đá nam SEA Games 2023/2025;

+ Các đội tuyển trẻ thường xuyên tham dự VCK các giải trẻ châu Á. Đội tuyển U17, U20 phấn đấu cạnh tranh suất tham dự VCK FIFA U17, U20 World Cup 2023/2025.

1.2 Bóng đá nữ:

– Đội tuyển nữ quốc gia:

+ Phấn đấu vào tốp 6 đội tuyển bóng đá nữ của châu Á.

+ Chuẩn bị thật tốt để thi đấu đạt hiệu quả cao nhất tại VCK FIFA World Cup Nữ 2023, qua đó tạo tiền đề thuận lợi cho bước phát triển mới của bóng đá nữ Việt Nam;

+ Vô địch Giải bóng đá nữ Đông Nam Á;

+ Phấn đấu bảo vệ thành công huy chương Vàng bóng đá nam SEA Games 2023/2025;

+ Các đội tuyển trẻ thường xuyên tham dự VCK các giải trẻ châu Á. Đội tuyển U17, U20 nữ quốc gia giành quyền tham dự VCK U17, U20 nữ châu Á; phấn đấu cạnh tranh suất tham dự VCK FIFA World Cup U17, U20 nữ.

1.3 Fusal:

– Đội tuyển Futsal nam:

+ Duy trì vị trí Top 3 tại khu vực Đông Nam Á.

+ Phấn đấu giành quyền tham dự VCK Cúp Futsal châu Á (AFC Futsal Asian Cup) 2024/2026;

+ Phấn đấu cạnh tranh suất tham dự VCK FIFA Futsal World Cup 2024;

+ Phấn đấu giành quyền vào chung kết môn Futsal tại SEA Games; giành quyền vào chung kết Giải futsal Đông Nam Á.

– Đội tuyển Futsal nữ:

+ Duy trì vị trí Top 3 khu vực Đông Nam Á, thường xuyên giành quyền tham dự VCK Futsal nữ châu Á.

2/ Bóng đá chuyên nghiệp

– Phấn đấu kể 100% các CLB đủ điều kiện được cấp phép tham dự các giải đấu do AFC tổ chức; xây dựng tổ chức các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tiệm cận với mô hình của các nước phát triển của châu lục;

– Thực hiện hoạt động cấp phép cho các CLB tại giải HNQG;

– Cở sở vật chất, hệ thống đèn chiếu sáng của các CLB đủ tiêu chuẩn, đáp ứng theo các tiêu chí của bóng đá chuyên nghiệp;

– Nâng cao chất lượng công tác trọng tài; triển khai nghiên cứu, hoàn thiện các điều kiện trong thời gian sớm nhất để sử dụng công nghệ VAR theo tiêu chuẩn FIFA, đảm bảo tính chính xác, hỗ trợ các trọng tài trong việc điều hành, tạo sự công bằng cho các CLB trong quá trình thi đấu.

3/ Bóng đá ngoài chuyên nghiệp

– Từng bước thực hiện điều chỉnh thể thức thi đấu đối với các giải trẻ từ U15 đến U21, giải futsal và giải bóng đá nữ quốc gia phù hợp với xu hướng phát triển;

– Thực hiện kế hoạch và lộ trình cấp phép đối với CLB Futsal và CLB bóng đá nữ đáp ứng yêu cầu của AFC;

– Đảm bảo các điều kiện về nâng cấp sân bãi, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thi đấu, tập luyện phát triển của bóng đá theo tiêu chuẩn quốc gia;

– Triển khai phần mềm quản lý thi đấu, dữ liệu cầu thủ nhằm nâng cao chất lượng điều hành, quản trị hành chính tại các giải đấu.

4/ Bóng đá phong trào

–  Hình thành hệ thống một số giải bóng đá phong trào được tổ chức hàng năm với quy mô và số lượng vận động viên, số đội bóng tham dự lớn, có sự chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

– Phối hợp với Bộ GD&ĐT và các cơ quan, ban ngành liên quan có các định hướng, giải pháp phù hợp để phát triển bóng đá học đường trong các trường học; tổ chức các giải thi đấu dành cho bóng đá học đường trên phạm vi khu vực và toàn quốc.

5/ Phát triển nguồn nhân lực

– Nâng cao chất lượng cán bộ, đề cử thêm những cán bộ có đủ năng lực tham gia các tổ chức bóng đá quốc tế;

– Đầu tư, phát triển trọng tài quốc tế đảm bảo chất lượng về chuyên môn và ngoại ngữ để đăng ký trọng tài FIFA, AFC;

– Tiếp tục chuẩn hóa trình độ HLV bóng đá đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của AFC.

6/ Tài chính

– Đổi mới chất lượng giải đấu, nâng cao tính cạnh tranh giữa các CLB, nâng cao hình ảnh giải đấu nhằm thu hút và tăng giá trị bản quyền truyền hình, tăng nguồn thu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia;

– Tối ưu hóa khai thác giá trị thương hiệu các đội tuyển quốc gia;

– Phấn đấu mức tăng trưởng trong công tác tiếp thị và vận động tài trợ tăng trên 10% so với nhiệm kỳ trước.

III- Một số giải pháp chủ yếu:

1/ Bám sát và triển khai các nhiệm vụ theo đúng lộ trình trên cơ sở “Báo cáo sơ kết triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 giai đoạn 2012 – 2022”, “Đề án phát triển Bóng đá Việt Nam hướng đến World Cup 2026 – 2030”, “Đề án phát triển bóng đá phong trào giai đoạn 2020 – 2030” và Đề án “Chương trình mục tiêu phát triển nguồn lực (đào tạo Vận động viên) tham gia Vòng chung kết Giải Vô địch thế giới World Cup 2030, Asian Games 2027, 2031 và Olympic 2028, 2032” của Ban Chiến lược LĐBĐVN;

2/ Kiến nghị Bộ VHTT&DL, Tổng cục TDTT xem xét dành một phần kinh phí để thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, ngoài ngân sách hàng năm của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện các chương trình, đề án mang tính quyết định đến sự phát triển của bóng đá như đào tạo dài hạn cầu thủ trẻ ở nước ngoài, đào tạo chuyên gia, cán bộ quản lý trong nước chất lượng cao ở trong và ngoài nước…

3/ Kiến nghị Bộ VHTT&DL căn cứ Chương trình 217/Ctr-BGDDT-BVHTTDL phối hợp giữa Bộ GĐ&ĐT với Bộ VHTT&DL giai đoạn 2022- 2026 ký ngày 4/3/2022 tạo cơ chế để các Sở VHTT và Sở VHTT&DL các tỉnh, thành quan tâm, đẩy mạnh việc phát triển bóng đá học đường; Ban hành các văn bản khuyến khích, hướng dẫn để phát triển bóng đá học đường; xây dựng các dự án, các chương trình trọng điểm để đưa bóng đá và Futsal vào trong trường học dưới hình thức các tiết học tự chọn của chương trình thể dục;

4/ Phát triển hệ thống các giải ngoài chuyên nghiệp, chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức tại các giải ngoài chuyên nghiệp, đặc biệt là giải bóng đá hạng Ba, hạng Nhì Quốc gia để từng bước tạo sự ổn định cho hệ thống các giải chuyên nghiệp. Có cơ chế hỗ trợ hợp lý để khuyến khích các đơn vị đăng cai tổ chức các giải trẻ.

5/ Tiếp tục đẩy mạnh công tác khai thác tài trợ từ nguồn xã hội hóa, nguồn thu từ giá trị thương hiệu các đội tuyển và tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính của FIFA, AFC; Tăng cường hợp tác Quốc tế với các nước có nền bóng đá phát triển để đảm bảo và nâng cao hiệu quả cho các hoạt động tập huấn và thi đấu cho Đội tuyển quốc gia trước khi tham dự các giải đấu quốc tế.

 6/ Tiếp tục đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách đầu tư, nâng cấp, phát triển cơ sở vật chất các sân vận động địa phương đáp ứng yêu cầu tổ chức và thi đấu đối với CLB Bóng đá chuyên nghiệp.

7/ Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nội dung Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp trình các cấp có thẩm quyền nhằm tạo sự phù hợp và đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển bóng đá chuyên nghiệp.

8/ Định hướng xây dựng kế hoạch tổ chức của các Giải thuộc hệ thống thi đấu trong nước phù hợp với Lịch hoạt động của các ĐTQG, qua đó đảm bảo tốt công tác chuẩn bị của các đội tuyển tham dự các giải quốc tế.

9/ Tập trung đào tạo và phát triển đội ngũ trọng tài trẻ; hoàn thiện các quy chế quản lý trọng tài; Tăng cường phối hợp với FIFA, AFC trong công tác đào tạo và phát triển trọng tài.

10/ Tiếp tục đầu tư cho giải pháp về chuyên gia người nước ngoài có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn trên các lĩnh vực đào tạo, huấn luyện, y học thể thao.

11/ Xây dựng chiến lược truyền thông bài bản, chuyên nghiệp cho từng giai đoạn cụ thể, tăng cường mối quan hệ đối tác với một các cơ quan báo chí và đối tác truyền thông có uy tín và tầm ảnh hưởng tới công chúng để cùng xây dựng hình ảnh cho bóng đá Việt Nam và gia tăng giá trị hình ảnh của bóng đá Việt Nam.