Chung kết World cup bóng đá nữ 2011, Mỹ-Nhật Bản: Cuộc chiến của 2 trường phái tương phản

Với 2 chức vô địch World Cup và 3 HCV Olympic, tuyển Mỹ có bề dày lịch sử và niềm tin trước khi bước vào trận chung kết gặp Nhật Bản. Nhưng đại diện của châu Á có điểm mạnh riêng: chuyền bóng nhanh, phối hợp khéo léo…

Với 2 chức vô địch World Cup và 3 HCV Olympic, tuyển Mỹ có bề dày lịch sử và niềm tin trước khi bước vào trận chung kết gặp Nhật Bản. Nhưng đại diện của châu Á có điểm mạnh riêng: chuyền bóng nhanh, phối hợp khéo léo…

Lối chơi có chiều sâu và thể lực của các cô gái Mỹ hoàn toàn tương phản với lối chơi chặt chẽ và cầm bóng khéo léo của các cô gái đến từ đất nước “Mặt trời mọc”. Đó là những gì mà giới mộ điệu có thể sẽ được chiêm ngưỡng trong trận chung kết ở Frankfurt.

Tuyển Mỹ từng thắng Nhật Bản trong 2 trận giao hữu trước thềm World Cup, nhưng điều đó chỉ mang tính chất tham khảo cho cuộc đụng độ giữa họ ở trận chung kết. Hậu vệ Christie Rampone của tuyển Mỹ cảnh báo đồng đội: “Nhật Bản đến World Cup với đội hình hoàn toàn khác. Họ chơi với đẳng cấp khác”.

Tiền đạo Shinobu Ohno (trái, Nhật Bản) và tiền đạo Lauren Cheney (Mỹ).

Lối chơi tinh tế của Nhật Bản nhận được lời khen ngợi từ khắp nơi trên thế giới, thậm chí, họ được xem là “Barca của bóng đá nữ” hay “thi đấu đẹp mắt như Brazil”. Thật ra, những so sánh này không phải là ngẫu nhiên mà Nhật Bản tìm cách phát triển lối chơi của riêng họ từ nhiều năm qua, nhưng chỉ ở giải lần này, họ mới có được sự tự tin phát triển lối chơi đến mức cao nhất.

HLV Norio Sasaki khẳng định rằng đội bóng của ông từng đặt mục tiêu lọt đến bán kết Olympic cách đây 3 năm tại Bắc Kinh, thì “giờ đây như chúng tôi đã nói, hãy tiến đến trận chung kết”. Hai lần đặt mục tiêu đầy tham vọng, nhưng đến nay, Nhật Bản vẫn trắng tay. HLV Sasaki quả quyết: “Rõ ràng, không có gì là không thể. Đây là cơ hội hiếm có trong đời để giành chiến thắng và đánh bại đội bóng số 1 thế giới”.

Chẳng cần nói đâu xa, Nhật Bản đánh bại chủ nhà Đức (2 lần liên tiếp đoạt World Cup) ở vòng tứ kết bằng bàn thắng duy nhất trong hiệp phụ. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ thấy thầy trò HLV Sasaki tự tin như thế nào. Nhà cầm quân này nói tiếp: “Trận thắng đó cho thấy mọi thứ đều có thể xảy ra. Trận tứ kết gặp Đức giống như trận chung kết nếu xét về áp lực, thái độ và sự kỳ vọng. Trận chung kết lần này sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự”.

Trong cùng thời gian, tuyển Mỹ trải qua kinh nghiệm tương tự khi đánh bại Brazil bằng loại sút luân lưu, sau khi hòa nhau 2-2 trong 120 phút. Hãng tin AP cho rằng có thể đó là trận đấu hay nhất của tuyển Mỹ ở World Cup nữ, đồng thời tạo ra làn sóng cổ vũ cuồng nhiệt nhất từ CĐV nhà.

Tiền đạo Abby Wambach (đánh đầu gỡ hòa 2-2 trong trận gặp Brazil) nói: “Tất nhiên, đánh bại được Brazil là kỳ tích, đi vào lịch sử. Đó là một trong những khoảnh khắc mà có thể sẽ không bao giờ lặp lại. Nhưng tôi muốn lặp lại chiến tích ở trận đấu cuối cùng của giải. Ngay lúc này đây, tôi đang khao khát và chỉ nghĩ đến chiến thắng trong trận ngày Chủ nhật”.

Mỹ và Nhật Bản bước vào trận chung kết sau khi lần lượt thắng Pháp và Thụy Điển ở trận bán kết với cùng tỷ số 3-1. Rampone cho rằng trận thắng Pháp là sự chuẩn bị tốt nhất trước khi gặp Nhật Bản. Cô nói: “Gặp tuyển Pháp vốn là đội bóng chơi rất tốt và có kỹ thuật khéo léo, đó là cách chuẩn bị tốt nhất cho trận chung kết gặp Nhật Bản. Cả hai đều là những đội bóng có kỹ thuật khéo léo, rất kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, tấn công tốt và tạo nhiều cơ hội ghi bàn”.

Cuối cùng, một niềm tin khác cho chiến thắng của tuyển Mỹ là ưu thế trong đối đầu trực tiếp. Trong 25 lần gặp nhau từ năm 1986, Mỹ thắng Nhật Bản đến 22 lần và hiện bất bại. Với Nhật Bản, đây là lần đầu tiên họ lọt đến bán kết và chung kết. Chiến thắng đầu tiên trước tuyển Mỹ chắc chắn sẽ có giá trị lịch sử rất lớn đối với đội bóng đến từ châu Á. HLV Sasaka kết luận: “Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với thách thức”.