Chủ tịch Hội đồng trọng tài QG Nguyễn Văn Mùi: "Trọng tài đã hoàn thành nhiệm vụ"

Mùa giải 2009 đã khép lại. Giờ là thời điểm để các nhà chuyên môn đưa ra những tổng kết, đánh giá tổng thể về bức tranh bóng đá nước nhà.

Trong đó, công tác điều hành các trận đấu của đội ngũ trọng tài được đặc biệt chú ý. Phóng viên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Nguyễn Văn Mùi, chủ tịch Hội đồng Trọng tài Quốc gia xung quanh vấn đề này

PV: Nếu cần một nhận xét khái quát nhất về công tác trọng tài mùa giải 2009, ý kiến của ông thế nào?

Ông Nguyễn Văn Mùi: Nói một cách khách quan nhất là các trọng tài đã hoàn thành nhiệm vụ. Về cơ bản là vậy, dù vẫn còn một số điều còn lấn cấn. Tuy nhiên, có rất nhiều điểm sáng trong công tác trọng tài mùa giải vừa qua. Các trọng tài dày dạn kinh nghiệm trận mạc như Dương Văn Hiền, Trần Khánh Hưng, Võ Minh Trí, Phùng Đình Dũng vẫn thể hiện được bản lĩnh của mình. Ngoài ra, một số gương mặt trẻ như: Quang Vinh, Công Trọng…đã cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng của mình.

Chủ tịch Hội đồng trọng tài QG Nguyễn Văn Mùi

Tôi hy vọng rằng, với sự xuất hiện của các gương mặt trẻ, công tác trọng tài sẽ khả quan hơn trong thời gian tới đây. Ngoài ra, công tác điều hành trận đấu của đội ngũ trọng tài đặc biệt hiệu quả ở giai đoạn cuối giải. Một số trọng tài đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở những trận cầu nhạy cảm. Tất nhiên, không thể tránh khỏi những sai sót trong công tác trọng tài. Một số sự cố đã xảy ra. Hội đồng Trọng tài đã đưa ra hình thức kỷ luật với hai trọng tài, sáu trợ lý trọng tài vì những sai sót mắc phải khi điều hành trận đấu. Tuy nhiên, tôi không cho rằng, sự yếu kém của trọng tài ảnh hưởng đến đến giải đấu, là nguyên nhân chính khiến đội bóng nào đó thành công hay thất bại.

– Theo ông, đâu là hạn chế lớn nhất của các trọng tài Việt Nam?

Hạn chế lớn nhất của trọng tài Việt Nam chính là cách hành xử có phần nặng về tình cảm khi làm nhiệm vụ trên sân. Mặc dù thống kê về số thẻ phạt mùa giải vừa qua cao hơn những năm trước đây nhưng các trọng tài vẫn chưa có được sự nghiêm khắc cần thiết. Họ có phần nương nhẹ với nạn bạo lực sân cỏ, tiểu xảo câu giờ, ăn vạ…

Nguyên nhân của việc thiếu những biện pháp hữu hiệu với tình trạng này là thái độ ngại va chạm với các đội bóng. Các đội bóng thường xuyên kêu ca, tạo ra dư luận không tốt về các trọng tài. Chính điều đó đã tạo ra áp lực, sự ức chế với các Vua sân cỏ. Điều này dẫn đến tình trạng trọng tài có phần nhân nhượng đối với các pha phạm lỗi.

– Ông nói trọng tài có cách hành xử thiên về về tình cảm. điều này có đồng nghĩa với tiêu cực không, thưa ông?

– Không! Tôi nói nặng về tình cảm, chứ không khẳng định tư tưởng các trọng tài có vấn đề. Họ chịu áp lực từ các đội bóng. Thậm chí, bản lĩnh và sự non nớt trong kinh nghiệm trận mạc khiến cho họ cảm thấy bị ức chế, mắc sai lầm trong điều khiển trận đấu. Tuy nhiên, đây chỉ là những lỗi về chuyên môn, kinh nghiệm, chứ chưa phát hiện trường hợp tiêu cực nào trong mùa giải vừa qua.

– Theo ông, cần phải làm gì để các trọng tài có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ ở mùa giải tới?

– Công tác đào tạo, bồi dưỡng trọng tài cần được đẩy mạnh hơn nữa. Các trọng tài cũng phải nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần phải đưa các hình thức chế tài liên quan đến trọng tài vào Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Theo đó, các đội bóng không được đưa ra các phát ngôn gây áp lực với trọng tài. Cần có hành động cương quyết hơn nữa với nạn bạo lực và tiểu xảo trên sân cỏ.

– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn: Theo Báo Bóng Đá

NHÀ TÀI TRỢ CÁC GIẢI QUỐC GIA